(kontumtv.vn) – Mỹ và đồng minh nêu bật tầm quan trọng của việc cùng khôi phục trật tự ở Biển Đông trong khi Trung Quốc muốn độc chiếm vùng biển này.

Mỹ và những can dự chiến lược vào Biển Đông

“Quan điểm ‘kẻ mạnh là kẻ đúng’ đã cổ hủ và đi ngược lại với các nguyên tắc mà chúng ta kỳ vọng các quốc gia có trách nhiệm sẽ tuân thủ. Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á đang ngày càng phải chịu sự cưỡng ép và dọa nạt thông qua nhiều cách thức, trực tiếp thách thức những nền tảng cơ bản của một trật tự dựa trên luật lệ, rộng mở và tự do. Những gì chúng ta đang chứng kiến ở Biển Đông là một ví dụ tiêu biểu cho hành vi ứng xử này”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói trong bài phát biểu tại Học viện Ngoại giao nhân chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2019.

bien dong trong tinh toan chien luoc cua cac nuoc lon hinh 1
Ngày 20/11/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Mark Esper đến thăm

Học viện Ngoại giao tại Hà Nội và có bài phát biểu trước hàng nghìn

sinh viên, các thầy cô giáo tại trường.

Bộ trưởng Esper không ngần ngại chỉ rõ, thời kỳ hòa bình lâu dài đã tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế ở gần như mọi quốc gia châu Á đang phải nhường chỗ cho một phong cách ứng xử kiểu Trung Quốc, vi phạm quyền chủ quyền của các nước khác.

Theo Bộ trưởng Esper, hành vi ứng xử kiểu cưỡng ép, bắt nạt của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng trong hòa bình và ổn định.

Dù tình hình Biển Đông có lúc “nóng”, lúc “dịu” nhưng căng thẳng vẫn luôn hiện hữu. Liên quan tới các nguồn tài nguyên, ngoài vấn đề năng lượng, việc tiếp cận các ngư trường ngày càng trở nên quan trọng và là nguyên nhân của phần lớn các vụ rắc rối giữa Trung Quốc với các nước ven Biển Đông. Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc cũng được thể hiện ở Biển Đông. Về lý thuyết, một Biển Đông do Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát có thể đóng vai trò là một pháo đài của các lực lượng Trung Quốc, song hiện tại khả năng này vẫn còn rất xa vời. Kịch bản có khả năng nhất trong ngắn hạn là sự ổn định với các giai đoạn căng thẳng và hòa hoãn xen kẽ nhau, tùy thuộc vào phản ứng của các “địch thủ” của Trung Quốc, mà đứng đầu là Mỹ.

Năm 2019, trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục dâng cao ở Biển Đông, nhằm kiếm chế tham vọng mở rộng lãnh thổ hung hăng của Trung Quốc ở khu vực này, Hải quân Mỹ đã phái Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) tới hỗ trợ. Đây là lần đầu tiên kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, USCG được triển khai để thực hiện một nhiệm vụ như vậy.

Trong chuyến công du tới Philippines hồi tháng 10/2019, Đô đốc Karl Leo Schultz, chỉ huy USCG nêu rõ: “Đối mặt với những hành vi cưỡng ép và đối nghịch của Trung Quốc tại các vùng biển có tranh chấp. Lực lượng Tuần duyên Mỹ thể hiện sự can dự và quan hệ đối tác rõ ràng ở cả cấp chuyên gia và cá nhân”. Động thái này là một phần trong phản ứng liên tục của Nhà Trắng nhằm đáp lại việc Bắc Kinh ngày càng sử dựng nhiều hơn lực lượng bảo vệ bờ biển và các lực lượng bán quân sự để chiếm đóng các thực thể có tranh chấp và các nguồn tài nguyên trên biển.

Trong một động thái thể hiện sự thay đổi lớn, Lầu Năm Góc đã bắt đầu coi lực lượng bán quân sự và các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc như những lực lượng vũ trang của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ áp dụng các quy định quân sự nhằm đáp trả quyết liệt các lực lượng bán quân sự và lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 19/11 cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành nhiều hoạt động tuần tra ở Biển Đông để gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc: “Mỹ phản đối bất kỳ quốc gia nào nỗ lực dùng cách áp bức hoặc hăm dọa gây hại cho các nước khắc để thúc đẩy lợi ích của riêng họ”.

Ông Esper cũng hối thúc các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông khẳng định các quyền chủ quyền của mình để “chỉnh” Trung Quốc đi “đúng hướng”. “Tín hiệu rõ ràng mà chúng tôi đang muốn gửi đi không phải là chúng tôi muốn đối đầu với bản thân Trung Quốc mà là tất cả chúng ta sẽ ủng hộ luật pháp và các quy tắc quốc tế và rằng chúng tôi nghĩ Trung Quốc cũng nên tôn trọng những điều này”, Bộ trưởng Esper nhấn mạnh.

Anh, Pháp, Ấn Độ hưởng ứng

Vương quốc Anh cũng đã cho thấy sự ủng hộ đối với chính sách Biển Đông của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bộ quốc phòng Anh tuyên bố rằng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của nước này sẽ lần đầu tiên được triển khai trong một cuộc tập trận chung Mỹ-Anh-Hà Lan tại Biển Đông vào năm 2021. Chiếc tàu này sẽ mang theo 24 máy bay chiến đấu F-35B cùng nhiều trực thăng.

Cũng giống như Anh và Mỹ, Pháp đã lên tiếng khẳng định sự quyết tâm ủng hộ tự do hàng hải tại Biển Đông. Đô đốc Hải quân Pháp Christophe Prazuck cho biết Hải quân nước này sẽ thực hiện nhiều chuyến thăm Biển Đông mỗi năm bởi “luật biển” quốc tế đang bị đe dọa. Ông Prazuck chỉ đích danh Trung Quốc – nước có tuyên bố chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ là Hải quân Trung Quốc đang che giấu bất kỳ điều gì về tham vọng và thanh thế toàn cầu của họ”.

Giải thích cho kế hoạch của Pháp tại Biển Đông, ông Prazuck nói: “Thứ nhất, tại sao chúng tôi lại đến đó tới 6-7 lần, thậm chí 10 lần một năm? Chúng tôi đến đó vì luật biển ở khu vực này đang lâm nguy… Chúng tôi đang đến đó và vẫn sẽ đến đó và còn tiếp tục đến đó như một hành động ủng hộ tự do hàng hải”.

Đô đốc Hải quân Pháp Christophe Prazuck lý giải vì sao khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có tầm quan trọng với Pháp: “Trước tiên bởi vì chúng tôi là một quốc gia ven biển. Thứ hai là vì chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào sự an ninh và thịnh vượng của khu vực này. Thứ ba, vì một số yếu tố quan trọng của di sản chung của nhân loại, đó là luật quốc tế, là môi trường, hầu hết đều đang bị đe dọa tại đây”.

Được xem là nhân tố quan trọng trong chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, cũng như là một trong bốn trụ cột của “tứ giác an ninh” Mỹ – Nhật – Ấn – Australia, lâu nay Ấn Độ vẫn rất chừng mực khi nhắc tới câu chuyện Biển Đông. Nhưng giới quan sát cho rằng New Delhi có thể đang hành động theo cách khác.

Rajeev Ranjan Chaturvedy – nghiên cứu viên ở ĐH Công nghệ Nanyang, thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam cho rằng New Delhi không yên tâm với mức độ quyết đoán mới của Trung Quốc cũng như yêu sách mạnh mẽ của Bắc Kinh ở Biển Đông.

“Lợi ích ngày càng tăng của Ấn Độ tại Biển Đông cũng thể hiện khát vọng của New Delhi về nhận thức lãnh thổ trong toàn bộ các khu vực có lợi ích hàng hải, và mong muốn bám sát các diễn biến tiềm năng có thể tác động tới lợi ích quốc gia của Ấn Độ”, ông Chaturvedy nói.

Nhìn vào tình hình thực tế có thể thấy, vấn đề tại Biển Đông vốn đã xảy ra trong một khoảng thời gian dài, đặc biệt là giữa các bên có yêu sách ở khu vực này. Gần đây, những vấn đề vốn đã tồn tại từ lâu lại càng trở nên phức tạp hơn do những tính toán chiến lược không chỉ của các bên có tranh chấp, mà còn của cả các nước lớn bên ngoài khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng phi lý với vùng biển này.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam – quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp và được cho là có quan điểm cứng rắn hơn cả đối với vấn đề Biển Đông phải làm sao để không bị rơi vào “bẫy chọn bên” mà vẫn giữ vững được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo cân bằng lợi ích, giữ môi trường ổn định phục vụ cho phát triển? Đó là câu hỏi không dễ trả lời./. 

Hùng Cường, Trần Khánh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *