(kontumtv.vn) – Để đưa ra nhiều mô hình kinh tế, có lúc TP.HCM đã “xé rào” nhưng cũng không ít lần bị “thổi còi” vì những sáng tạo “hợp tình nhưng không hợp lý”.
Ngày 14/4, tại hội thảo tổng kết 30 năm đổi mới do Hội đồng Lý luận TƯ tổ chức ở TP.HCM, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư đưa ra nhiều mô hình kinh tế do TP sáng tạo ra, sau đó đã trở thành chế định chung của cả nước.
Thứ nhất, TP.HCM đã đề xuất TƯ cho thí điểm xây dựng khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung. Định chế này sau đó được pháp chế hóa thành quy định chung của cả nước. Tiếp đó, năm 1992 thành phố chủ động đề xuất với Chính phủ cho thực hiện thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đến năm 1996, chủ trương này trở thành chương trình chung của Chính phủ.
Toàn cảnh hội thảo tổng kết 30 năm đổi mới |
Thứ hai, TP.HCM đã xây dựng ý tưởng, tham mưu đề xuất với Chính phủ thành lập Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP năm 2000. Sau đó, Trung tâm này trở thành Sở Giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam. Ngoài ra, TP cũng là nơi thí điểm thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên của cả nước.
Tiếp nữa, TP.HCM đã mạnh tay thực hiện đổi đất lấy hạ tầng để giải quyết bài toán phát triển đô thị. Điển hình là việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, biến một khu đầm lầy, vùng đất chua mặn thành một khu đô thị mới ở phía Nam.
Một sáng tạo nữa, theo vị Trưởng ban Tuyên giáo, TP.HCM đã mạnh dạn phát huy các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật. Nhiều tuyến đường huyết mạch được mở rộng bằng nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp thông qua hình thức chuyển nhượng quyền khai thác đường giao thông cho các thành phần kinh tế.
Theo bà Thư, để có được những đóng góp đó, có lúc TP đã “xé rào” nhưng cũng không ít lần bị “thổi còi” vì những sáng tạo của mình đã “hợp tình nhưng không hợp lý”.
“Đã có những bước đột phá, tháo gỡ những vướng mắc, đấu tranh và từng bước giành thắng lợi trước những trở lực của cơ chế cũ, làm sáng tỏ con đường đi và cách làm mới, tư duy mới, góp phần tích cực vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng”, bà Thư nói.
Mặc dầu vậy, vị Trưởng ban Tuyên giáo TP.HCM cũng nhìn nhận những tồn tại và bất cập mà TP đang đối mặt, trong đó có cơ cấu kinh tế thiếu cạnh tranh, đang đối diện với thách thức trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới, bất động sản đóng băng, khoảng cách giàu nghèo đang giãn ra, vấn đề quản lý đô thị…
Do đó, bà Thân Thị Thư kiến nghị TƯ cần mạnh dạn mở rộng phân cấp, phân quyền cho địa phương, trong đó có TP.HCM và có giám sát, kiểm tra của TƯ, đề cao tính tự chủ của địa phương.
“Có thể nói đây là một quá trình mà TP.HCM vừa thực thi đường lối chính sách của TƯ, vừa đóng góp chất liệu thực tiễn để TƯ hoàn thiện cơ chế chính sách. Sự năng động, sáng tạo của TP không thể thay thế sự đổi mới về chính sách, thể chế kinh tế chung của cả nước, nên kiến nghị của TP với TƯ trước hết là để tháo gỡ cho TP trong quá trình phát triển của mình”, bà Thư nói.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đánh giá sau 30 năm đổi mới, tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng và đề nghị phải loại bỏ tình trạng này.
Tá Lâm/Vietnamnet