(kontumtv.vn) – Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ai Cập và Liên minh châu Phi (AU) đang tìm cách phát triển một tầm nhìn thống nhất về chuyển đổi năng lượng ở châu lục trước thềm Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27), dự kiến diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập.

Sau cuộc gặp ngày 27/7 tại Cairo giữa Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập Tarek El-Molla và Ủy viên AU về năng lượng và cơ sở hạ tầng Amani Abou-Zeid, Bộ Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập cho biết tầm nhìn chung Ai Cập-AU sẽ được đưa ra để xem xét tại COP27.

Ông El-Molla nói rằng Ai Cập và AU nên hợp tác để thúc đẩy “lập trường thống nhất của châu Phi về chuyển đổi năng lượng công bằng” trước thềm hội nghị COP27. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của các nước châu Phi để giúp đạt được sự phát triển bền vững. Ai Cập cam kết sẽ nói lên nguyện vọng của châu Phi trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại COP27. Theo giới chuyên gia, châu Phi tạo ra không quá 3% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của thế giới.

Về phần mình, bà Abu Zeid đề nghị các nước châu Phi cần tăng cường hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, nhằm đạt được sự ổn định và phát triển. Trong khi khẳng định dầu khí là nguồn năng lượng quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của các quốc gia châu Phi, bà Abu Zeid nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo theo lộ trình phù hợp với điều kiện và ưu tiên của mỗi quốc gia. Quan chức AU kêu gọi phát triển một chiến lược chuyển đổi năng lượng thống nhất của châu Phi, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của việc hỗ trợ hội nhập giữa các nước châu Phi để đảm bảo các nguồn năng lượng thông qua các hệ thống tích hợp.

COP27 được kỳ vọng sẽ biến các cam kết khí hậu thành hành động để chuyển đổi sang năng lượng xanh nhằm giảm phát thải, hạn chế sự nóng lên toàn cầu và thích ứng với biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris.

Thỏa thuận Paris – được thông qua tại COP21 và được hơn 190 quốc gia ký kết, trong đó có Ai Cập – có hiệu lực vào năm 2016 với mục đích hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Vấn đề tài chính khí hậu đã được đưa ra tranh luận tại mỗi kỳ COP, vì các nước phát triển không thực hiện cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 để hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các biện pháp giảm thiểu và thích ứng.

Nguyễn Trường (TTXVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *