(kontumtv.vn) – Không chỉ giải phóng con người, Cách mạng Tháng Mười còn cải biến khoa học công nghệ và tạo ra cách tiếp cận đột phá đối với lĩnh vực này.

LTS: Ngày nay chủ nghĩa tư bản đặc biệt chú trọng đến phát triển và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Một trong những lực đẩy cho điều này đến từ chính Cách mạng tháng Mười Nga. Báo điện tử VOV xin giới thiệu với độc giả bản dịch bài viết của tác giả Prabir Purkayastha về vai trò đột phá của cuộc Cách mạng này đối với khoa học công nghệ thế giới (tít chính và tít phụ do VOV.VN đặt). Bài gốc (bằng tiếng Anh) đăng trên trang web cánh tả Peoples Democracy.

cach mang thang muoi thuc day nhay vot khoa hoc cong nghe toan cau hinh 1
Liên Xô là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa được người vào vũ trụ. Trong bức hình này là nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin bên quốc kỳ Liên Xô. Ảnh: Houston Communist Party.

Có hai cách chính mà Đại Cách mạng tháng Mười Nga đã thay đổi thế giới khoa học công nghệ.

Thứ nhất, cuộc cách mạng này cho thấy khoa học và công nghệ có thể kế hoạch hóa được. Chính nhờ khả năng kế hoạch hóa được khoa học, công nghệ và công nghiệp mà một nước lạc hậu còn nhiều tàn tích phong kiến như Nga có thể tổ chức được xã hội và đuổi kịp các nước phương Tây tiên tiến gấp bội chỉ trong vài thập kỷ. Cũng một phần nhờ đó mà Liên Xô (với Nga là nòng cốt) đủ sức đương đầu và đánh bại nước Đức Quốc xã hùng cường trong Thế chiến 2. Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng Liên Xô trong thập niên 1920 và 1930 đã xây dựng tiền đề vật chất và nền tảng công nghệ cho quốc gia này.

Thứ hai, Cách mạng tháng Mười đã tạo ra một cách thức nhìn nhận mới đối với khoa học, công nghệ và xã hội, tạo ra một trường phái nghiên cứu mới về các lĩnh vực này.

Có những người thắc mắc, thế sao Liên Xô cuối cùng lại bị đuối, không cạnh tranh được với phương Tây, cụ thể là Mỹ và các cường quốc thực dân ở châu Âu? Những người này lại quên rằng nhà nước XHCN đầu tiên thế giới ra đời trong một nước cực kỳ lạc hậu với cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Không những vậy, nước Nga, sau đó là Liên Xô, đã phải liên tục đối đầu với cuộc can thiệp vũ trang của các nước phương Tây, khó khăn kinh tế sau Thế chiến 1, sau Thế chiến 2 và cuộc bao vây phong tỏa của các cường quốc phương Tây. Ban lãnh đạo Liên Xô ý thức rõ hơn ai hết rằng nếu họ thất bại trong việc xây dựng nền tảng công nghiệp và sức mạnh quân sự, họ sẽ không đối đầu nổi với sức mạnh của chủ nghĩa đế quốc.

Ngược dòng thời gian trở về năm 1917. Khi đó nước Nga mới lạc hậu làm sao. Khoảng 80% dân số Nga mù chữ, số trường đại học chỉ khoảng 90 (trong bối cảnh Đế chế Nga có lãnh thổ bằng 1/6 diện tích toàn cầu – ND). Đến năm 1941, con số trường đại học tăng vọt lên 800 trường. Không những vậy, các cơ sở giáo dục này còn liên kết chặt chẽ với các dự án công nghiệp nặng và ngành sản xuất của Liên Xô.

Rút ngắn thời gian phát triển thông qua kế hoạch hóa

Đất nước Xô viết non trẻ không chỉ đầu tư mạnh vào khoa học và công nghệ, họ còn đặt kế hoạch phát triển khoa học công nghệ trong bối cảnh rộng lớn hơn của Liên Xô. Chính việc kết hợp các thể chế khoa học-công nghệ với công nghiệp đã dẫn tới sự phát triển nhanh chóng đồng thời của cả hai lĩnh vực. Quá trình điện khí hóa Liên Xô và xây dựng ngành công nghiệp hàng không của nước này là kết quả đáng kể của sự kết hợp này.

Nhờ sức mạnh công nghiệp của Liên Xô phát triển nhanh chóng mà quốc gia này có thực lực để đánh bại phát xít Đức và phát xít Nhật trong Thế chiến 2.

Nếu đọc sử liệu của các tác giả phương Tây thì chúng ta thấy rằng vai trò của Liên Xô trong việc đánh bại chủ nghĩa phát xít thường bị làm mờ đi nhiều. Họ phớt lờ thực tế là có tới 4/5 lực lượng phe Trục (phe phát xít) đã được huy động để đánh Liên Xô ở Mặt trận phía Đông – chính ở mặt trận này, sức mạnh quân sự Đức đã bị nghiền nát một cách căn bản.

Trong Thế chiến 2, ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô đã sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn nước Đức. Liên Xô không chỉ tự sản xuất được phần lớn vũ khí và trang thiết bị của mình, nước này còn di dời thành công hầu hết các cơ sở công nghiệp và khoa học từ khu vực miền tây (được công nghiệp hóa tốt hơn nhưng bị phát xít chiếm đóng) sang miền đông với điều kiện khó khăn hơn.

Trước Cách mạng tháng Mười, Nga còn không tự chế được bóng đèn điện, vậy mà chỉ vài thập kỷ sau họ đã làm được những điều lớn lao như vậy.

Liên Xô không chỉ tích cực đầu tư vào xây dựng các ngành công nghiệp gần như từ con số 0, họ còn chú trọng đầu tư vào nhân tố con người. Liên Xô rót rất nhiều tiền vào việc xây dựng một thế hệ trẻ các nhà khoa học và công nghệ gắn chặt với quá trình công nghiệp hóa ở nước này.

Tất cả những điều này đạt được thông qua nền kinh tế kế hoạch hóa – nét khác biệt của nước XHCN với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa khi đó, vốn chỉ chú trọng yếu tố thị trường.

Trong một khoảng thời gian ngắn sau Thế chiến 2, Liên Xô đã vượt trội phương Tây ở một số lĩnh vực khoa học công nghệ. Liên Xô đã đi tiên phong trong việc đưa người vào vũ trụ. Trong lĩnh vực toán học và vật lý, Liên Xô được xem là một thế lực mới, dẫn đầu trong các ngành cơ bản như là laser, lập trình tuyến tính, lý thuyết động lực của các hệ phi tuyến tính (về sau phương Tây mới khám phá ra vấn đề này, với tên gọi mới là “lý thuyết hỗn loạn”)…

Nếu Liên Xô yếu kém ở chỗ nào đó thì vấn đề không phải là các nhà khoa học và công nghệ của họ yếu kém mà là do nước này không đưa được các tiến bộ trong nghiên cứu vào thực tế sản xuất công nghiệp. Ngày nay chúng ta biết được rằng các tiến bộ vượt bậc của Liên Xô trong lĩnh vực quân sự và vũ trụ đã đạt được với một chi phí rất lớn. Liên Xô có tài đi xa trong những lĩnh vực rất hẹp (mà tại đó Liên Xô tập trung cao độ nguồn lực của mình) nhưng lại lạc hậu trong hầu hết các lĩnh vực khác. Liên Xô đơn giản là thiếu nguồn lực vốn dư dả hơn ở các nước phương Tây được công nghiệp hóa tốt hơn để tiến hành các thay đổi thường xuyên mà các bước phát triển mới về công nghệ đòi hỏi.

Thông qua trường hợp Liên Xô, người ta lần đầu tiên nhận thức được rằng khoa học có thể kế hoạch hóa – điều này trước đây bị giới khoa học phương Tây bác bỏ.

JD Bernal, một nhà mác xít người Anh, trong cuốn sách “Chức năng Xã hội của Khoa học” do ông viết đã lập luận rằng các bước tiến vĩ đại của Liên Xô trong một thời gian tương đối ngắn là nhờ họ đã kế hoạch hóa lĩnh vực khoa học, dành một lượng lớn ngân sách cho “nghiên cứu và phát triển” (R&D), và tích hợp khoa học công nghệ với thực tế sản xuất. Chính mô hình kế hoạch hóa khoa học và phát triển này đã trở thành hình mẫu để Ấn Độ và hầu hết các nước mới được giải phóng khỏi chế độ thực dân học tập. Ấn Độ đã áp dụng mô hình kế hoạch hóa của Liên Xô, đầu tư có kế hoạch vào các cơ sở khoa học của mình.

Bernal là một trong các cố vấn chính của Ấn Độ trong thời kỳ này cũng giống như JBS Haldane, một nhà khoa học hàng đầu khác của Anh.

Phương pháp duy vật biện chứng

Bernal cũng là một trong nhiều nhà khoa học Anh đã dự Đại hội Lịch sử Khoa học năm 1931 ở London (Anh).

Ngày nay thật khó hình dung tác động của tư duy mác xít lên lịch sử khoa học nếu không quay về thời điểm năm 1931, khi một nhóm học giả xuất chúng của Liên Xô do ông Bukharin dẫn đầu trình bày quan điểm của họ tại “Đại hội Quốc tế lần thứ 2 về Lịch sử Khoa học và Công nghệ” ở London.

Tham luận nổi tiếng của nhà khoa học Xô viết Boris Hessen được trình bày tại Đại hội này có ảnh hưởng lớn lao đối với giới học thuật. Tham luận của ông là về “phương pháp duy vật biện chứng và cách nhìn nhận quá trình lịch sử mà Marx đã tạo ra cho việc phân tích sự hình thành và phát triển công trình của Newton trong mối liên hệ với thời kỳ ông sống và làm việc”. Lần đầu tiên, lịch sử khoa học được trình bày không phải với tư cách một cá thể đơn lẻ mà là một quá trình xã hội.

Đối với nhiều nhà khoa học trẻ như Bernal, Needham, JBS Haldane, và Lancelot Hogben, đây là thực sự là một cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ đối với khoa học. Tác động to lớn của lối tư duy mới này không chỉ giới hạn vào Anh Quốc mà còn mở rộng ra các nhân vật như Joliot Curie ở Pháp và các nhà khoa học ở nhiều nơi khác trên thế giới. Như đã nêu ở trên, phương pháp duy vật biện chứng đã trở thành nền tảng cho sự phát triển khoa học ở nhiều nước thuộc thế giới thứ 3, thậm chí ở các cơ quan của Liên Hợp Quốc.

Việc kế hoạch hóa khoa học và xem xét sự phát triển khoa học như một quá trình lịch sử đã tạo ra một ngành mới gọi là ngành nghiên cứu về Khoa học, Công nghệ và Xã hội (gọi tắt là STS).

Các nhà khoa học Xô viết thập niên 1930 không chỉ gây ảnh hưởng đến cách chúng ta hiện nay nhìn nhận khoa học mà họ còn đưa ra từ rất sớm vấn đề trách nhiệm xã hội của nhà khoa học.

Hai cuộc thế chiến, cuộc thứ nhất với khí độc và cuộc thứ hai với vũ khí hạt nhân, đã chỉ rõ ra rằng khoa học một mặt có thể giúp ích cho nhân loại, mặt khác nó cũng đủ khả năng hủy diệt nhân loại. Từ đó xuất hiện 2 phong trào – phong trào hòa bình và phong trào trách nhiệm xã hội của giới khoa học.

Các nhà khoa học Liên Xô không chỉ đặt vấn đề về chiến tranh mà còn nêu ra vấn đề về rào cản của tư bản đối với khoa học thông qua cái gọi là “sở hữu trí tuệ”. Phần lớn phong trào phần mềm miễn phí hiện nay là dựa trên ý tưởng về quyền tiếp cận tri thức khoa học dành cho toàn nhân loại, và giới khoa học và kỹ thuật phải có trách nhiệm đấu tranh vì mục tiêu đó.

Cách mạng tháng Mười đã tạo ra bước ngoặt quyết định trong cách nhìn nhận của giới khoa học công nghệ đối với khoa học. Ngày nay mỗi quốc gia, thậm chí mỗi công ty lớn, đều kế hoạch hóa khoa học.

Nhà khoa học Anh Bernal có thể bị phương Tây “tố” là thân chủ nghĩa xã hội nhưng có một thực tế là quan điểm của ông về việc phải kế hoạch hóa khoa học và nhà nước phải đầu tư đáng kể cho nghiên cứu và phát triển đã trở thành một phần tích hợp trong chủ trương phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Chỉ có điều, Bernal và lực lượng cánh tả trước đó không dự đoán được một điều là chủ nghĩa tư bản khá dẻo dai, đã kịp thời thích ứng và bắt kịp với những bước phát triển mới trong tư duy./.

 

Trung Hiếu/VOV.VN
Dịch từ Peoples Democracy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *