(kontumtv.vn) – Mọi dự đoán đều cho rằng Emmanuel Macron sẽ trở thành Tổng thống mới của Pháp nhưng cơ hội của bà Le Pen vẫn còn nguyên.
Năm 2002, khi Jacques Chirac đối mặt với Jean-Marie Le Pen trong vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống, vị Tổng thống Pháp đương nhiệm khi đó tuyên bố một câu: “Không ai đi tranh luận với cực hữu”. Hiểu theo ý nào cũng đúng: không đáng để tranh luận và không thể tranh luận.
Mọi dự đoán đều cho rằng Emmanuel Macron sẽ trở thành Tổng thống mới của Pháp nhưng cơ hội của bà Le Pen vẫn còn nguyên. (Ảnh: Telegraph) |
Với đa số người quan sát chính trị Pháp, đó cũng là kết luận đầy đủ nhất để đúc kết cuộc tranh luận truyền hình giữa hai ứng cử viên Macron – Le Pen cách đây hai ngày. Vì đó là một cuộc tranh luận với các lý lẽ ngụy biện, những thứ mà báo chí Pháp gọi bằng từ “intox – độc chất”. Đương nhiên là đại đa số những “độc chất” đó đến từ bà Marine Le Pen.
Nhưng, khác với những gì diễn ra hồi năm 2002 và khác với thái độ của Jacques Chirac, với Emmanuel Macron thì không có chuyện từ chối tranh luận và để mặc diễn đàn cho Marine Le Pen. Và Macron đã đối mặt với Marine Le Pen trong gần 150 phút sẽ đi vào lịch sử nền Cộng hòa thứ Năm nước Pháp như một trong những tranh luận chính trị bất quy tắc đáng xấu hổ nhất.
Cho đến lúc này thì đó là một quyết định đúng với Macron bởi sau cuộc tranh luận, Macron ghi thêm điểm và đà suy giảm bị chặn lại. Một phần nhờ sự vững vàng trong tranh luận, nhưng chủ yếu là vì Marine Le Pen đã có một màn thể hiện “xấu xí” đến mức khó tin. Đó là điều khác biệt với tình hình năm 2002 và cũng là điểm mà có lẽ những cố vấn của bà Marine Le Pen không nghĩ đến.
Thay vì nâng Le Pen lên, cuộc tranh luận lại hạ Le Pen xuống.
Không có mặt trận cộng hòa
Nhưng, thời thế thay đổi không chỉ ở khía cạnh đó. Năm 2002, khi Jean-Marie Le Pen bước vào vòng 2, nước Pháp thực sự choáng váng. Sự kiện đó đã kéo hàng triệu người Pháp xuống đường và không cần phải làm gì đặc biệt Jacques Chirac vẫn giành đến 87% số phiếu tại vòng 2 để có chiến thắng cách biệt nhất trong lịch sử bầu Tổng thống Pháp.
Nhưng 2017 thì không có cả cú sốc lẫn sự sục sôi. Trên thực tế, từ 2 năm qua, chính trường Pháp đã vận động với một điều chắc chắn duy nhất là Marine Le Pen của đảng Mặt trận quốc gia sẽ bước vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống 2017. Không mấy ai ngạc nhiên vì kết quả vòng 1 hôm 23/4. Nếu có thì chỉ là việc Marine Le Pen giành ít phiếu hơn so với dự đoán ban đầu.
Và vì đang dần chấp nhận Mặt trận quốc gia và bà Le Pen như một thói quen, dân Pháp ngại xuống đường. Chiều tối 4/5, buổi “hòa nhạc cộng hòa” với mục đích kêu gọi cử tri ngăn chặn Marine Le Pen được tổ chức ở quảng trường Cộng hòa thủ đô Paris chỉ thu hút được một đám đông chừng nghìn người, lấp chưa đầy 1/2 không gian quảng trường và dĩ nhiên không có gì để so sánh với đám đông vài chục nghìn người của 15 năm trước.
Khác cả về số lượng lẫn tâm thế. Nhiều người đến quảng trường Cộng hòa không phải để thể hiện sự giận dữ, cuồng nộ như 15 năm trước. Họ đến vì nghĩa vụ.
Chính tâm thế này là điều mà không ai có thể dám chắc rằng mọi rủi ro trong ngày Chủ nhật tới đã bị loại trừ. 15 năm qua, và nhất là trong 3 năm trở lại đây, người dân Pháp đã quen với việc Mặt trận quốc gia (FN) của bà Marine Le Pen leo cao trên các nấc thang quyền lực.
Năm 2014, FN đứng đầu cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu. Năm 2015, FN chiến thắng áp đảo ở 6/13 vùng trong bầu cử địa phương. Và hôm 23/4 vừa qua, bà Marine Le Pen cũng vượt qua một cột mốc lịch sử: giành được phiếu bầu của 7,6 triệu cử tri Pháp, vượt hơn 2,8 triệu so với người cha Jean-Marie Le Pen.
Cơ cấu cử tri đang thay đổi theo hướng có lợi cho FN. Trong vòng 15 năm, FN đã trở thành 1 trong 2 đảng chính trị, cùng với đảng “Nước Pháp bất khuất” của Jean-Luc Melenchon, giành được nhiều nhất phiếu bầu của các cử tri trẻ. Trong cuộc điều tra của IFOP đầu tháng 4/2017, khoảng 30% cử tri trẻ trong lứa tuổi 18-24 có ý định bầu cho bà Marine Le Pen.
Sự thay đổi lớn này bắt nguồn từ các biến động xã hội sâu sắc tại Pháp trong hơn một thập kỷ qua. Kinh tế khó khăn, thất nghiệp tràn lan, tình trạng phân biệt đô thị-ngoại ô, các mâu thuẫn về tôn giáo, sắc tộc… khiến giới trẻ Pháp trở nên thờ ơ hơn với chính trị và nếu có quan tâm thì lại mang nhiều ác cảm với các đảng phái chính trị truyền thống vốn bị dán mác là cũ kỹ, giáo điều và bảo thủ.
Tháng 12/2016, một cuộc điều tra diện rộng mang tên “Generation What?” mang về những con số giật mình: 87% giới trẻ được hỏi tuyên bố ít quan tâm đến chính trị và 99% số này tin rằng chính trị gia Pháp là những kẻ tham nhũng. Khi sự bất mãn và bất tín lên cao thì lẽ đương nhiên là những cử tri trẻ, vốn không bị ràng buộc về sự trung thành đảng phái như thế hệ cha mẹ mình, sẽ dễ dàng tìm đến với những diễn văn chính trị quyết liệt và cực đoan hơn.
Đó là lí do hôm 23/4 vừa qua có đến 51% cử tri trong lứa tuổi 18-24 bỏ phiếu cho Jean Luc Melenchon và Marine Le Pen, một ứng cử viên cực tả và một ứng cử viên cực hữu.
Những ngòi nổ âm ỉ
Và đây có thể sẽ chính là ngòi nổ để kích hoạt một quả bom nổ chậm vào Chủ Nhật này (7/5).
Từ sau ngày 23/4, bất chấp mọi chỉ trích và đi ngược cả với thói quen không khoan nhượng bao năm qua với Marine Le Pen và đảng FN, thủ lĩnh đảng “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Mélenchon liên tục từ chối đưa ra khuyến nghị các cử tri ủng hộ mình nên bỏ phiếu cho ai.
Chiến thuật “ni-ni” (không người này-không người kia) của Mélenchon tạo nên một ẩn số khó lường cho vòng 2. Các cuộc thăm dò và phân tích cho thấy, đa số đảng viên và cảm tình viên của đảng “nước Pháp bất khuất” không ủng hộ Emmanuel Macron và lại nằm trong số nhóm cử tri dễ bị FN lôi kéo nhất.
Vì thế, bất cứ kịch bản nào trong chuỗi “không ủng hộ – không đi bỏ phiếu – bỏ phiếu trắng – bỏ phiếu cho Marine Le Pen” đều mang lại rủi ro lớn cho Macron. Một phép tính đơn giản: Jean-Luc Mélenchon đã giành đến 20%, tương đương gần 7 triệu phiếu bầu, ở vòng 1 và chỉ cần 1/2 số này chuyển lá phiếu cho Marine Le Pen, khoảng cách an toàn hiện nay giữa Macron với Le Pen sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Trong trường hợp đó, Macron cần huy động được tối đa các lá phiếu chống FN từ các đảng phái còn lại.
Điều này dường như đơn giản trên lý thuyết bởi hầu như mọi đảng phái, trừ Nicolas Dupont Aignan của “Nước Pháp đứng lên”, đều chống lại FN và Marine Le Pen.
Nhưng thực tế có thể phức tạp hơn. Có sự khác biệt giữa “chống Le Pen” và “ủng hộ Macron”. Do các tính toán chính trị cho cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6, các đảng phái lớn không muốn mạnh mẽ ủng hộ một đối thủ chính trị “phá cách” như Macron.
Các khuyến nghị bỏ phiếu đích danh cho Macron được đưa ra chủ yếu là vì “nghĩa vụ cộng hòa” của các đảng này và được thực hiện một cách dè dặt. Cùng với đó là tâm lý “việc đã rồi”, xem chiến thắng của Macron ở vòng là đương nhiên nên không cần phải vận động nhiều.
Đó là một trạng thái tâm lý chứa đựng nhiều rủi ro. Bài học về Brexit cho thấy, nhiều cử tri không đi bầu chỉ vì nghĩ rằng không có lá phiếu của mình thì cũng không có gì tai hại diễn ra. Người Pháp khác người Anh nhưng các cử tri đi bầu vì nghĩa vụ luôn luôn có ít động lực đi đến hòm phiếu hơn các cử tri hết lòng vì ứng cử viên của mình, điều mà bà Marine Le Pen đang không hề thiếu.
Truyền thống chính trị Pháp và cơ chế phổ thông đầu phiếu của nước này (chứ không phải đại cử tri như Mỹ) giảm thiểu được các rủi ro của một kịch bản “Trump 2.0” đối với nước Pháp và châu Âu và xét tổng thể mọi mặt, cơ hội chiến thắng của Emmanuel Macron lớn hơn Marine Le Pen rất nhiều.
Nhưng, trong một xã hội đang có rất nhiều đổ vỡ và dịch chuyển dữ dội ở tầng lớp bình dân như nước Pháp, chiến lược gieo rắc sự sợ hãi và tức giận của Marine Le Pen có thể sẽ mang lại kết quả bất ngờ.
Cuộc bầu cử này chưa có kết quả và Emmanuel Macron vẫn chưa phải là Tổng thống mới của nước Pháp, dù đó là kịch bản tốt hơn cho đa số./.