Chiều 6/6, tại phiên họp tổ, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội đã đề cập về những lùm xùm của bản án Sơ thẩm vụ ly hôn của ông bà chủ tập đoàn Trung Nguyên.
Ông Lưu Bình Nhưỡng |
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, nếu chúng ta không đảm bảo được yếu tố pháp lý, yếu tố công bằng, tính tư pháp của vấn đề thì việc xóa sổ một doanh nghiệp, một tập đoàn là câu chuyện sẽ xảy ra.
“Chúng tôi rất lo ngại về chất lượng xét xử của vụ Café Trung Nguyên. Bản thân tôi là người giúp việc trong việc cải cách tư pháp tôi cảm nhận được đây là một trong những vụ việc, vụ án mà xét xử gây ra nhiều bình luận trái chiều nhất” – ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo vừa rồi đã phát đi thông điệp muốn hòa hợp với gia đình để chấn hưng lại thương hiệu Trung Nguyên, đồng thời gửi đơn kêu cứu tới Phó ban Dân nguyện của Quốc hội. Ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết, đơn của công dân gửi tới đều được xem xét cẩn thận, đặc biệt là đơn khẩn cấp. Riêng đơn của bà Thảo đã được chuyển đến Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao để xem xét, để giải quyết theo thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo đúng quy định của Hiến pháp, Luật pháp, thủ tục tố tụng, tòa án, cũng như các luật tố tụng có liên quan để đảm bảo công lý, công bằng và tính tư pháp của vụ án này.
Về bản án bị kháng nghị, theo ông Nhưỡng, điều này không nằm ngoài dự đoán của mọi người, ở đây không phải là câu chuyện bênh vực ai, mà vấn đề quan trọng là chúng ta phải đứng trung lập để xem xét.
“Một điểm mà ai đọc đến bản án đó cũng thấy rất buồn cười là không ai cho phép tòa án được bắt người này chỉ nhận tiền mà không được nhận cổ phần trong khi đấy chính là tài sản của họ. Có nghĩa là anh đã vượt qua cả Hiến pháp và các đạo luật như Bộ luật Dân sự để phế bỏ quyền sở hữu tài sản của một người. Đây là một trong những “hố đen” chứ không chỉ là một vết trong bản án này và tôi cho rằng không một thẩm phán nào có thẩm quyền đó để quyết định, không một hội đồng xét xử nào được thẩm quyền quyết định một cách ngang tai trái mắt như vậy” – ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Theo đơn bà Thảo gửi đến ông Lưu Bình Nhưỡng, bà Thảo rất phàn nàn và không bằng lòng về hoạt động tố tụng; các vấn đề có liên quan tới lời khuyên của thẩm phán. Bà Thảo cho rằng còn có việc “lừa bà ấy” để thực hiện các việc để hợp pháp hoá các vấn đề pháp lý.
“Tôi cho rằng đây là vấn đề rất là lớn. Trong quá trình xét xử có những vấn đề không bình thường như đánh giá các loại chứng cứ và xác định tài sản. Những vấn đề này đối với một vụ án liên quan tới rất nhiều tài sản thì nếu chúng ta không làm cẩn thận sẽ nảy sinh những xung đột tiếp theo”, ông Nhưỡng nói.
Chia sẻ thêm về những băn khoăn xung quanh vụ án này, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết: “Điểm tôi thấy băn khoăn lớn nhất chính là “toà án tự quyết định thay các đương sự”. Toà án không có thẩm quyền quyết định việc “người này thì được giữ cổ phần, người kia không giữ cổ phần”. Bởi vì, cổ phần không chỉ liên quan tới tài sản mà còn liên quan tới quản lý công ty. Hiện nay về mặt thực tế, theo bà Thảo, bà ấy đang bị tước đoạt quyền điều hành công ty. Tôi cho rằng như thế là không đúng. Vì công ty không chỉ là vấn đề tài sản mà còn liên quan tới quyền lực, quyền lực này còn thể hiện tính nội bộ và xã hội. Bà Thảo bị tước cả danh hiệu nội bộ và tước cả ảnh hưởng xã hội và chỉ được cầm tiền. Chúng ta phải hết sức thận trọng khi xem xét các vấn đề pháp lý có liên quan tới doanh nghiệp”.
Liên quan việc bà Thảo không trả con dấu khi các cơ quan chức năng tới làm việc, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc thi hành án phải theo đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cần phải lưu ý trong xem xét các thủ tục thi hành án và những vấn đề có liên quan để xác định việc trả con dấu là đúng hay không chứ không chỉ căn cứ vào bản án. “Thi hành bản án có hiệu lực pháp luật là một yếu tố bắt buộc, nhưng không có nghĩa là thi hành ngay được vì còn có những yếu tố khác cần phải được xem xét” – ông Nhưỡng nhấn mạnh./.
Khải Phong/VOV.VN