(kontumtv.vn) – Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 21/12 thông qua thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên Hợp Quốc ủng hộ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trước đó cũng tuyên bố:“Nếu Chính phủ đoàn kết dân tộc đưa ra yêu cầu, đặc biệt là sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Libya đã đạt được thỏa thuận an ninh, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triển khai một lượng quân thích hợp đến Libya”.

chien su libya: can cai bat tay hop tac giua nga va tho nhi ky  hinh 1
Chiến sự tại Libya vẫn leo thang căng thẳng. Ảnh: Washington Post.

Tuy nhiên, bước đi này của Thổ Nhĩ Kỳ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar chỉ huy, đang kiểm soát phía Đông và thành phố Benghazi. Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị với việc nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Quân đội quốc gia Libya tuyên bố sẽ bắt giữ hoặc đánh chìm bất kỳ tàu Thổ Nhĩ Kỳ nào cố gắng buôn lậu vũ khí hoặc tiếp tế vũ khí cho Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya. Lực lượng này hôm 21/12 đã bắt giữa một tàu do thủy thủ đoàn người Thổ Nhĩ Kỳ điều khiển.

Sự can dự quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya hiện không chỉ vấp phải sự chỉ trích của Quân đội quốc gia Libya, nhiều quốc gia khác mà còn đẩy nước này vào vào xu thế đối đầu với  Nga. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trong tuần này cảnh báo, nước này sẽ không “im lặng làm ngơ” trước “những lính đánh thuê” được Nga hậu thuẫn, ủng hộ tướng Khalifa Haftar ở Libya. Trong khi đó, Nga cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ triển khai lực lượng quân sự sang Libya.

Trong cuộc họp báo cuối năm, Tổng thống Nga Putin cho rằng, giải pháp tốt nhất là sự thỏa hiệp giữa các bên tại Libya: “Theo quan điểm của tôi, giải pháp tốt nhất đó là tìm ra sự thỏa hiệp giữa hai thế lực đối địch tại Libya. Điều này giúp họ ngừng giao tranh và nhất trí về giải pháp để ổn định đất nước. Tôi tin rằng điều này mang lại lợi ích cho Libya”.

Theo giới quan sát, lí do khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải “căng” với Nga là do lực lượng Chính phủ đoàn kết dân tộc mà Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đang rơi vào thế yếu, có nguy cơ bị đánh bại, buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải đưa quân vào Libya để chi viện lực lượng.

Hiện chưa rõ những cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy mối quan hệ với Nga leo thang đến mức nào, với một số ý kiến đề cập khả năng Nga có thể đưa quân đến quốc gia Bắc Phi này để ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy vậy, giới quan sát nhận định, trong bối cảnh cả Nga và Thổ đều đang có những bất đồng với Mỹ thì việc gia tăng xung đột tại Libya sẽ phá hỏng sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong thời gian gần đây, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, quân sự chính trị.

Cái bắt tay giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya sẽ mang giúp lại lợi ích hơn nhiều, giống như hai bên đã từng thể hiện rất hiệu quả trong việc phân chia ảnh hưởng ở Syria –  một sự hợp tác đã giúp hai nước trở thành người dẫn dắt chính trong cuộc chơi khu vực. Điện Kremlin của Nga cho biết, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Erdogan sẽ thảo luận khả năng triển khai quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya trong các cuộc đối thoại vào tháng 1/2020./.

Phạm Hà/VOV1

 Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *