(kontumtv.vn) – Tình hình căng thẳng tại Biển Đông không chỉ khiến dự luận khu vực quan tâm mà cũng là chủ đề được bàn đến ở châu Âu.

Tình hình căng thẳng ở Biển Đông khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã “tràn” vào vòng đám phán hạt nhân giữa Iran và P5+1(hay còn gọi là E3/EU +3 – Iran Talks) tại Áo. Một số quan chức châu Âu và 200 nhà báo quốc tế mấy tháng nay vốn chỉ theo dõi sự kiện đàm phán hạt nhân, nay đã không ngần ngại dành cho tôi những cuộc phỏng vấn, những ý kiến, quan điểm và cả… “lời hứa” về Biển Đông.

Tác giả phỏng vấn ông Michael Mann

1. Như thường lệ sau mỗi ngày họp của vòng đàm phán Iran Talk, ông Michael Mann (người phát ngôn của Cao ủy liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Catherine Ashton) sẽ họp báo, thông báo tiến trình của ngày đàm phán. Cứ sau mỗi đợt thông báo, ông ấy rời khỏi bục thì cánh nhà báo lại vây chặt lấy. Băn khoăn với câu hỏi của mình vì nó chả liên quan gì đến vòng đàm phán này, vì thế, tôi cũng đồng thời chuẩn bị “Xin lỗi ngài tôi biết đây là vòng đàm phán về hạt nhân nhưng…”.

Đợi cho cánh nhà báo hỏi hết tôi mới tiến lại gần:

– Xin ông cho biết quan điểm về tình hình căng thẳng tại Biển Đông hiện nay?

Ông Michael Mann nhìn tôi vài giây rồi như kịp nhận ra lý do là tôi nhà báo Việt Nam.

– Xin lỗi, tôi sẽ kiểm tra lại thông tin này rồi trả lời cô.

Ông vừa dứt câu trả lời tôi thì các nhà báo khác lại xông lên phỏng vấn, khiến tôi không kịp hỏi câu thứ hai.

Tôi rút khỏi đám đông và quan sát xung quanh, tôi thấy mấy nhà báo Trung Quốc cũng đang chuẩn bị máy móc đứng cạnh đó.

Một lúc sau chúng tôi đi ăn trưa. Lúc trở lại phòng, tôi chợt nhìn thấy ông Michael Mann đang đi phía trước, sốt ruột quá tôi lại đuổi theo ông ấy:

– Thưa ông khi nào thì ông có thể cho tôi biết ý kiến về Biển Đông?

– Ôi, xin lỗi, cô cho tôi email, tôi sẽ trả lời sau nhé.

– Đợi tôi vài phút. Tôi nói rồi chạy vội vào chỗ cất đồ.

Tôi trở lại căn phòng để đồ đạc, loay hoay tìm danh thiếp, khổ nỗi do mang nhiều túi nên chẳng biết nó lẫn ở chỗ nào. Một lúc sau, tôi tìm được danh thiếp. Tôi lật đật chạy ra, nghĩ bụng, đợi lâu như thế khéo ông ấy đi rồi. Nhưng ông ấy vẫn đứng đó cùng một nhân viên. Ông ấy cầm danh thiếp của tôi, rồi nói:

– Ok, tôi hứa!

Tôi hơi ngỡ ngàng, một lãnh đạo EU như ông ấy, cần gì phải “hứa” trịnh trọng thế với tôi. Ông ấy cười, cô nhân viên cũng cười. Rồi họ bước đi.

Tối hôm sau, trong khi cánh nhà báo ngồi đầy ở khách sạn Coburg trực chờ thông tin cuối ngày từ ông Michael Mann, thì tôi trở về nhà. Vài phút sau tôi nhận được hai email của ông ấy. “…EU kêu gọi các bên liên quan tìm ra những giải pháp hòa bình và hợp tác theo đúng luật pháp quốc tế, mà cụ thể là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). EU khuyến khích Việt Nam và Trung Quốc tham gia đối thoại để giải quyết vấn đề này…”.

Khỏi phải nói nhận được câu trả lời của ông ấy tôi vui mừng đến thế nào. Ông xã tôi cũng vui lây, giục tôi gửi tin ngay cho báo chí. Ông xã tôi là người nghiên cứu về lịch sử, chính trị châu Á (đặc biệt là Việt Nam). Tôi thường nói với ông xã và các đồng nghiệp nhà báo quốc tế rằng: “Không cần các anh phải bênh vực Việt Nam mà chỉ cần các anh nói lên tiếng nói lương tri của mình, vậy là đủ”.

Các nhà báo quốc tế tác nghiệp tại cuộc biểu tình của người Việt tại Áo phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
2. Các vòng đàm phán Iran Talk đã kéo dài cả nửa năm nay. Mỗi tháng một lần. Chúng đặc biệt quí giá đối với tôi. Bởi vì ngoài chuyện tác nghiệp diễn biến của các vòng đàm phán hạt nhân giữa Iran và 6 cường quốc, tôi còn có thể cập nhật ý kiến của các quan chức EU và 200 nhà báo quốc tế về các vấn đề thời sự nóng bỏng.

Tháng 5/2014, khi chúng tôi quay lại theo dõi vòng đàm phán Iran Talk tiếp theo thì vấn đề Biển Đông đang rất căng thẳng. Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây lên làn sóng biểu tình của người Việt trên toàn thế giới.

Các nhà báo EU, Trung Đông đã sẵn sàng trả lời tôi. Họ bày tỏ thẳng thắn ý kiến, quan điểm thậm chí là đối nghịch nhau về vấn đề của Trung Quốc (không chỉ ở Biển Đông mà còn là sự hiển diện của Trung Quốc ở khắp các châu lục).

Một đồng nghiệp nói: “Đó là trò phô trương sức mạnh của Trung Quốc với Mỹ trong cuộc chạy đua trở thành cường quốc số 1. Trung Quốc sẽ thỉnh thoảng làm như vậy không chỉ ở Biển Đông, không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các châu lục khác để đạt được tham vọng bá chủ của mình”.

Một đồng nghiệp châu Âu khác thì chỉ cho tôi xem một bộ phim tài liệu do anh và các đồng nghiệp thực hiện. Bộ phim có nhan đề “Trung Quốc đang nuốt dần thế giới“ (tạm dịch). Có thể tóm tắt thành hai vấn đề chính:

Thứ nhất, ở đất liền, người dân Trung Quốc đã định cư, buôn bán và thành công trên khắp các châu lục:

Tại châu Phi: Trung Quốc chủ yếu khai thác tài nguyên (như chủ nghĩa thực dân kiểu mới) chứ không thực sự tạo công ăn việc làm cho người châu Phi. Họ mua lại đất đai, cánh đồng, xây dựng nhà xưởng… đưa nhân công (bất hợp pháp) và hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang. Họ hình thành lên các làng người Trung Quốc, đồng thời đuổi những người châu Phi đi chỗ khác. Việc làm này, thời gian gần đây đã khiến cho dân chúng một số nước châu Phi “tỉnh ngộ“. Có những nơi người dân đã nổi lên đuổi đánh các nhà đầu tư Trung Quốc.

Tại châu Á (đặc biệt là Đông Nam Á): Có nhiều người Hoa kiều đang sinh sống, làm ăn ở khu vực này. Họ rất thành công, thậm chí giàu có hơn những người bản địa.

Tại châu Mỹ: Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã xây dựng nhà xưởng, doanh nghiệp, mua đất đai… định cư ở đây;

Tại châu Âu: Giới thượng lưu, giới doanh nghiệp Trung Quốc thường xuyên tổ chức các buổi tiệc sang trọng, gặp gỡ các chính khách, các doanh nghiệp lớn của EU. Thông qua đó họ tìm kiếm các cơ hội hợp tác, làm ăn. Hiện nay, nhiều tỷ phú Trung Quốc đang muốn chuyển đến sinh sống ở châu Âu. Lý do mà họ đưa ra đó là châu Âu có môi trường kinh tế, chính trị khá ổn định, xã hội khá yên bình. Tuy nhiên “làn sóng“ này đang gặp phải sự phản đối của người dân châu Âu.

Thứ hai, trên biển Đông: Mặc dù Trung Quốc đã và đang giở nhiều chiêu trò với các nước láng giềng, nhưng chưa thực sự thể hiện được sức mạnh của mình như ở đất liền.

Các nhà báo Iran treo cờ Việt Nam trong văn phòng của họ. Đây là lá cờ họ xin của bà con người Việt khi họ tác nghiệp ở cuộc biểu tình tại Áo.
3. Tôi đã may mắn lắng nghe được ý kiến của các nhà báo Iran (chuyên theo dõi mảng chiến trường). Họ đã từng tác nghiệp mấy chục năm ở chiến trường Apganistan, Iraq, Syria… Có người vẫn mang trong mình những mảnh đạn nhỏ. Họ cho tôi xem những thước phim tư liệu, phóng sự mà họ đã thực hiện ngoài chiến trường. Họ kể cho tôi nghe những lần họ chết hụt. Thấy tôi là người Việt, nhà báo Sohail hỏi:

– Tình hình tại Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc căng thẳng nhỉ?

– Vâng. Anh có nghĩ là giàn khoan Hải Dương-981 đang thách thức dư luận quốc tế không? Tôi hỏi.

– Có vẻ là như thế. Nhà báo Sohail trả lời.

Họ đã hủy chuyến bay để ở lại tác nghiệp khi biết có cuộc biểu tình của người Việt tại Áo (kết hợp với các bạn Philippines…) phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Chia tay tôi, nhà báo Sohail nói: “Các nước đều phải thể hiện sức mạnh của mình một khi bị nước lớn đe dọa. Việt Nam đang có một thứ tài sản vô cùng qúy giá, đó là lòng yêu nước của những người Việt trên thế giới. Họ đã luôn hướng về đất mẹ như thế này. Chúng tôi mong sớm ra biển để tác nghiệp với các bạn. Khi đó chúng tôi sẽ mang theo lá cờ này, những thước phim biểu tình hôm nay để làm hành trang nhé”.

Tác giả trò chuyện với một đồng nghiệp người Trung Quốc
4. Một buổi sang khi tới phòng ăn tại Iran Talk, tôi quyết định hỏi chuyện một nhà báo Trung Quốc. Sau một hồi trò chuyện, chúng tôi cũng đi đến chủ đề chính cần trao đổi:

– Cô nghĩ thế nào về tình hình Biển Đông và giàn khoan Hải Dương-981? Tôi hỏi.

– Chúng ta nói chuyện với nhau như hai độc giả thôi nhé? Cô đồng nghiệp ngập ngừng.

– Vâng, chỉ như hai độc giả thôi mà – Tôi nhắc lại.

– Tôi và bạn đều có gia đình, người thân và họ hàng. Nếu chiến tranh xảy ra, sẽ rất đau đớn cho tất cả nhân dân và chúng ta.

Cô đồng nghiệp ngừng nói và quay đi chỗ khác.

– Bạn đã đến Trung Quốc chưa? Cô đồng nghiệp hỏi tôi

– Tôi đã được thăm một số vùng biên giới.

– Bạn đến Bắc Kinh chưa?

– Chưa. Tôi cũng có 3 người bạn Trung Quốc từ hồi học thạc sĩ. Họ đang ở Bắc Kinh. Tôi cũng chưa có nào dịp thăm họ.

– Khi nào đến Bắc Kinh thì gọi cho mình nhé. Cô đồng nghiệp dặn tôi.

Tôi gật đầu và dặn cô bạn nếu có quay lại Áo hoặc đến Việt Nam thì cho tôi biết, tôi sẽ đón bạn.

Chúng tôi trao đổi danh thiếp cho nhau. Nắm tay nhau. Nói với nhau rằng: “Mong mọi chuyện sớm tốt đẹp và hẹn ngày tái ngộ”. Tôi thấy đôi bàn tay bạn rất mềm. Chia tay đồng nghiệp Trung Quốc, tôi cứ nghĩ liên miên về đôi bàn tay đó…./.

Nguyễn Thị Bích Yến/VOV online 
(từ Cộng hòa Áo)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *