(kontumtv.vn) – Đối thoại với Iran là một bước đi đúng đắn song Tổng thống Trump không nên tự huyễn hoặc rằng một mình ông có thể giải quyết vấn đề này.

Tuần qua có 2 sự kiện quốc tế tưởng chừng không liên quan. Đó là việc Mỹ cho rằng Triều Tiên vẫn đang phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa bất chấp việc Tổng thống Donald Trump cho rằng Triều Tiên “không còn là mối đe dọa hạt nhân nữa”. Cùng lúc, ông Trump đề nghị gặp trực tiếp Tổng thống Iran Hassan Rouhani mà không có điều kiện tiên quyết nào. Thế nhưng 2 sự kiện này không phải là không có sự liên quan.

bai hoc cho ong trump khi choi bai thuong dinh hinh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh minh họa: AP)

Cả 2 sự kiện đều nêu bật khuynh hướng tốt của ông Trump là muốn ngồi lại với lãnh đạo các nước đối đầu với Mỹ nhưng lại bộc lộ thiếu sót nghiêm trọng của ông là niềm tin rằng một mình ông có thể giải quyết các vấn đề chính trị khó khăn nhất của nước Mỹ chỉ bằng sức mạnh cá tính của mình.

Một mình giải quyết mọi phiền não cho nước Mỹ

Các cuộc gặp thượng đỉnh, đặc biệt là những cuộc gặp “một đối một” giữa các nhà lãnh đạo mà không có thêm bất cứ cố vấn hay thân tín nào ở bên cạnh, là phương pháp yêu thích của ông Trump khi xử lý những vấn đề quốc tế, một phong cách mang đậm chủ nghĩa song phương và tính cá nhân trong đó.

Các cuộc thượng đỉnh chính là kết quả tuyên bố nổi tiếng của ông Trump tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa 2016 trong chiến dịch tranh cử rằng, ông có thể “một mình sửa chữa” những phiền não của nước Mỹ.

Theo như cách nói đó, đối với Tổng thống Trump, chìa khóa để giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên không phải là đàm phán 6 bên mà là cuộc gặp thân mật giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Và khi quy chiếu sang Iran, chìa khóa để giải quyết khủng hoảng hạt nhân với Tehran không phải là thỏa thuận bị ông Trump coi là “mớ giấy lộn” mang tên Kế hoạch hành động chung tổng thể (JCPOA) với sự tham gia của 5 nước khác là Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Đức. Với Tổng thống Mỹ, có lẽ chìa khóa là cuộc gặp “một đối một” với lãnh đạo Iran mà ông đề xuất.

Đến các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Trump cũng bắt đầu đề cập các cuộc thượng đỉnh như là trụ cột của các chính sách đối ngoại.

“Bản thân các cuộc thượng đỉnh chính là điều quan trọng nhất” – Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman, chia sẻ với báo giới trước cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Vladimir Putin tại Helsinki, Phần Lan, hồi tháng trước. Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cũng đã nói một câu gần như y hệt như vậy trước cuộc gặp này.

“Tôi chỉ muốn chỉ ra rằng cuộc gặp với ông Kim Jong-un đã chứng tỏ khả năng giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và toàn bộ Đông Bắc Á” – ông Bolton nói. “Nếu chúng ta có thể tưởng tượng căng thẳng nào có thể được hóa giải trong trường hợp Mỹ – Nga và châu Âu – Nga thì nó ở quy mô lớn hơn thế rất nhiều”.

Học cách kiểm soát bản ngã

Nếu nói rằng Thượng đỉnh Mỹ – Triều hay Nga – Mỹ chưa thành công như kỳ vọng thì nguyên nhân chưa chắc đã là những quyết định mà ông Trump đưa ra trong cuộc gặp mà là những gì Tổng thống Mỹ tuyên bố rằng ông đã đạt được ở đó.

Vấn đề của ông Trump khi giải quyết các bài toán đối ngoại cũng như trong nhiều lĩnh vực khác là sự kết hợp có thể coi là nguy hiểm giữa bản ngã quá lớn của ông với sự thiếu kinh nghiệm trên chính trường quốc tế. Thế nhưng ông Trump sẵn sàng tuyên bố “không cần phải chuẩn bị nhiều” cho một cuộc gặp thượng đỉnh, như trước khi ông gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Cái “Tôi” ấy và niềm tin rằng một mình ông có thể “sửa chữa” mọi vấn đề của nước Mỹ cũng đã cản trở Tổng thống Trump tìm kiếm hay để tâm tới lời khuyên từ các chuyên gia hay cố vấn của mình.

Đó là lý do vì sao ông Kim Jong-un rời khỏi cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ – Triều với sự nhượng bộ của Washington còn ông Trump thì ra về “tay trắng”. Và đến bây giờ người Mỹ vẫn không biết rằng ông Trump có lặp lại sai lầm tương tự với Tổng thống Nga Putin tại cuộc gặp Thượng đỉnh ở Helsinki hay không.

Cho đến nay, triển vọng về một cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani là rất thấp.

Nhưng nếu cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ – Iran thực sự diễn ra, nó sẽ là minh chứng cho khả năng đối thoại của ông Trump nhưng cũng sẽ là một bài kiểm tra xem liệu rút cuộc Tổng thống Mỹ có thể học được cách kiểm soát bản ngã quá lớn của mình để nhường phần việc đó lại cho những quan chức có kinh nghiệm hơn hay không.

Thay đổi cách tiếp cận với Iran

Cho đến thời điểm này, Iran tỏ ra không nhiệt tình với lời đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Có lẽ một phần là vì Tehran muốn Washington trước hết phải thay đổi cách tiếp cận với nước này.

Cách tiếp cận của Mỹ với Iran lâu nay là thúc đẩy sự thay đổi thể chế ở nước Cộng hòa Hồi giáo này. Điều đó được thể hiện khá rõ nét trong 1 bài phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi tháng 5 vừa qua cũng như trong lịch sử hơn nửa thế kỷ qua.

Năm 1953, Cục Tình báo trung ương Mỹ đã giúp tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ được bầu ra ở Iran để ủng hộ chế độ quân chủ, từ đó gieo rắc mầm mống hận thù của người Iran đối với Mỹ. Để rồi năm 1979, tại Iran nổ ra một cuộc cách mạng lật đổ chính quyền do Mỹ hậu thuẫn và dựng lên chính quyền ngày nay mà Washington chỉ muốn loại bỏ.

Trải qua thời gian, lại có thêm nhiều “ân oán” giữa 2 bên khi Iran ủng hộ phiến quân giết hàng trăm lính Mỹ ở Beirut năm 1982 và ném bom khu nhà quân sự Mỹ ở Saudi Arabia năm 1996. Còn Mỹ thì ủng hộ cuộc chiến của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein nhằm vào Iran năm 1980 – 1988 và bị cho là đã bắn hạ một máy bay dân sự của Iran chở 290 người ngay trên không phận nước này.

Nhưng đặt Iran giữa bức tranh Trung Đông hiện nay, có lẽ ông Trump và nước Mỹ sẽ phải cẩn trọng về những gì mà mình mong muốn.

Năm 2012, một làn sóng lật đổ chính quyền lan rộng ở 5 Trung Đông. Khi đó, sau một thời gian lưỡng lự, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã thể hiện sự ủng hộ đối với các phòng trào này và thậm chí cung cấp một số viện trợ vật chất.

Nhưng 6 năm sau, 3 trong số những nước Trung Đông trên là Libya, Syria và Yemen vẫn chìm trong vũng lầy xung đột, bạo lực và nội chiến. Ai Cập thì đã thành lập được một chính phủ mới nhưng không được như những gì Washington kỳ vọng. Chỉ có Tunisia, nơi được coi là khởi nguồn của “Mùa xuân Arab”, thì vẫn vật lộn để xây dựng nền dân chủ.

Vì thế, không có gì chắc chắn cho Mỹ rằng thay đổi chế độ ở Iran sẽ dựng lên một chính phủ “thân thiện” hơn với Washington.

Nếu “lăn theo vết xe” của Ai Cập, sự sụp đổ của chế độ tôn giáo trị ở Iran có thể dẫn tới sự trỗi dậy của lực lượng Vệ binh Cách mạng, mà nhân vật có tiềm năng lãnh đạo là Qasem Soleimani, Chỉ huy Vệ binh Cách mạng tham chiến ở Syria, Iraq và Yemen.

Nhưng rõ ràng, một chính phủ toàn là những quan chức quân đội và cảnh sát không được Mỹ coi là sự cải thiện chế độ ở Iran./.

 

Diệu Hương/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *