(kontumtv.vn) – Đã hơn 400 năm trôi qua kể từ khi việc một người có thể bị giết hại với cáo buộc báng bổ tôn giáo hoặc theo dị giáo là việc hiển nhiên tại châu Âu.

Tuy nhiên, theo tờ Telegraph, trong tâm trí những kẻ đứng đằng sau vụ xả súng tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, một tạp chí châm biếm của Pháp, thì mọi chuyện vẫn như diễn ra từ 400 năm trước.

Người dân Pháp thể hiện sự không sợ hãi sau vụ tấn công tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo (Ảnh Reuters)

Chạm đến gốc rễ của đạo Hồi

Nhà báo của tờ tạp chí Charlie Hebdo và cũng là một nhà biếm họa nổi tiếng Stéphane Charbonnier, hay còn được gọi là “Charb” – từ lâu đã nằm trong danh sách phải tiêu diệt của al-Qaeda và được cảnh sát bảo vệ.

Việc công chúng giận dữ về những sản phẩm biếm họa của phương Tây đã trở thành một việc bình thường cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi mà Iran “tuyên án tử” với nhà văn Ấn Độ Salman Rushdie vì tác phẩm Satanic Verses (tạm dịch là Những vần thơ của Quỷ Satan) của ông.

Tuy nhiên, trong khi các cuốn sách hay các bộ phim bị phản đối hoặc có thể dẫn đến các vụ tấn công nhỏ lẻ nhằm vào những người thực hiện chúng thì các bức tranh biếm họa lại dễ làm dấy lên những hành động cực đoan hơn bởi chúng “tấn công trực diện” vào các giá trị cốt lõi của đạo Hồi bằng hai con đường: không chỉ lăng mạ mà các bức tranh này còn mô tả rất rõ nhà tiên tri Mohammed.

Đây là điều cấm kỵ với những tín đồ đạo Hồi, đạo Do Thái và cả một số nhánh của đạo Thiên chúa.

Điều răn thứ 2 của Kinh thánh cũng cấm việc mô tả đức Chúa bằng “hình ảnh của Người bằng cách này hay cách khác” dù Ngài ở Thiên đường hay dưới hạ giới”.

Tuy nhiên, điều này không ngăn được việc các nhà thờ Công giáo La Mã, Chính thống Giáo phương Đông và Anh giáo đặt rất nhiều bức tượng và các biểu tượng của chúa Jesus trong nhà thờ.

Lịch sử Thiên chúa giáo cũng không thiếu gì những vụ phá hoại những hình ảnh được coi là mang tính biểu tượng của thời đại như việc đập phá thánh tượng của đế chế Byzantine hay phong trào cải cách ở Tây Âu.

Trong khi đó, phần lớn tín đồ đạo Hồi bị cấm trưng bày hình ảnh của những sinh vật sống và toàn bộ người theo đạo Hồi đều không được phép mô tả đấng Allah và 3 nhà tiên tri của người là Mohammed, Abraham và Jesus.

Chính vì vậy, những bức biếm họa của phương Tây khó có thể không gây cảm giác phẫn nộ đối với người dân Hồi giáo bởi thay vì tôn vinh nhà tiên tri Mohammed, mục đích của các bức biếm họa này là để châm biếm.

Sự va chạm giữa đạo Hồi và Thiên chúa Giáo

Ông Tom Holland, một nhà sử học, từng phải chịu những lời đe dọa vào năm 2012 về khi viết một cuốn sách và làm một bộ phim tài liệu nêu lên những nghi vấn về nguồn gốc của đạo Hồi cho rằng, sự giận dữ liên quan đến các bước biếm họa thể hiện sự xung đột của phong trào Khai sáng của phương Tây và đạo Hồi.

Hai phụ nữ Pháp khóc trong lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo (Ảnh AP)

“Đạo Thiên Chúa đã có một thời gian thay đổi lâu dài nên những gì liên quan đến phong trào Khai sáng ít mang ý nghĩa đe dọa hơn đối với họ”, ông Holland nói.

“Những người Hồi giáo đến châu Âu chưa thể quen ngay được với truyền thống Voltaire (một đại diện tiêu biểu của nước Pháp trong phong trào Khai sáng).

Căng thẳng về vấn đề này đã lên đến đỉnh điểm tại Anh vào năm trước sau khi hai sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế London bị buộc phải che đi chiếc áo phông có hình biếm họa Jesus và Mohammed.

Ngoài ra, trong một cuộc đối thoại về việc này, ông Maajid Nawaz, lãnh đạo Quỹ Quilliam chống lại những hành động quá khích, đã đăng tải hình ảnh một chiếc áo phông trên Twitter của mình cùng với dòng chữ: “Tôi tin rằng Chúa phải là người vĩ đại hơn là bị đe dọa bởi việc biếm họa”.

Sau đó, ông Nawaz đã liên tục bị đe dọa và có hẳn một chiến dịch buộc ông phải từ bỏ chiến dịch trở thành thành viên Đảng Dân chủ Tự do tham gia cuộc đua vào Nghị viện Anh.

Châm biếm nhằm vào đạo Hồi liệu có là xúc phạm?

Người khởi xướng chiến dịch này không phải là những phiến quân theo đạo Hồi mà là ông Mohammed Shafiq, Giám đốc điều hành Quỹ Ramadhan chống lại các hành động quá khích.

Ông Shafiq lên án vụ tấn công tại Paris nhưng nêu rõ: “Trong một nền dân chủ, mọi người được tự do vẽ tranh biếm họa nhưng cũng hoàn toàn được tự do lên án chúng”.

“Tôi nghĩ rằng những bức biếm họa do tạp chí Charlie Hebdo là rất khó chịu và rất tồi tệ”, ông Shafiq nói.

Ông Tehmina Kazi, Giám đốc nhóm Người Hồi giáo vì Dân Chủ Lâu dài, nhận định: “Tôi nghĩ rằng nhiều người nhạy cảm về việc này hơn là họ muốn thừa nhận”.

“Chúng ta chỉ cần nhìn vào những phản hồi quá khích từ tweet của ông Maajid Nawaz liên quan đến bức biếm họa Jesus và Mohammed”, ông Kazi nói.

Một người đặt hoa và thắp nến tưởng nhớ những người thiệt mạng trong vụ xả súng tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo (Ảnh AP)

Trong khi đó, nhà văn Ấn Độ Salman Rushdie tuyên bố những bức biếm họa cần phải được bảo vệ bởi nó phải được coi là “lực lượng chống lại bạo tàn, dối trá và xuẩn ngốc. Việc tôn trọng vùng miền giờ đã bị coi là cụm từ tương đương với “sự sợ hãi trước tôn giáo. Tuy nhiên, tôn giáo, cũng như những mọi ý tưởng khác cũng cần phải bị phê bình và châm biếm”.

Biên tập viên Tạp chí Private Eye của Anh Ian Hislop chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất sốc với vụ tấn công khủng khiếp này. Một vụ “sát hại” quyền tự do ngôn luận ngay tại trung tâm của châu Âu. Tôi muốn gửi lời chia buồn đến gia đình và bạn bè của các nạn nhân trong vụ tấn công này: các họa sỹ biếm họa, các phóng viên, và những người muốn bảo vệ họ. Họ đã phải trả một cái giá quá đắt cho việc được tự do châm biếm của mình. Ngày hôm nay không có gì có thể được coi là hài hước cả”./.

Trần Khánh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *