(kontumtv.vn) – Yêu cầu chính thức từ chính phủ Iraq về một sự trợ giúp từ không lực Mỹ trong nỗ lực chặn đứng thế tiến công của phiến quân ISIS đang gây thêm áp lực buộc Obama phải đưa ra quyết định.

Theo BBC, đây không phải là lần đầu tiên người Iraq yêu cầu giúp đỡ và đến giờ, Washington vẫn khẳng định sẽ không tham gia.

Vũ khí viện trợ thêm đã được chuyển cho các lực lượng Iraq. Binh lính cũng đã được điều bổ sung tới tăng cường cho đội quân đang bảo vệ đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.

Mỹ, Iraq, nan giải, bài toán, không kích, ISIS
Phiến quân ISIS chốt giữ ở thành phố Mosul phía bắc Iraq ngày 11/6. (Ảnh: Reuters)

Đồng thời với những việc này, chính quyền Obama cũng đang chuẩn bị cho các chiến dịch không kích nếu được yêu cầu. Tàu sân bay USS George HW Bush đã được đưa vào vị trí ở Vùng Vịnh. Đi cùng hàng không mẫu hạm này còn có một số tàu chiến khác, đặc biệt là tàu tuần dương USS Philippines Sea và tàu khu trục USS Truxton – cả hai đều có thể phóng các tên lửa hành trình nhằm vào mục tiêu trên bờ.

Nếu cần thiết, không lực Mỹ có thể được tăng cường sức mạnh bằng các máy bay chiến đấu và máy bay yểm trợ vốn đã hiện diện sẵn trong khu vực.

Cùng với những chuẩn bị hữu hình này, người Mỹ còn đang cố gắng khai thác một bức tranh tình báo rõ nét về những gì đang xảy ra trên thực địa.

Tuy nhiên, BBC cho rằng sự can thiệp từ trên không của Mỹ đặt ra rất nhiều câu hỏi hóc búa:

Tấn công mục tiêu

Nếu ISIS tiến nhanh chóng về phía Baghdad, thì càng có khả năng Mỹ sẽ tiến hành chiến dịch không kích. Nhưng đây là một lực lượng di chuyển nhanh, lại chủ yếu đi trên các phương tiện nhẹ.

Trong một số tình huống, việc phân biệt giữa phiến quân và dân thường rất khó khăn. Có thể Mỹ sẽ triển khai một số lực lượng đặc biệt trên mặt đất để hợp tác với quân đội Iraq trong việc khoanh vùng và xác định mục tiêu?

Tấn công mức độ nào?

Theo các tuyên bố của chính ISIS thì lực lượng này được tổ chức tốt với một cấu trúc rõ ràng. Người Mỹ đã hiểu rõ về ISIS đến mức nào? Và họ sẽ tìm cách tấn công ban lãnh đạo của lực lượng này – có thể bằng máy bay không người lái?

Về mặt địa lý, liệu các cuộc tấn công có bị giới hạn trên lãnh thổ Iraq? Hay Lầu Năm Góc được phép nã vào cả các mục tiêu liên quan đến ISIS ở Syria?

Bối cảnh chính trị

Thủ tướng Iraq Nouri Maliki đã xây dựng một chính phủ bị xem là tham nhũng và nặng tính bè phái.

Trong khi đó, Mỹ muốn một kiểu mẫu chính trị đa đại diện hơn ở Iraq. Tuy vẫn có một số người Sunni ủng hộ chính phủ, nhưng các cuộc tấn công dữ dội của ISIS là dấu hiệu cho thấy tình trạng bất bình rộng lớn hơn ở đất nước Vùng Vịnh.

Do vậy, một chiến dịch không kích của Mỹ có vẻ làm chỗ dựa cho ông Maliki sẽ khó mà được hưởng ứng một cách tích cực.

Với tất cả những lý do trên, Tổng thống Obama đang nghiêng về quyết định “không can thiệp”.

Nếu Maliki có thể ngăn chặn được các cuộc tấn công của ISIS mà không cần đến sự can thiệp của Không lực Mỹ thì sẽ tốt hơn nhiều. Nhưng nếu quân đội Iraq không thể bình ổn nổi tình hình, và nếu ISIS tiếp tục hoành hành thì Nhà Trắng có thể sẽ cảm thấy bị ép phải ra lệnh cho các máy bay chiến đấu Mỹ hành động.

Thanh Hảo/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *