(kontumtv.vn) – Financial Times nhận định, các hiệp định thương mại chưa chứng tỏ khả năng thúc đẩy phát triển ở các nước nghèo, và TPP cũng không ngoại lệ.
Trên bài viết mới đăng tải trên tờ Thời báo Tài chính (Financial Times), tác giả Alan Beattie cho biết, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã và đang nỗ lực vận động hành lang để sớm thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một số chuyên gia kinh tế cho rằng hiệp định này sẽ đem lại lợi ích cho nhiều thành viên, trong đó có Việt Nam.
Thận trọng với những ưu đãi
Tuy nhiên, Financial Times cảnh báo các nước cần thận trọng với loại “ưu đãi tiềm năng” này bởi nó luôn là con dao hai lưỡi. Theo phân tích của Financial Times, Việt Nam là một nền kinh tế được xây dựng theo mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo. Sau khi gia nhập TPP, Việt Nam kỳ vọng được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan cho các mặt hàng xuất khẩu nông sản, da giày và may mặc, đặc biệt là tại thị trường Mỹ.
Financial Times nhận đinh, những lợi ích này có thể không được như mong đợi do việc giảm các rào cản thương mại không hiệu quả. Ngoài ra, một số nước xuất khẩu đã có lợi thế sẵn từ trước khi thực hiện TPP, và những ưu thế này khó có thể bị ảnh hưởng bởi hiệp định thương mại mới. Bên cạnh đó, sự thay đổi gần đây trong cấu trúc thương mại khiến những lợi ích tăng trưởng của các hiệp định bị suy giảm.
Ngành da giày Việt Nam kỳ vọng được hưởng nhiều ưu đãi khi tham gia TPP |
Theo chuyên gia Kim Elliott của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD), những lợi ích của TPP đối với xuất khẩu may mặc của Việt Nam sẽ bị hạn chế bởi chính sách giới hạn của Mỹ trong việc sử dụng nguyên vật liệu may mặc từ các thị trường ngoài TPP, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Quy tắc xuất xứ của TPP nhằm hạn chế tình trạng nhập khẩu rồi tái xuất khẩu để hưởng chênh lệch cũng làm suy giảm sức hấp dẫn của hiệp định này.
Những tín hiệu vui
Mặc dù các quy định khắt khe của TPP, hiệp định này vẫn được coi là một tin tốt cho Việt Nam bởi ngành may mặc trong nước đã hoạt động có hiệu quả kể cả khi chưa có hiệp định này. Trong việc nâng cao tính cạnh tranh, thì tăng năng suất và phát triển cơ sở hạ tầng còn quan trọng hơn nhiều so với yếu tố cắt giảm thuế.
Việt Nam đã trở thành nguồn nhập khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 của Mỹ, chiếm 11% trong kim ngạch nhập khẩu dệt may tại thị trường này. Vì vậy, Financial Times đánh giá Việt Nam hoàn toàn bỏ xa những nước sản xuất hàng may mặc giá rẻ với nguồn nhân công dồi dào như Bangladesh.
Financial Times cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam hoạt động tốt hơn nhiều so với các thị trường khác đang có ít rào cản thương mại với Mỹ như các nước Châu Phi với các ưu đãi về nhập khẩu nguyên liệu dệt may theo chương trình ưu đãi thương mại AGOA. Tuy phải đối mặt với rào cản thuế quan cao hơn, nhưng ngành may mặc Việt Nam bỏ khá xa các nước Châu Phi.
Vai trò mờ nhạt của các hiệp định thương mại
Khi châu Á trở thành “công xưởng” sản xuất các mặt hàng điện tử, đồ chơi và các mặt hàng chế tạo trong thập niên 1990-2000, vai trò của các hiệp định thương mại cũng rất mờ nhạt.
Hiệp định Công nghệ Thông tin (ITA) là một thỏa thuận đối với hàng điện tử và linh kiện dưới sự bảo trợ của WTO từ năm 1996. Sự ảnh hưởng của ITA đã tạo ra nhiều nhà máy sản xuất điện tử tại châu Á. Tuy nhiên, hiệp định này chỉ là một thỏa thuận mở nhằm giảm rào cản thuế quan cho các thành viên WTO. Ngoài vai trò là một phương tiện khẳng định sự đáng tin cậy trong thương mại giữa các thành viên WTO, ITA hầu như chưa phát huy được hiệu quả trong việc thúc đẩy tăng trưởng ở các nước.
Theo Financial Times, sự bùng nổ xuất nhập khẩu của các thị trường mới nổi không có liên quan nhiều đến những hiệp định thương mại chính thức, và sự tăng trưởng chậm của GDP cũng không phải hoàn toàn do các rào cản thương mại. Tờ thời báo này cũng nhận định, vị thế vốn có của một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, đối với những thị trường lớn, như Mỹ, sẽ làm giảm lợi ích kinh tế của các nước Đông Nam Á, đặc biệt là những quốc gia có tăng trưởng dựa vào xuất khẩu với ưu thế về nhân lực.
Financial Times cho rằng, các nhà hoạch định chính sách nên thận trọng với những “lợi ích tiềm năng” của hiệp định thương mại, đặc biệt là đối với các thị trường mới nổi. Hiệp định TPP có thể đem lại nhiều lợi ích, nhưng một số quốc gia dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy sản xuất có thể không tận hưởng được ưu đãi này./.