(kontumtv.vn) – Việt Nam đang là điểm đến yêu thích của nhiều tỷ phú Thái, với hàng loạt dự án đầu tư lớn và các thương vụ mua bán, sáp nhập trong ngành bán lẻ, tiêu dùng. Trong tương lai, các tỷ phú Thái Lan sẽ dần vượt mặt doanh nghiệp Việt Nam ngay tại sân nhà là thực tế đang dần hiển hiện..
Tỷ phú Thái dồn dập tấn công
Mới đây, Tập đoàn đồ uống ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (người giàu thứ 3 Thái Lan với tài sản lên tới 11,3 tỷ USD) đã ngỏ ý muốn mua khoảng 40% cổ phần của Tổng công ty Bia Sài Gòn (Sabeco) với mức giá 80.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, theo tính toán, ThaiBev sẽ phải chi khoảng 1 tỷ USD nếu thương vụ thành công.
Tập đoàn Amata, có 20 năm đầu tư các khu công nghiệp tại Việt Nam, cũng có ý định đầu tư 5 tỷ USD vào Dự án “Thành phố Tương lai” tại tỉnh Quảng Ninh. Dự án này có diện tích sử dụng đất 6.400 ha, 300.000 lao động và nhà đầu tư sẽ xây dựng một tổ hợp bao gồm khu công nghiệp, logistics, nghiên cứu khoa học, giáo dục và triển lãm quốc tế,…
Chưa dừng lại ở việc mua lại 49% cổ phần chuỗi siêu thị Nguyễn Kim, Tập đoàn Central Group mới đây bộc lộ tham vọng sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD vào sản xuất, chế biến nông thủy sản tại Việt Nam để phân phối toàn cầu.
Các dự án đến từ Thái tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nông lâm thủy sản, xây dựng, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống. |
Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) vẫn đang tiến hành Dự án đầu tư Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội có công suất 20 triệu tấn dầu thô mỗi nă, với vốn đầu tư khoảng 22 tỷ USD tại tỉnh Bình Định.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 3/2015, Thái Lan đứng thứ 10 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 374 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 6,69 tỷ USD. Nhưng với các dự án lớn đang triển khai, khi trở thành hiện thực, sẽ nâng tổng vốn đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam tăng mạnh, lên gần 40 tỷ USD trong vài năm tới. Các dự án đến từ Thái tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nông lâm thủy sản, xây dựng, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc điều hành của Ngân hàng HSBC tại Việt Nam, cho biết, trong 5 năm tới, các tập đoàn lớn của Thái Lan sẽ biến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất để xuất khẩu các sản phẩm của họ sang các nước khác.
Theo nhận định của giới kinh doanh, các tỷ phú Thái đặc biệt quan tâm đến thị trường Việt Nam nhờ tiết kiệm chi phí. DN Việt Nam – ham đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực, không đem lại hiệu quả – nay gặp khó khăn, muốn bán bớt tài sản. Đây là cơ hội tốt cho những công ty Thái muốn thâu tóm để mở rộng hoạt động, với giá rẻ. Ngoài ra, lương nhân công ở Việt Nam thấp hơn đáng kể so với ở nhiều nước ASEAN khác, giúp giảm chi phí cho DN.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đang giảm mạnh, do các nước ASEAN mới nổi cạnh tranh mạnh mẽ. Đây thực sự là một cơ hội tốt cho các nhà đầu tư Thái Lan “lấp chỗ trống”, dễ dàng tìm kiếm được các dự án đầu tư mong muốn, với chi phí thấp. Cùng với đó, Việt Nam là thị trường gần, nhiều tiềm năng với mức tăng trưởng ổn định, dân số đông và đặc biệt là cửa ngõ để tiến vào thị trường Nam Trung Quố
Vượt mặt DN Việt
Các nhà đầu tư Thái Lan đã và đang đổ bộ vào Việt Nam đều là những tập đoàn lớn, có quy mô đa quốc gia, mạnh về tài chính và có kinh nghiệm quản lý, hoạt động trong những lĩnh vực chính của họ. Nhiều “ông lớn” đã thành công ở các lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng, bán lẻ, nông nghiệp, kể cả hạ tầng.
Người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng nhiều mặt hàng do Thái Lan sản xuất |
Nhìn ở góc độ tích cực, nhà đầu tư ngoại vào càng nhiều, cùng với những kỹ năng cao về quản lý, điều hành hoạt động, sẽ đem lại sự phát triển cho kinh tế đất nước, tạo ra áp lực cạnh tranh buộc các DN nội phải đổi mới. Tuy nhiên sự nhiều ý kiến lo ngại cho DN Việt không phải là đối thủ của các nhà đầu tư Thái Lan.
Theo ông Douglas Jackson, Giám đốc Điều hành khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Tập đoàn Tư vấn Quản trị Boston Consulting Group (BCG), thì hội nhập khu vực diễn ra ngày càng nhanh chóng. Biên giới giữa các ngành đã lu mờ, do sự gia tăng của những khu vực thương mại, khi Việt Nam tham gia vào ASEAN. Đặc biệt, Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) dự kiến được thành lập vào cuối năm 2015, với mục tiêu tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, gắn với thúc đẩy tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động.
DN nước ngoài đang vào Việt Nam để tận dụng nguồn lao động giá rẻ và những lợi thế về xuất khẩu. Trong số đó, các công ty hoạt động trong thị trường mới nổi đang trở nên mạnh mẽ và là đối thủ cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia. DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với các công ty này từ Thái Lan. Chẳng hạn, một số tập đoàn thực phẩm của Thái Lan có đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia tên tuổi trên thế giới như Nestle…Với tài chính tốt, các công ty này sẽ vượt mặt DN Việt Nam ngay tại thị trường Việt Nam, đó là điều đáng cảnh báo.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhìn nhận, đến 2015 Hiệp định AFTA có hiệu lực và đến 2018 sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan. Hội nhập AFTA, Việt Nam không có nhiều lợi thế.
“Nhiều nhà quản lý chỉ thích hướng tới các tập đoàn lớn của châu Âu hay Bắc Mỹ mà ít quan tâm đến những DN ở các nước ngang hàng với ta. Tuy nhiên, đây sẽ là những đối thủ khiến cho DN Việt Nam thất bại trong hội nhập”, ông Thành cảnh báo.
Trần Thủy/Vietnamnet