(kontumtv.vn) – Nhiều nước đã vươn lên trở thành những nền kinh tế lớn hàng đầu khu vực nhờ phát triển thành công những trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới.

“Vì sao các nhà đầu tư lại chuyển dịch nhà máy của mình từ nước này sang nước khác? Chúng ta cần làm rõ Việt Nam có tiền đề gì, nhu cầu chuyển dịch trung tâm thế giới thế nào và Việt Nam có điều kiện để tiếp nhận cơ hội hay không”-  Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015”.

Hội thảo do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tổ chức ngày 24/10tại Hà Nội, với sự tham dự của trên 180 đại biểu từ các Bộ, ban, ngành trung ương, các hiệp hội, các nhà khoa học và các chuyên gia trong nước và quốc tế.

viet nam se tro thanh mot trung tam che bien che tao moi cua the gioi  hinh 0
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung Ương Mặt trận tổ quốcViệt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Sau 30 năm đổi mới Việt Nam đã có những thành tựu quan trọng, trong 25 năm qua, GDP tăng 30 lần, xuất khẩu 30 năm qua cũng tăng 30 lần giúp Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Có được thành tựu đó, ngoài sự nỗ lực của người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước là sự đóng góp quan trọng của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các nhà hoạch định nước ngoài, sự hợp tác của quốc gia láng giềng, bạn bè và đối tác chiến lược.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, nhiều quốc gia đã vươn lên trở thành những nền kinh tế lớn hàng đầu khu vực nhờ phát triển thành công những trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải làm rõ có tiền đề gì, nhu cầu chuyển dịch trung tâm thế giới thế nào và Việt Nam có điều kiện để tiếp nhận cơ hội hay không.

”Trong khoảng 1 năm trở lại đây nhiều tổ chức quốc tế, ngân hàng đã đề cập đến vấn đề một khả năng Việt Nam trở thành trung tâm gia công, chế tạo của thế giới, lời nhận xét này gợi ý cho chúng tôi thấy rằng cần phải tìm hiểu đi sâu vấn đề này làm rõ thêm Việt Nam có tiền đề gì, nhu cầu chuyển dịch các trung tâm chế tạo thế giới như thế nào và chúng ta có điều kiện chuẩn bị tiếp đón ra sao.”

viet nam se tro thanh mot trung tam che bien che tao moi cua the gioi  hinh 1

Trên cơ sở phân tích các điều kiện để có thể trở thành trung tâm chế tạo và đặc điểm hiện trạng của ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam, tham luận của các diễn giả trong nước và quốc tế tại hội thảo nhận định Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh là một trung tâm chế tạo của thế giới trong tương lai. Tuy nhiên để mong muốn đó trở thành hiện thực, cần phải có một quyết sách quyết liệt, đặc biệt dành nguồn lực thích đáng cho phát triển công nghiệp chế tạo. Nhất là trong điều kiện Việt Nam chưa có tập đoàn chế tạo mang tính toàn cầu, hoặc đã có mặt các tập đoàn mang tính toàn cầu nhưng chưa phát triển theo chiều sâu, vì vậy Việt Nam cần xây dựng một lộ trình lâu dài với các dài pháp ngắn hạn và dài hạn.

Bà Victoria Kwa kwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phân tích:“Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam còn khá thấp, điều này cho thấy sự liên kết chuỗi giá trị toàn cầu với các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, và chứng minh cho sự yếu kém của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Do vậy, Việt Nam cần phải có chiến lược đồng bộ để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến chế tạo hơn nữa, như đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng, logistic, chất lượng nhân lực và đặc biệt là đầu tư vào thể chế thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này hơn nữa, để đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến chế tạo của thế giới.”

Bên cạnh đó, các diễn giả cũng khuyến nghị, ngoài việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính thì Việt Nam cũng cần áp dụng các chính sách thu hút đầu tư như bãi bỏ thuế suất, hỗ trợ hơn về vốn cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, sản xuất; cùng với đó là tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao, nới lỏng hơn nữa việc tiếp nhận nguồn nhân lực có công nghệ, kỹ năng từ nước ngoài để chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm cho Việt Nam./.

Văn Hiếu/VOV – Trung tâm Tin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *