(kontumtv.vn) – Theo Đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43) tại Campuchia, đã diễn ra các phiên họp của các Ủy ban Chính trị, Kinh tế, Xã hội.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Phiên họp Ban chấp hành AIPA-43. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

* Ủy ban Chính trị đã hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự của cuộc họp, thông qua nghị quyết Thúc đẩy hòa bình, đoàn kết và chủ nghĩa đa phương thông qua vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) do Campuchia đề xuất. Đoàn Việt Nam đã chủ động đề xuất đồng bảo trợ nghị quyết này và đóng góp điều chỉnh nội dung thể hiện sự quan tâm và tiếng nói của AIPA trong thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, đóng góp vào hòa bình, đoàn kết và phát triển của khu vực.

Ủy ban Chính trị cũng thông qua nghị quyết Tăng cường ngoại giao nghị viện về an ninh hàng hải để tăng cường ổn định ở khu vực Đông Nam Á do Indonesia đề xuất. Đoàn Việt Nam cũng cùng đoàn đại biểu Quốc hội các nước đóng góp vào các dự thảo nghị quyết của Indonesia để nội dung cân bằng hơn, trong đó nhấn mạnh việc ứng xử theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 và chú trọng quan tâm đến các nhóm yếu thế.

Ngoài ra, Ủy ban Chính trị thông qua nghị quyết Ngoại giao nghị viện thực hiện Đồng thuận 5 điểm về vấn đề Myanmar do Indonesia đề xuất. Các đề xuất sửa đổi của các đoàn đại biểu các nước đối với dự thảo nghị quyết được đưa ra trên cơ sở bám sát Tuyên bố gần đây của Lãnh đạo cấp cao ASEAN về rà soát việc triển khai Đồng thuận 5 điểm và thực tế tình hình, được các đại biểu đồng thuận.

* Ủy ban Xã hội đã thảo luận và xem xét 4 dự thảo nghị quyết, bao gồm thông qua Báo cáo của Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy (AIPACODD) lần thứ 5. Các nước đều nhất trí cao với dự thảo và không có đề xuất sửa đổi, bổ sung nào đối với nghị quyết này.

Về dự thảo nghị quyết Tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số để bảo vệ xã hội toàn diện do Campuchia đề xuất. Về cơ bản, các nước nhất trí với dự thảo nghị quyết và ủng hộ việc tăng cường chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay. Tại cuộc họp, Đoàn Việt Nam đề xuất đồng bảo trợ nghị quyết với Campuchia, theo đó đoàn Philippines cũng đề nghị đồng bảo trợ và được nước chủ nhà đồng ý.

Về dự thảo nghị quyết Tăng cường bảo vệ sức khỏe xã hội để giải quyết các thách thức trong ASEAN do Thái Lan đề xuất. Các nước thành viên AIPA đã thống nhất với dự thảo. Đoàn Việt Nam đã đề xuất bổ sung 3 kiến nghị và được hội nghị nhất trí.

Ngoài ra, Ủy ban Xã hội cũng đã xem xét dự thảo nghị quyết Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vì một cộng đồng ASEAN thịnh vượng, tự cường và phát triển bền vững do Campuchia đề xuất. Dự thảo nghị quyết này đã được thảo luận tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA.

* Ủy ban Kinh tế đã thảo luận và thông qua 3 nghị quyết. Về nghị quyết Đẩy mạnh hợp tác nghị viện để tăng trưởng bền vững và bao trùm trong ASEAN thông qua cách tiếp cận về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) do Campuchia đề xuất. Nghị quyết này tập trung tìm ra các giải pháp thiết thực để đẩy mạnh trách nhiệm xã hội (CSR) trong các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong cộng đồng ASEAN. Trong quá trình thảo luận và hoàn thiện nghị quyết, đoàn Việt Nam đã có nhiều ý kiến đóng góp và đã có đề xuất về việc cùng với Campuchia đồng bảo trợ nghị quyết này, được thành viên đoàn các nước bạn ủng hộ và đồng thuận.

Về nghị quyết Thúc đẩy năng lực phát triển cho doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa (MSMEs) trong chuyển đổi kỹ thuật số do Campuchia đề xuất. Nghị quyết yêu cầu hỗ trợ thúc đẩy các mối quan hệ thương mại và đầu tư trong khu vực, thúc đẩy phát triển năng lực và hiểu biết về tài chính, khởi xướng các chương trình khuyến khích và phát triển MSMEs, đồng thời cung cấp hỗ trợ kỹ thuật số cho các MSMEs thông qua công nghệ và các cơ chế chuyển giao kiến thức để họ có thể tồn tại và duy trì khả năng phục hồi và hoạt động kinh tế.

Về nghị quyết về Tối ưu hóa sự tham gia của doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa (MSMEs) trong ngành du lịch để phục hồi kinh tế do Indonesia đề xuất. Nghị quyết tái khẳng định tầm quan trọng của MSMEs và ngành du lịch đối với phát triển kinh tế đã được đề cập trong các Nghị quyết về Phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19 được thông qua tại AIPA-42. Nghị quyết nhấn mạnh việc cần bảo đảm hệ thống pháp luật hoặc các biện pháp khác về khôi phục sau dịch COVID-19 sẽ mang lại những lợi ích đáng kể, bao gồm cả nguồn lực vật chất và tài chính, đối đầu và vượt qua những thách thức hiện có của MSMEs trong lĩnh vực này.

Tại các cuộc họp, Đoàn Việt Nam đã tham gia với tinh thần chủ động, tích cực, đóng góp xây dựng vào quá trình sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn kiện nói trên, bảo đảm mục tiêu đề ra, phù hợp lợi ích của Việt Nam, đồng thời thể hiện sự ủng hộ đối với vai trò Chủ tịch AIPA-43 của Campuchia.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *