(kontumtv.vn) – Tỉnh Kon Tum hiện có gần 8.000 ha diện tích các cây trồng sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là kết quả nổi bật sau 05 năm đưa Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy vào cuộc sống và là tiền đề để ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện phấn đấu đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

Cuối năm 2020, thành phố Kon Tum đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng lắp đặt đường điện và xây dựng hệ thống giếng khoan, hồ chứa nước tại thôn Plei Sar, xã Ia Chim để phục vụ trồng cây chuối tiêu hồng trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ vốn vay ưu đãi 10 triệu đồng cho mỗi hộ dân tham gia để bố trí, tổ chức sản xuất. Chị Y Văn (thôn Plei Sar, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) nói: “Theo tôi thấy như đầu tư vào trồng chuối cũng đơn giản, chỉ là vào tưới nước nhiều, rồi bón phân, chăm chỉ làm, làm theo chủ trương, chỉ đạo của Nhà nước, tôi tin rằng chắc chắn rằng sau này sẽ có hiệu quả hơn”.

Với đặc thù 70% là người DTTS, Đảng ủy và UBND xã Ia Chim đã vận động bà con thành lập Tổ hợp tác trồng cây ăn quả tại thôn Plei Sar, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum. Hiện tại, đã có 9 hộ dân tham gia trồng cây chuối với diện tích gần 4 ha. Đây là mô hình sản xuất NNUDCNC đầu tiên tại vùng DTTS trên địa bàn xã Ia Chim gắn với bao tiêu sản phẩm. Bà Uông Thị Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim, thành phố Kon Tum cho biết: “Đối với địa bàn xã thì công tác vận động là đặt lên hàng đầu, đầu tiên là vận động nếp nghĩ cách làm của ĐBDTTS, để UDCNC vào sản xuất nông nghiệp, để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc liên kết đầu ra sản phẩm thì tổ hợp tác này ký hợp đồng với HTX Bắc Tây Nguyên để bao tiêu sản phẩm”.

Giai đoạn 2021 – 2025, thành phố Kon Tum đặt mục tiêu nâng tỷ lệ mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, UDCNC có liên kết chuỗi giá trị đạt 10%. Trong đó hình thành 1 Khu NNUDCNC; phấn đấu xây dựng hơn 1.000 ha cánh đồng lớn có UDCNC và tìm kiếm, xây dựng các chuỗi liên kết giá trị có nguồn đầu ra ổn định. Ông Phan Thanh Nam, Trưởng Phòng Kinh tế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum cho biết: “Thành phố đã liên hệ với Công ty Dobaco ở Gia Lai để liên kết sản xuất một số sản phẩm cây ăn quả, rau ở trên địa bàn. Cái thứ hai nữa cũng đã liên hệ với Công ty Cổ phần Dược liệu, Thực phẩm Măng Đen trong vấn đề liên kết sản xuất cây thức ăn chăn nuôi. Hiện nay cũng đang liên hệ với một số các doanh nghiệp ở Đà Nẵng để thực hiện vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái”.

Huyện Kon Plông là một trong những địa phương tiềm năng được tỉnh xác định, chú trọng phát triển sản xuất NNUDCNC. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện được giao chỉ tiêu phát triển diện tích sản xuất NNUDCNC lên 13.000 ha. Đồng thời phấn đấu đưa bà con DTTS tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể sản xuất UDCNC đạt tỷ lệ tối thiểu 20% trong năm 2021. Ông Phạm Thanh, Trưởng Ban Quản lý Khu NNUDCNC Măng Đen, huyện Kon Plông nói: “Việc phát triển NNCNC thì không thể các doanh nghiệp mà còn của người dân, đó là quan trọng nhất. Do đó tiếp tục sẽ hướng dẫn cho bà con về cách thức riêng, hướng dẫn cho bà con thành lập, liên kết lại với nhau để tạo một số sản phẩm trở thành hàng hóa, chứ không thể nhỏ lẻ như vậy được. Truyền cho bà con những cái kinh nghiệm sản xuất, những quy trình sản xuất phù hợp với bà con”.

Đến cuối năm 2020, tổng diện tích sản xuất theo hướng UDCNC của tỉnh Kon Tum đạt gần 8.000 ha và đã hình thành được 23 chuỗi liên kết sản xuất. Các chuỗi giá trị này đã phát huy được hiệu quả từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm đối với các cây trồng chủ lực của tỉnh. Đây là tiền đề để tỉnh tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh trong tái cơ cấu, chuyển dịch ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, bền vững trong tương lai. Ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết: “Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cây ăn quả theo Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh đề ra. Phát triển diện tích cây mắc ca; rồi trồng rừng đảm bảo đúng theo chỉ tiêu Nghị quyết. Thứ hai là tập trung hướng dẫn các chủ thể sản xuất và đặc biệt là người nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, như là VietGap hoặc là GlobalGap, hoặc tiêu chuẩn cao hơn đó là Organic để hướng tới các thị trường xuất khẩu khó tính hơn”.

Trong năm 2021, tỉnh Kon Tum phấn đấu phát triển 5.000 ha diện tích sản xuất NNUDCNC theo hướng bền vững, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh. Mặt khác, cải thiện nhanh hơn đời sống của người nông dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.

Hơ Jan – Duy Vĩ – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *