(kontumtv.vn) – Theo người phát ngôn của Hải quân Ấn Độ, cuộc tập trận nhằm củng cố sức mạnh tổng hợp và tăng cường khả năng phối hợp tác chiến đã đạt được trong cuộc tập trận Malabar hồi tháng 11 năm ngoái.
An Do va My to chuc tap tran chung o Dong An Do Duong hinh anh 1
Tàu INS Shivalik và tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. (Ảnh: PTI)

Ngày 28/3, Ấn Độ và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân PASSEX kéo dài 2 ngày ở khu vực Đông Ấn Độ Dương. Cuộc tập trận phản ánh mối quan hệ đối tác quốc phòng và quân sự gia tăng giữa hai nước.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, các quan chức cho biết Hải quân Ấn Độ đã triển khai tàu chiến Shivalik và máy bay tuần tra hàng hải tầm xa P8I, trong khi Hải quân Mỹ cử nhóm tàu sân bay tấn công USS Theodore Roosevelt tham gia cuộc tập trận PASSEX.

Người phát ngôn của Hải quân Ấn Độ cho hay đây là lần đầu tiên các máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ cũng tham gia tập trận, nhằm nâng cao khả năng phối hợp hoạt động giữa các lực lượng. Điều này mang lại cơ hội cho Không quân Ấn Độ thực hành khả năng đánh chặn và phòng không cùng với Hải quân Mỹ.

Cuộc tập trận diễn ra hơn 1 tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ấn Độ trong khuôn khổ chuyến công du châu Á – chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Austin trên cương vị này. Chuyến công du phản ánh cam kết mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với quan hệ với các đồng minh và đối tác thân cận củ Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo người phát ngôn của Hải quân Ấn Độ, cuộc tập trận nhằm củng cố sức mạnh tổng hợp và tăng cường khả năng phối hợp tác chiến đã đạt được trong cuộc tập trận Malabar hồi tháng 11 năm ngoái.

Mối quan hệ quốc phòng Ấn Độ-Mỹ đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tháng 6/2016, Mỹ xác định Ấn Độ là “đối tác quốc phòng lớn”. Hai nước đã ký kết các thỏa thuận quốc phòng và an ninh quan trọng trong vài năm qua, bao gồm Biên bản Thỏa thuận Trao đổi Hậu cần (LEMOA) năm 2016, Thỏa thuận về an ninh và tương thích liên lạc (COMCASA) năm 2018 và Thỏa thuận hợp tác và trao đổi cơ bản (BECA) nhằm tạo điều kiện cho hai nước chia sẻ công nghệ quân sự cao cấp, hậu cần và bản đồ không gian địa lý./.

Huy Lê (TTXVN/Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *