(kontumtv.vn) – Liên minh châu Âu (EU) đã tiêu thụ hơn 95% lượng khí đốt mà họ dự trữ vào mùa Hè năm ngoái. 

Chú thích ảnh
Các bể chứa khí đốt tại Grain, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Trích dẫn dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, Tập đoàn năng lượng và nhà xuất khẩu khí đốt lớn của Nga Gazprom ngày 19/2 cho biết các cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm (UGS) ở EU đã dùng hết 95,3% kể từ hai ngày trước đó. Điều này có nghĩa là châu Âu hiện chỉ còn 4,7% trữ lượng khí đốt cho quãng thời gian còn lại của mùa Đông.

Khối lượng khí còn lại tại các kho chứa ít hơn 21% (8,3 tỷ mét khối) so với cùng thời điểm năm ngoái. Tổng cộng, châu Âu đã tiêu thụ 44,8 tỷ mét khối khí đốt trong mùa Đông này.

Theo Gazprom, trữ lượng khí đốt tại các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất ở Ukraine cũng ở mức tối thiểu, đã giảm xuống 10,6 tỷ mét khối, tức là ít hơn 45% so với năm ngoái.

Ngoài ra, vào đầu tuần này, các nhà chức trách ở Đức – một trong những quốc gia có công suất lưu trữ ngầm lớn nhất ở châu Âu – cũng báo cáo về việc lượng lưu trữ giảm xuống xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang xung quanh vấn đề Ukraine, phương Tây vẫn quan ngại về nguy cơ gián đoạn dòng chảy khí đốt từ Nga đến lục địa này. EU vừa tuyên bố nguồn dự trữ khí đốt của họ đủ để kéo dài thêm vài tuần nữa trong trường hợp Nga ngừng vận chuyển dòng khí đốt. Hiện giới chức EU và Mỹ vẫn đang tìm kiếm các nguồn cung thay thế.

Nguồn cung khí đốt của Nga cho các nước châu Âu đã bắt đầu giảm vào giữa năm 2021 và giảm mạnh hơn nữa từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, Gazprom liên tục khẳng định rằng họ vẫn đang cung cấp khí đốt cho châu Âu theo đúng các hợp đồng hiện có.

Mặc dù vậy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 19/2 đã lên tiếng chỉ trích chính sách cung cấp khí đốt của Gazprom. “Gazprom đang cố gắng tích trữ và phân phối ít nhất có thể trong khi giá cả và nhu cầu đang tăng vọt”, bà phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich.

Theo EC, cho đến gần đây, EU đã đáp ứng gần một phần tư (24%) nhu cầu tiêu thụ năng lượng bằng khí đốt, 90% trong số đó được nhập khẩu. Khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu này là của Gazprom.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (RT)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *