Việc quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư của DNNN phải được đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật đầu tư công.

Thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư công, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị), nguồn vốn đầu tư công quan trọng nhất hiện nay chưa được chế tài cụ thể tại văn bản luật nào và cũng luôn là chủ đề rất nóng, đó là quản lý vốn đầu tư khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nguồn vốn này không được đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật này là không phù hợp.

Theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Quốc hội ngoài Luật đầu tư công Chính phủ phải trình Quốc hội Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư và sản xuất kinh doanh, không phải là Luật đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp như Chính phủ đã nêu tại Tờ trình 468 ngày 7/11/2013. Đến nay, Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư và sản xuất kinh doanh chưa được Chính phủ trình Quốc hội, không rõ các nội dung quy định trong Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư sản xuất kinh doanh có bao quát và chế tài được hết các quy định, bảo đảm quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư nhà nước không?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng băn khoăn, đối với các khoản vốn nhà nước đầu tư cho các doanh nghiệp không phải để sản xuất kinh doanh sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của luật nào? Không rõ bao giờ Chính phủ mới có thể trình Quốc hội Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Cho nên để đảm bảo không có các khoảng trống trong các quy định của pháp luật về quản lý nguồn vốn đầu tư nhà nước và tránh chồng chéo sau này. “Chúng tôi đề nghị việc quản lý và sử dụng nguồn vốn nhà nước của các doanh nghiệp cũng như việc quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước phải được đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật đầu tư công” – đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình) cho rằng, thời gian qua việc quản lý sử dụng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước được đề cập tại nhiều phiên thảo luận của Quốc hội và trên các diễn đàn đều mong muốn quản lý chặt chẽ nguồn vốn này. Luật đầu tư công cần phải quy định và có chế tài cụ thể đối với các nguồn vốn nhà nước trong đó có đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước. “Tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung nguồn vốn này vào dự thảo Luật đầu tư công” – đại biểu nói.

Ngoài ra, đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đề nghị phải quan tâm xem xét một cơ cấu vốn rất quan trọng đó là nguồn trái phiếu Chính phủ nhà nước bảo lãnh, nguồn quản lý qua ngân sách nhà nước, xổ số kiến thiết, nguồn vốn ngân sách cho dự án liên kết hợp tác công tư PPP qua đó để bổ sung một mục riêng trong quy trình lập, thẩm định, phê duyệt chương trình dự án đầu tư công PPP.

Tham gia góp ý cho dự thảo Luật đầu tư công, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp – (đoàn Cần Thơ) cho rằng, qua xem xét quá trình đầu tư công, từ chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án được sử dụng vốn đầu tư công, việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, việc triển khai thực hiện kế hoạch, việc theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công cho thấy còn nhiều kẽ hở của pháp luật. Cho nên, có bộ, ngành, có địa phương quyết định chủ trương đầu tư nhiều công trình quy mô gấp đôi, gấp ba yêu cầu sử dụng, gây lãng phí lớn và bức xúc dư luận xã hội. Có nơi chủ trương tiến hành xây dựng còn nguồn lực để thanh toán thì cứ để đó, ta tiếp tục tranh thủ xin gây hậu quả là nợ đọng xây dựng cơ bản quá lớn. Người quyết định đầu tư đã có trách nhiệm gì?

Đại biểu đề nghị: “Cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tất cả các khâu liên quan quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Trong đó quy định quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời phải đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công”.

Về việc nhà thầu ứng vốn, theo Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc và nên cho nhà thầu ứng một tỷ lệ vốn thi công trước và được thanh toán khi có vốn thanh toán. Qua lấy ý kiến địa phương thì nhiều sở, ngành cũng đề nghị nên có xem xét đến vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho ý kiến về điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình dự án đầu tư công cần làm rõ hơn và định lượng cụ thể hơn, phù hợp với khả năng vay, trả nợ công, nợ Chính phủ và nợ của chính quyền địa phương. Vì thực tế rất dễ tạo sự thiếu chuẩn mực, rõ ràng trong các quyết định các dự án đầu tư công lớn, gây gánh nặng nợ công trong tương lai như kiểu dự án đường sắt cao tốc trước đây.”Theo tôi cần đưa ra nguyên tắc không để nợ mới từ các dự án đầu tư công vượt quá trần nợ công đã được Quốc hội thông qua như là thời gian gần đây”.

Tăng cường giám sát của cơ quan dân cử

Cũng theo Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, việc đầu tư công thời gian qua dàn trải dẫn tới nợ đọng lớn. Có nhiều công trình đầu tư quá hoành tráng không cần thiết, nợ đọng đang ở ngưỡng cao, báo động. Từ thực tế này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung thêm một số điều luật có hướng siết chặt hơn trong việc đầu tư công, hạn chế những công trình quá hoành tráng trong khi đất nước còn nghèo, nhân dân còn gặp khó khăn.

“Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần có điều luật giao cho đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát tất cả các công trình đầu tư công nếu thấy cần thiết”- đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp dẫn chứng, ở một số nước các cơ quan dân cử thậm chí còn được quyền thuê tư vấn thẩm định, đánh giá và giám sát đầu tư công. Đứng trên quan điểm đó dự thảo Luật đầu tư công này chỉ mới là một bản hệ thống hóa các quy định đã thực hiện từ trước. Trong đó không ít nội dung mang tính đá bóng, thổi còi mà mọi thẩm quyền được giao cho các cơ quan hành chính nhà nước, vai trò của các cơ quan dân cử rất mờ nhạt. Đành rằng vai trò, vị trí, chức năng của các cơ quan dân cử từng nước cũng khác nhau, đặc thù ở nước ta các cơ quan hành chính nhà nước được cơ quan dân cử ủy quyền khá rộng.

Do đó trong điều kiện hiện trạng không thể đòi hỏi những thẩm quyền, thẩm định, đánh giá và giám sát đầu tư công của các cơ quan dân cử tại nước ta như một số nước khác. Tuy nhiên không vì thế mà tự làm mờ đi vai trò của các cơ quan dân cử trong Luật đầu tư công.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An) Luật đầu tư công cần được bổ sung làm rõ vai trò, vị trí, chức năng và công cụ của các cơ quan dân cử trong việc xem xét chủ trương, thẩm định, đánh giá và giám sát đầu tư công. Điều này khẳng định vai trò phát huy trách nhiệm của các đại biểu dân cử cũng như các cơ quan dân cử phù hợp với Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức hội đồng nhân dân./.

Theo : Vũ Hạnh/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *