(kontumtv.vn) – Ước năm 2013, mức xuất siêu của Việt Nam sang thị trường này sẽ đạt kỷ lục 20 tỷUSD, xuất khẩu cũng kỷ lục khoảng 25 tỷ USD.

 

Năm 2013 là một năm thắng lợi của xuất khẩu Việt Nam nói chung và xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ nói riêng. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, tổng xuất khẩu cả năm ước đạt được 133 tỷ USD, tăng trưởng 16,6% so với năm 2012.

Lập kỷ lục kép, nhưng tiếp tục đối mặt nhiều rào cản thương mại  

Đóng góp vào kết quả xuất khẩu của cả nước năm 2013, riêng thị trường Hoa Kỳ, theo ông Đào Trần Nhân, Tham tán công sứ thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ lần đầu tiên sẽ vượt 25 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng 22,5%; còn mức xuất siêu sẽ đạt kỷ lục khoảng 20 tỷ USD.

Là thị trường giàu tiềm năng cho cá tra, cá basa, nhưng thị trường Hoa Kỳ luôn có nhiều rào cản (Ảnh: Vietq)

Trong những năm gần đây, thặng dư hàng hóa của Việt Nam trong buôn bán trao đổi thương mại với Hoa Kỳ liên tục tăng và đã vượt qua con số 10 tỷ USD từ năm 2010. Đến năm 2012, nhờ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ cao gấp 4 lần so với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước từ thị trường này, mức xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã lên tới 14,8 tỷ USD.

Là người trực tiếp làm công tác thương vụ tại Hoa Kỳ, ông Đào Trần Nhân, đánh giá: Hoa Kỳ là thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Chính lượng kim ngạch xuất khẩu lớn như vậy, xuất siêu sang Hoa Kỳ năm 2013 khoảng 20 tỷ USD.

Mặc dù đánh giá thị trường Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam, nhưng nhìn sang năm 2014, ông Đào Trần Nhân cho rằng, nếu nước ta duy trì được tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ thì năm 2014 sẽ tăng trưởng khoảng 10%. Tuy nhiên, xuất khẩu vào Hoa Kỳ luôn gặp khó khăn về rào cản thương mại, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, có mặt hàng hết sức quan trọng đối với Việt Nam như thủy sản (tôm, cá basa, cá tra…) hay các mặt hàng giày dép, dệt may (hàng có kim ngạch lớn trong tổng xuất khẩu của Việt Nam).

Hoa Kỳ- thị trường có tính chính trị

Ông Đào Trần Nhân
 
Ông Đào Trần Nhân lưu ý rằng, thực chất thị trường Hoa Kỳ không phải là thị trường thông thường hay thương mại thông thường. Thị trường Hoa Kỳ có tính chính trị trong việc xuất khẩu hàng hóa vào đây. Nhóm lợi ích của Hoa Kỳ, vì quyền lợi của mình, thường xuyên dựng rào cản thương mại bằng các vụ kiện chống phá giá, chống trợ cấp với mục tiêu ngăn cản hàng xuất khẩu của Việt Nam, bảo hộ thị trường nội địa của phía Hoa Kỳ.

Trong thời gian vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã phối hợp rất tốt với các Hiệp hội ngành hàng của Việt Nam, phối hợp tốt với từng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn đang theo đuổi các vụ kiện. Có thể nói, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã sát cánh cùng doanh nghiệp tham gia từng vụ tranh tụng, làm việc với các luật sư và tư vấn để  giúp đỡ các doanh nghịêp, chống lại rào cản, chống lại các vụ kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Cụ thể trong năm 2013, chống ta đã thắng lợi trong vụ kiện tôm, tức là phía Hoa Kỳ định áp thuế chống bán phá giá cao, cũng như thuế chống trợ cấp rất cao lên mặt hàng tôm của Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó, Việt Nam đạt được mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp là 0%.

Có được kết quả này, theo ông Nhân, nhờ các vụ kiện lớn liên quan đến chống phá giá và trợ cấp, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, thông qua các hiệp hội đã liên hệ rất chặt chẽ với Thương vụ tại Hoa Kỳ và Thương vụ đã đồng hành với doanh nghiệp.

Phải chủ động ứng phó bất trắc

Với kinh nghiệm nhiều năm làm thương vụ tại đây, ông Nhân đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này cần biết chủ động ứng phó bất trắc. Trong đó, một số điểm về chính sách mà doanh nghiệp cần lưu ý như: Dự Luật nông trại 2012 đã nổi lên chương trình giám sát cá da trơn của Hoa Kỳ. Hiện Quốc hội Hoa Kỳ đang thảo luận để có thể thống nhất việc đưa chương trình Giám sát cá da trơn, trong đó có cá tra và cá basa Việt Nam từ Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) sang cho Bộ Nông nghiệp quản lý.

Nếu điều này thành hiện thực, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ áp dụng tiêu chuẩn tương đồng, tức là các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ phải đáp ứng tiêu chuẩn ngang với doanh nghiệp Hoa Kỳ, từ quy trình từ sản xuất, xuất khẩu, bảo quản, đóng gói… Trong khi đó, theo tính toán, Việt Nam có thể phải mất từ 5 đến 7 năm để đạt tiêu chuẩn này. Nếu thế, trong khi chờ đạt tiêu chuẩn, Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu được cá da trơn vào thị trường này.

Không những thế, hằng năm Hoa Kỳ còn có chương trình rà soát hành chính đối với cá tra và cá basa. Theo đó, sắp tới phía Hoa Kỳ có thể sẽ lấy Indonesia để so sánh giá với Việt Nam (trước đây là Bangladesh) sẽ tăng khó khăn cho phía Việt Nam. Đồng thời, thông thường hằng năm, phía Hoa Kỳ có một báo cáo về rào cản thương mại của các nước, không chỉ riêng Việt Nam./.

Theo : Xuân Thân – Thu Thủy/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *