(kontumtv.vn) – Phương Tây không phải bao giờ cũng nhất quán trong chính sách của họ đối với vấn đề ly khai.

Những diễn biến mới nhất ở khu vực miền đông Ukraine tiếp tục đẩy châu Âu vào thế khó khi bàn về những khía cạnh có liên quan đến vấn đề ly khai. Mới đây, Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) đã thông qua một nghị quyết cứng rắn, tước quyền biểu quyết của đại biểu Nga ở PACE để lên án cách Nga xử lý tình huống trong trường hợp của Crimea.

Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) (Ảnh: Reuters)

Hội đồng châu Âu là một trong những cơ quan lâu đời và uy tín nhất ở châu Âu, Hội đồng không phải là một phần của Liên minh châu Âu (EU) dù hai cơ quan này có rất nhiều thành viên chung. Hội đồng Nghị viện châu Âu bao gồm tất cả các đại biểu đến từ những thành viên của Hội đồng châu Âu cùng với các quan sát viên đến từ Canada, Israel và Mexico.

Ly khai không phải vấn đề với riêng Ukraine

Chưa đầy 24 giờ trước khi Nghị quyết của PACE được thông qua, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã ra phán quyết rằng cuộc trưng cầu dân ý mà khu vực Catalonia lên kế hoạch tổ chức, nhằm tách khỏi Tây Ban Nha là “vi hiến và vô giá trị” bất chấp việc có đến 80% người dân khu vực này ủng hộ ly khai.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, các Thẩm phán khẳng định theo Hiến pháp Tây Ban Nha, một khu vực của nước này không thể đơn phương kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý về quyền tự quyết của mình. Ngoài ra, mọi “quyền được quyết định” của Catalonia phải tuân thủ Hiến pháp năm 1978 của Tây Ban Nha.

Bất chấp phán quyết của Tòa án Hiến pháp, chính quyền Catalonia khẳng định sẽ tiếp tục tiến hành cuộc bỏ phiếu, bất chấp phản ứng “dữ dội” từ chính phủ Tây Ban Nha. Các nhà lãnh đạo vùng Catalonia đã kêu gọi tiến hành cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 9/11 tới, trong đó yêu cầu người dân Catalonia trả lời câu hỏi: “Liệu Catalonia có nên trở thành một quốc gia độc lập hay không?”.

Catalonia đã trở thành một phần lãnh thổ Tây Ban Nha kể từ khi Nữ hoàng Isabella của Vương quốc Castile và Vua Ferdinand của Vương quốc Aragon, bao gồm Catalonia, kết hôn năm 1469.

Khu vực này hiện là nơi sinh sống của 7,5 triệu dân trong tổng số 46 triệu người dân Tây Ban Nha. Khu vực tự trị có ngôn ngữ và di sản văn hóa riêng này tạo ra 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 25% kim ngạch xuất khẩu của Tây Ban Nha.

Người dân Catalonia không phải là những người duy nhất phải thất vọng vì không đạt được ước nguyện của mình. Tương tự như trường hợp của Catalonia, một cuộc trưng cầu trực tuyến nhận được sự ủng hộ áp đảo của người dân đòi quyền độc lập cho Veneto, Italy vào tháng trước cũng đã bị đập tan ngay “từ trong trứng nước”.

Trường hợp của Scotland cũng không phải là một ngoại lệ, hiện các chính trị gia châu Âu đang cố gắng gây áp lực lên Scotland trước cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào tháng 9/2014 tới để tách Scotland khỏi Vương quốc Anh. Họ cho rằng, sẽ là rất khó để một Scotland độc lập có thể gia nhập EU bởi nhiều quốc gia thành viên của tổ chức này “dị ứng” với hành động ly khai, ngay cả khi việc làm này được thực hiện theo đúng thủ tục và có sự thỏa hiệp.

Theo giới phân tích, trong một bầu không khi thù địch như vậy, bất kỳ biểu hiện ủng hộ xu hướng ly khai có thể dẫn đến những hệ quả xấu, và vì thế, các thành viên EU sẽ không hành động thiếu suy nghĩ để “mất lòng” nhau.

Châu Âu “xử tệ” với Nga vì ủng hộ Crimea ly khai

Nga đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về sự có mặt của một số đại diện phái cực hữu trong thành phần Chính phủ lâm thời Ukraine, trong đó có các vị trí quan trọng như Tổng công tố viên, Bộ trưởng Nông nghiệp và Bộ trưởng Môi trường. Tuy nhiên, PACE đã bác bỏ sự hiện diện của những phần tử cực hữu trong thành phần Chính phủ Ukraine và cáo buộc Nga tung thông tin không trung thực nhằm mục đích riêng.

Người dân Crimea vui mừng khi được nhận tấm hộ chiếu Nga (Ảnh: Reuters)

Phía Nga cho rằng, việc PACE hoàn toàn phủ nhận những lo ngại của Nga mà không cần điều tra, xác minh thông tin là khó hiểu, đặc biệt là khi các thành viên của Hội đồng châu Âu vẫn thường bày tỏ lo ngại về mối đe dọa của các phần tử cực hữu ngay bên trong nội bộ đất nước họ.

Khi Đảng Tự do (một đảng cực hữu) của Áo gia nhập Chính phủ liên minh vào năm 1999, hầu hết các nước châu Âu đã “quay lưng” lại với nước này. Tương tự như vậy, Chính phủ cánh hữu ở Hungary cũng đã bị châu Âu đặt dưới sự giám sát và theo dõi chặt chẽ trong nhiều năm.

Mặt khác, bản báo cáo đi kèm Nghị quyết của PACE cho rằng, việc Nga tuyên bố người Nga đang sinh sống ở Ukraine là mục tiêu của những hành vi vi phạm nhân quyền là vô căn cứ. Theo bản báo cáo, cáo buộc của Nga đưa ra chỉ dựa trên một vài trường hợp riêng lẻ chứ không phản ánh tình trạng chung.

Tất nhiên, nội dung của Nghị quyết mà PACE thông qua cũng bác bỏ tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ở Crimea tháng 3 vừa qua. Phương Tây từ trước đến nay vẫn luôn luôn xem việc ly khai là bất hợp pháp, trừ khi khu vực có nguyện vọng ly khai được sự chấp nhận của quốc gia mà họ là một phần lãnh thổ trực thuộc.

Ông Alexey Pushkov, trưởng đoàn đại biểu Nga tại PACE bình luận về diễn biến ở Strasbourg: “Tôi rất lấy làm tiếc buộc phải thừa nhận rằng, chúng ta đang đối mặt với một cách tiếp cận bị chính trị hóa hoàn toàn. Tôi chưa bao giờ chứng kiến chuyện như vậy ở đây. Một cách tiếp cận hoàn toàn thiên lệch, những hành động của chính quyền Kiev là đúng, tất cả những gì Nga đề xuất đều sai, đồng thời các sự kiện đã bị đảo ngược.”

Trong khi đó, ông Igor Morozov Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Nga cho rằng: “Nghị quyết làm cho công việc của chúng tôi đánh mất hiệu quả, xét từ quan điểm thúc đẩy lợi ích và tương tác giữa các đối tác trong Hội đồng Nghị viện châu Âu”.

Ông Morozov nói thêm: “Tôi hy vọng vào cách tiếp cận đúng mức hơn từ phía các thành viên khác, nhưng chúng ta đã chứng kiến một cuộc tranh đua đầy tham vọng. Đa số các điểm mục của Nghị quyết này đều không đáp ứng thực tế. Có cảm tưởng chúng được viết trong cùng một văn phòng ở đâu đó bên kia đại dương”.

Con đường phía trước

Có thể nói, chính việc phương Tây luôn bác bỏ hoàn toàn các yêu cầu ly khai mà không quan tâm đến các yếu tố liên quan đã góp phần hình thành những tổ chức có vũ trang chiến đấu để đòi quyền lợi. Tuy nhiên, phương Tây không phải bao giờ cũng nhất quán trong chính sách của họ đối với vấn đề ly khai, vẫn có các trường hợp ngoại lệ mà tiêu biểu nhất là trường hợp Kosovo.

Người biểu tình thân Nga chiếm giữ tòa nhà chính quyền ở Donetsk (Ảnh: AFP)

Theo RT, châu Âu thường “rêu rao” cái mà họ gọi là “luật pháp quốc tế” để giải quyết vấn đề ly khai nhưng bản chất việc làm của họ là chỉ ủng hộ những gì mà họ có thể tìm kiếm lợi ích trong đó.

Trên thực tế, PACE không phải là một tổ chức có thể ra các Nghị quyết có tính ràng buộc, nó không mang nhiều quyền lực thực sự. Bản thân PACE cũng tự mô tả Nghị quyết vừa được thông qua chỉ đơn thuần là “gửi đi một thông điệp”.

NATO và Mỹ cũng bày tỏ lo ngại đối với tình hình ở miền đông Ukraine. Tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen ngày 13/4 cho rằng những gì đang diễn ra ở miền đông giống với kịch bản ở Crimea.

Theo ông Rasmussen, những người mang vũ khí Nga và đồng phục không phù hiệu lại xuất hiện ở miền đông Ukraine và đây là “diễn tiến nguy hiểm”. NATO dọa sẽ có biện pháp trừng phạt “mạnh mẽ hơn nữa” nếu Nga tiếp tục có thêm các động thái can thiệp vào tình hình ở miền đông Ukraine.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình căng thẳng như vậy, người ta cũng đã tìm thấy một số điểm chung giữa Nga và các thành viên khác thuộc PACE. Nga từng nêu rõ quan điểm ủng hộ một mô hình nhà nước liên bang ở Ukraine trong tương lai, theo đó, những khu vực như Donetsk, Kharkov… sẽ được trao quyền tự chủ lớn hơn.

Quan điểm này của Nga cũng trùng khớp với quan điểm được trình bày trong Nghị quyết của PACE. Trong nghị quyết này, PACE khẳng định ủng hộ chủ trương cải cách toàn diện và sâu rộng ở Ukraine. Những mục tiêu cải cách bao gồm việc thực hiện chính sách phân cấp, trong đó sẽ trao quyền tự chủ nhiều hơn cho một số khu vực của Ukraine.

Vẫn chưa rõ, điểm chung hiếm hoi này giữa phương Tây và Nga có thể là lời giải cho cuộc khủng hoảng hiện nay hay không? Tuy nhiên, khi mà các bên không ai chịu nhượng bộ, đây vẫn là tia hy vọng để nhiều người mong chờ trước cuộc hội đàm đa phương giữa EU, Mỹ, Ukraine dự kiến diễn ra trong tuần này./.

Hùng Cường/VOV online 
(theo RT)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *