(kontumtv.vn) – Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ lãnh đạo một đất nước đã bị tàn phá đến “vỡ vụn” sau 7 năm chiến tranh như thế nào?

Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể chiến thắng, nhưng Syria sẽ còn lại gì sau cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 8?

Cuộc nội chiến Syria bùng phát từ tháng 3/2011. Đến mùa Hè năm 2015, quân đội chính phủ Syria của Tổng thống al-Assad đã nếm trải thất bại trên nhiều mặt trận, trong đó, sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đe dọa cắt đứt các tuyến đường huyết mạch kết nối các vị trí chủ chốt của quân đội Syria.

Sự xuất hiện và hỗ trợ của Iran và đặc biệt là quân đội Nga tại chiến trường Syria đã khiến thế cục đổi chiều.

che do al assad co the thang song syria con gi sau 7 nam noi chien hinh 1
: AFP/Getty Images

Vị cứu tinh Nga

Cuối mùa Hè năm 2015, quân đội Syria chỉ kiểm soát không đến 1/4 lãnh thổ. Trong đó, vùng đất Alawite tại tỉnh Latakia đang bị đe dọa, phần lớn thành phố lớn nhất Syria Aleppo cũng nằm trong tầm kiểm soát của các nhóm đối lập và khủng bố. Lúc này, quân đội của Tổng thống al-Assad dồn lực về thủ đô Damascus.

Trước tình hình chiến sự Syria, Nga không khỏi lo ngại chế độ của Tổng thống al-Assad có thể bị lật đổ, một đồng minh của Moscow nữa tại Trung Đông sẽ thất bại, giống như những gì diễn ra trước đó ở Yemen.

Nga quyết tâm ủng hộ đồng minh là chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad, trong khi, Mỹ đứng ở bên kia chiến tuyến và cung cấp hỗ trợ cho các lực lượng đối lập tại Syria.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9/2015, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh sự can thiệp của phương Tây vào chiến trường Syria là một thảm kịch khi không có sự cho phép của chính quyền Tổng thống al-Assad.

Cùng lúc Tổng thống Putin đưa ra tuyên bố này, máy bay chiến đấu đầu tiên của Nga đã đáp xuống một căn cứ ven biển tại Syria. Đánh dấu sự hiện diện quân đội Nga-Mỹ trên cùng một mặt trận.

Ngay sau khi có mặt tại Syria, Nga khẳng định việc triển khai quân sự này được tiến hành theo yêu cầu chính thức của chính phủ Syria, nhằm hỗ trợ quân đội của Tổng thống al-Assad tiêu diệt các nhóm khủng bố hồi giáo và lực lượng phiến quân đối lập.

Đến cuối năm 2017, quân đội Syria với sự hỗ trợ của Nga đã giành được những thắng lợi lớn, trong đó phải kể đến việc giải phóng thành cổ Palmyra từ tay nhóm khủng bố IS, giành lại kiểm soát Aleppo vào tháng 11/2016, phá vòng vây suốt 3 năm tại Deir ez-Zor và kiểm soát hoàn toàn thành phố này vào tháng 11/2017. Và mới nhất là chiến dịch giải phóng Đông Ghouta, vùng ngoại ô thủ đô Damascus.

Theo thống kê, quân đội Nga đã thực hiện hơn 19.160 chiến dịch tại Syria, tiến hành 71.000 vụ không kích các mục tiêu khủng bố. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đến cuối năm 2017, đã có 48.000 binh sĩ Nga “được trải nghiệm chiến trường Syria”.

Đối với Tổng thống Putin, tham gia cuộc chiến tại Syria cũng nhằm thể hiện sức mạnh quân sự của Mosow, đồng thời bảo vệ vị thế của Nga tại Trung Đông-Địa Trung Hải trước ảnh hưởng của Mỹ tại đây.

Còn lại gì sau chiến thắng?

Chiến thắng mới nhất là giải phóng Đông Ghouta, chiến thắng trong cuộc chiến tại Syria về lý thuyết có thể đã nằm trong tay Tổng thống Bashar al-Assad.

Nhưng dù vậy, một đất nước Syria sau 7 năm nội chiến sẽ còn lại gì? 7 năm xung đột đã khiến 500.000 người thiệt mạng và hơn một nửa dân số Syria bị mất nhà cửa. Các thành phố bị phá hủy hoang tàn chỉ còn lại những đống đổ nát.

Những con số biết nói cho thấy rằng, dù có chiến thắng thì ông al-Assad sẽ tái thiết đất nước như thế nào từ đống đổ nát này? Một nền kinh tế suy sụp vì chiến tranh, Syria đang đứng trước thách thức vô cùng lớn để khôi phục lại hoàn toàn.

Theo giới quan sát, Syria chắc chắn sẽ nhờ cậy tới các đồng minh, đặc biệt là Nga, trong nỗ lực tái thiết này. Một thống kê từ năm 2016 của Sputnik đã nhận định rằng, Syria cần ít nhất 180 tỷ USD và 10 năm để khôi phục đất nước, với điều kiện chiến tranh phải kết thúc từ ngay thời điểm đó.

Nhà báo người Syria Jihad Yazigi nhận định, các nhà đầu tư và các nhà hảo tâm quốc tế sẽ không “mạo hiểm” với Syria cho đến khi tiến trình chính trị và ổn định tại quốc gia Trung Đông này thực sự có hiệu quả.

“Saudi Arabia sẽ không rót tiền vào một quốc gia bị “kiểm soát” bởi Iran, và Nga thì không có nhiều tiền như vậy”, nhà báo Jihad Yazigi nói.

Một thực tế nữa là, dù bị đánh bại song không có nghĩa là các nhóm khủng bố và phiến quân đối lập biến mất hoàn toàn khỏi Syria và tình hình còn lâu nữa mới ổn định tại quốc gia Trung Đông này sẽ tạo thời cơ để chúng trở lại.

Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống al-Assad dù đang kiểm soát hơn một nửa lãnh thổ Syria, song hầu hết các vùng biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ngoài tầm với của quân đội Syria. Việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân tấn công lực lượng người Kurd tại Afrin, phía Bắc Syria, cũng mở ra một mặt trận mới phức tạp.

Và điều quan trọng hơn cả là, 7 năm chiến sự để lại cho Syria một “di sản độc hại” của chủ nghĩa cực đoan, sự mất lòng tin của người dân và tình trạng nghèo đói cùng cực.

Sau những giờ phút sinh tử kinh hoàng của chiến tranh, những mất mát đau đớn, những ám ảnh kinh hoàng của vũ khí hóa học, người dân Syria có còn dám tin tưởng vào tương lai khi mà hòa bình Syria đến nay vẫn giống như “tia sáng cuối đường hầm”?./.

 

Hoàng Lê/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *