(kontumtv.vn) – Nguyên trưởng đoàn đàm phán HĐTM Việt – Mỹ, ông Nguyễn Đình Lương cho rằng để vào TPP, Việt Nam cần làm ngay lúc này là “dọn rác”, xoá bỏ tư duy kiểu cũ và nhập cuộc với tư duy kinh tế toàn cầu hoá, kinh tế thị trường.

Cuộc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đã tiến hành được mấy năm, qua vài chục vòng. Đầu tháng 9 vừa qua, tại Hà Nội, đã diễn ra một vòng đàm phán khá dài trong 10 ngày.

Cũng như các vòng đàm phán trước, khi vòng đàm phán Hà Nội kết thúc, chúng ta cũng chỉ được nghe là “đạt được nhiều tiến bộ trong nhiều vấn đề”; “tháo gỡ được nhiều khúc mắc”; “thu hẹp được khoảng cách” .v.v… Những chuyện “mô, tê” đang bàn là gì thì các nhà đàm phán chưa được nói ra, hoặc có lẽ đúng hơn là chưa có gì có thể nói được, vẫn còn phải bàn…

Cuộc đấu của hai ông lớn

Ở nơi khí hậu khắc nghiệt, một toà nhà phải có những cây cột cái to, gỗ tốt, vững chắc mới chống đỡ được giông bão thì nhà mới bền. Một tổ chức kinh tế, giống như cái nhà, phải có những nền kinh tế mạnh làm trụ cột mới có hy vọng bền vững. Liên minh Châu Âu EU tồn tại và đứng vững là nhờ có các trụ cột kinh tế Đức, Anh, Pháp, Ý… TPP chỉ có thể trở thành một TPP như mong muốn, không chết yểu khi có cả các cường quốc kinh tế Mỹ, Nhật.

Hai nền kinh tế Mỹ, Nhật đều vận hành trên nền tảng kinh tế thị trường tự do tư bản chủ nghĩa, nhưng do điều kiện lịch sử, xã hội và quá trình phát triển, hai nền kinh tế này có độ vênh lớn về mô hình. Các chính sách phát triển và bảo hộ kinh tế khác nhau.

TPP, bộ trưởng, kinh tế, Việt Nam, cải cách
Bộ trưởng các nước TPP. Ảnh: Bộ công thương

Cuộc đàm phán TPP giữa hai “ông lớn” này không đơn giản. Hai anh khôn ngồi với nhau thường là khó chơi. Khi hai “ông lớn” Mỹ, Nhật chưa tìm được cách dung hoà lợi ích (anh nào thì cũng đấu cho lợi ích của mình là chính) chưa tháo gỡ hết các khúc mắc, thì cuộc đàm phán TPP của 12 nước chưa kết thúc được cho dù có nhiều người muốn nó sớm kết thúc.

Đặc khu kinh tế xuyên lục địa

Trong cuộc đàm phán TPP hiện nay, theo thông lệ và cũng không thể khác là Hoa Kỳ đang “cầm cái”. Kể từ khi bật nẩy ý muốn nhẩy vào cuộc TPP (2008) Hoa Kỳ đã tính ngay bài phải thiết kế TPP thành “Hiệp định mẫu của thế kỷ XXI”. “Hiệp định mẫu của thế kỷ XXI” nghĩa là không phải những gì đã có được trước đó, như trong WTO. Người Mỹ luôn mong muốn khẳng định vị thế của một nước đi đầu và chi phối quá trình tự do hoá thương mại. Kỳ này họ muốn xử lý được những vấn đề mà từ trước đó do nhiều lý do chưa xử lý được. Đó là quốc tế hoá đầy đủ nhất những cơ bản của hệ thống luật pháp Hoa Kỳ, nghĩa là “sân chơi” của người Mỹ ngày càng rộng.

Luật của Hoa Kỳ điển hình là luật của kẻ mạnh. Họ có đủ cơ chế, phương tiện, và họ đã thuần thục trong việc thực hiện những cuộc “cấm vận”, “trừng phạt”, những người yếu thế hơn.

Hệ thống luật của Hoa Kỳ được coi là bản tổng hợp kết quả của các cuộc cọ xát lợi ích từ những cuộc cạnh tranh sinh tử giữa các thế lực, giữa các nhóm lợi ích, cả trong phạm vi quốc gia và trên vũ đài quốc tế, nó hoàn chỉnh và hiện đại. Là khung pháp lý chặt chẽ nhất và thông thoáng nhất để vận hành một nền kinh tế mở, một “Đặc khu kinh tế”.

Trong lúc Việt Nam dang loay hoay tìm mô hình để thí điểm vài Đặc khu kinh tế nho nhỏ thì Hoa Kỳ là một Đặc khu kinh tế khổng lồ, gần 10 triệu km2 bao bọc bởi 3 đại dương với hơn 260 triệu dân, GDP 16.000 tỉ USD. Các nước tham gia đàm phán TPP kỳ này, phần lớn là các quốc gia có nền kinh tế mở: Singapore là một quốc đảo Đặc khu kinh tế, Australia, Newzealand là một Đặc khu kinh tế châu lục, Canada là một quốc gia Đặc khu kinh tế …

Hình như, người Mỹ đang cố đưa vào TPP một khung pháp lý thông thoáng gắn với nền tảng xã hội dân chủ như để vận hành một Đặc khu kinh tế xuyên lục địa. Đó có thể là “Hiệp định mẫu của thế kỷ XXI” Mỹ muốn. Tham gia TPP Việt Nam phải đổi mới thể chế kinh tế, phải hiện đại hoá, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật cho phù hợp với những yêu cầu mới này.

Thách thức với văn hoá “hành dân là chính”

Khác với các Hiệp định mậu dịch tự do FTA mà Việt Nam đang “chơi” với các nước, trong đàm phán TPP Hoa Kỳ đưa ra những đòi hỏi cao hơn nhiều. Đó là tháo gỡ hết mọi rào cản thương mại, tự do hoá tối đa các hoạt động đầu tư, dịch vụ (như trong các Đặc khu kinh tế) yêu cầu cao về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường và cả những vấn đề nhạy cảm đối với Việt Nam như: bình đẳng không phân biệt đối xử với các loại doanh nghiệp trong và ngoài nước, vấn đề Doanh nghiệp Nhà nước, vấn đề quyền lập hội, vấn đề mua sắm của Chính phủ .v.v…

Những vấn đề đó Hoa Kỳ đã “cài đặt” xong, hoặc cơ bản xong trong các Hiệp định mậu dịch tự do FTA mà Hoa Kỳ đã ký với các nước đang đàm phán TPP như: Peru, Chile, Singapore, Australia, Newzeland, hoặc với Canada và Mehico trong Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ NAFTA. Việt Nam chỉ mong là “đấu” được thời hạn bảo lưu hợp lý.

Việt Nam chắc sẽ gặp nhiều khó khăn kể cả khó khăn về kỹ thuật, ví dụ, chỉ xin lấy một trong nhiều ví dụ: Vấn đề giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với Nhà nước nhận đầu tư; nhà đầu tư có quyền đưa ra trọng tài quốc tế kiện Nhà nước nhận đầu tư mà không cần sự chấp thuận của Nhà nước đó, trong đó có thể có cả “khiếu kiện tiền dự án”, “khiếu kiện không vi phạm”, nếu Nhà nước đó (cả Trung ương và địa phương) ban hành một chính sách gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thậm chí chỉ làm tổn hại đến “kỳ vọng về lợi ích hoặc lợi nhuận”….

Với các nước thì đây là “chuyện thường ngày ở huyện”, nhưng với Việt Nam thì đây là một thử thách lớn vì người Việt Nam chưa quen sống và làm việc theo pháp luật. Văn hoá “hành dân là chính” với cơ chế xin – cho gắn chặt với lợi lộc của quan chức vẫn còn là thứ được ưa dùng. Trên thế giới không có đâu như ở Việt Nam, hàng năm có hàng trăm, hàng ngàn văn bản pháp luật được ban hành trái với Luật, Ông Tư pháp tuýt còi mỏi cả mồm, vẫn không dẹp được.

Xin lưu ý, bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài là cả một hệ thống Công ty tư vấn luật gồm những chuyên gia luật quốc tế tài giỏi, thuộc làu mọi ngọn ngành luật pháp mà ở Việt Nam còn lâu mới có.

Xoá tư duy và cung cách làm ăn cũ

Nếu được gia nhập TPP mà Việt Nam đang muốn, Việt Nam sẽ được vào chơi trên một sân chơi đẳng cấp, sân chơi của các đại gia, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để kết nối sâu hơn với kinh tế toàn cầu  hoá và có cơ hội phát triển nhanh hơn.

Để tiến tới có môi trường kinh tế TPP ta có nhiều việc phải làm. Trước hết phải tẩy não, xoá hết những tư duy và cung cách làm ăn của thời bao cấp đang lẩn quất, đang vương vấn, nhập cuộc với tư duy kinh tế toàn cầu hoá, kinh tế thị trường, để rồi xây dựng thể chế kinh tế mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Không có hệ thống pháp luật phù hợp TPP, không có môi trường kinh doanh TPP thì không thể khai thác được lợi thế của TPP. Điều đó cũng được ràng buộc trong TPP. Hôm nay chưa ai nói được là bao giờ đàm phán TPP kết thúc mà đã nghe rằng sau khi TPP được kí kết còn khoảng thời gian 12-18 tháng, để các quốc gia thành viên giải quyết các thủ tục pháp lý theo quy định trong nước rồi Hiệp định TPP mới có hiệu lực.

Giải quyết thủ tục pháp lý trong nước, đối với Việt Nam là gồm cả việc sửa đổi bổ sung pháp luật cho phù hợp với TPP.

Phải làm xong bài, nộp bài, Ban giám khảo chấm bài, kiểm tra, khi nào đạt yêu cầu mới cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp, mới cho phép có hiệu lực. Lợi ích gắn với trách nhiệm, không có chuyện làm giả, ăn thật, không có chuyện đánh trống bỏ dùi.

Dọn nhà cho sạch trước khi vào TPP

Ông cha ta vẫn thường dạy con cháu không để “đói lòng há miệng chờ sung”. Ta không chờ khi có TPP, có sức ép mới khởi động. Những việc trước sau cũng phải làm  thì làm đi. Dọn nhà cho sạch trước khi khách đến. Trong nhà ta hiện có nhiều rác bẩn phải dọn như:

Công cuộc cải cách hành chính đã và đang làm ngày, làm đêm, càng làm, giấy phép mẹ, giấy phép con càng nhiều. Dân tình mệt mỏi, chạy đi chạy lại, chạy lên chạy xuống, khổ sở bởi cái đống thủ tục, giấy tờ, phép tắc: Như giấy phép xây dựng, thủ tục xuất nhập khẩu ở Hải quan, hồ sơ nộp thuế.v.v… Những chuyện đó chỉ có ở Việt Nam. Doanh nghiệp các nước TPP không quen bị “hành xác” như vậy, và họ cũng không cho phép ai hành hạ họ, dù ở đâu.

Công cuộc cổ phần hoá doanh nghiệp cũng được tiến hành lâu lắm rồi, mấy thập kỷ rồi. Trong lịch sử kinh tế thế giới, hình như không có cuộc cổ phần hoá doanh nghiệp nào được làm kỹ như ở Việt Nam. Các nước Liên bang Nga, Tiệp, Hunggari, Ba lan, Ru ma ni, Bun ga ri, An ba ni, Mông cổ…. sau khi kinh tế bao cấp đổ vỡ, họ cũng tiến hành cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước. Họ chỉ làm trong mấy năm là xong, dứt điểm, để có thời gian và đầu óc lo những chuyện khác lớn hơn, đưa nền kinh tế phát triển kịp thời đại. Ở ta thấy lúc nào cũng “quyết liệt” và “quyết liệt” mà đến hôm nay cổ phần hoá vẫn là bức tranh thuỷ mặc: Cảnh bèo dạt mây trôi, bèo nổi mây chìm. Ở các nước TPP không đâu như thế! không bị vướng chân vì những chuyện như thế!

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng được khởi động từ ngày ta giành được chính quyền từ tay đế quốc phong kiến và phát động liên tục, lôi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đến hôm nay, tham nhũng vẫn là căn bệnh nan y, như một nhà lãnh đạo phải cảm thán thốt lên: “Họ ăn của dân không từ một thứ gì”, trong đầu họ luôn sẵn sàng các bài tính “đánh quả”.

Các nước TPP không có cảnh đó. Chỗ nào có tham nhũng là “hốt liền”. Anh nào dính đến tham nhũng thì dù là ai, cả Tổng thống, cũng điều tra ngay, xử lý ngay…

  •  Nguyễn Đình Lương –  Nguyên trưởng đoàn đàm phán hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA)/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *