(kontumtv.vn) – Sự khác biệt trong cách đàm phán đã khiến nhiều con tin của châu Âu được cứu trong khi những con tin của Mỹ lại bị sát hại.

Vụ sát hại James Foley, lời cảnh tỉnh cho Mỹ

Ở một nơi nào đó trong khu vực sa mạc miền Đông Syria, một chiến binh thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq (IS) đã hành quyết nhà báo Mỹ James Foley.

Tên sát nhân này và nhóm IS của hắn phải chịu trách nhiệm về cái chết của nhà báo Foley và chúng phải là đối tượng để chịu sự công kích của nhân dân trên toàn thế giới.

Nhà báo James Foley (Ảnh AP)

Tuy nhiên, việc hành quyết nhà báo Foley cũng được coi là hồi chuông cảnh tỉnh nhằm vào những quan chức châu Âu và Mỹ.

Mặc dù vậy, có rất nhiều bằng chứng cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa cách phản ứng của chính quyền Mỹ và các nước châu Âu trong việc giải cứu các con tin của mình và điều đó đã giúp nhiều con tin châu Âu được an toàn song lại cướp đi sinh mạng của nhiều con tin người Mỹ.

“Tôi đã ước rằng tôi có thể được tự do và gặp lại gia đình mình một lần nữa nhưng quá muộn rồi”, nhà báo Foley nói trước khi anh bị hành quyết trong đoạn video mà nhóm IS đăng tải ngày 19/8.

Nhà báo này còn nói thêm rằng: “Tôi đã ước rằng mình không phải là một người Mỹ”.

Rõ ràng là nhà báo Foley đã buộc phải nói những lời này khi bị dí dao tận cổ, song sự hối tiếc của ông rằng mình là một người Mỹ dù là thật hay không cũng bộc lộ một sự thật rất u ám.

Tiền chuộc mạng, sự khác biệt của Mỹ và châu Âu?

Mùa xuân năm nay, 4 nhà báo Pháp và 2 nhà báo Tây Ban Nha đã bị nhóm IS bắt cóc và được thả tự do ngay sau khi chính quyền Pháp và Tây Ban Nha chịu trả số tiền chuộc họ thông quan trung gian.

Trong khi đó, chính quyền Mỹ lại từ chối đàm phán cũng như trả tiền chuộc mạng cho nhà báo Foley giống như cách họ vẫn hành xử đối với các con tin khác của Mỹ như trường hợp nhà báo David Rohde của Reuters bị Taliban bắt cóc 5 năm trước đây.

Với sự giúp đỡ của một nhà báo người Afghanistan bị bắt cùng mình, nhà báo Rohde đã may mắn trốn thoát.

Nhà báo Steven Sotloff rất có thể phải chịu chung số phận với người đồng nghiệp Foley (Ảnh AP)

Tuy nhiên, nhà báo Foley đã không may mắn như  vậy và nhóm IS đã tuyên bố sẽ xử tử nhà báo Steven Sotloff của tạp chí Time mà nhóm này bắt được nếu Mỹ không chịu ngừng đánh bom Iraq.

Các vụ giải cứu con tin không hề dễ giải quyết một chút nào nhất là khi Mỹ không chấp thuận để các nhóm khủng bố gây áp lực lên chính sách ngoại giao của mình.

Một bài học rõ ràng trong những năm gần đây chính là việc những mối đe dọa về an ninh sẽ được giải quyết hiệu quả hơn nếu Mỹ và châu Âu chịu hợp tác với nhau.

Sự chia rẽ trong các biện pháp mà Mỹ và châu Âu tiếp cận với các vụ bắt cóc con tin đã không khiến những kẻ bắt cóc chùn bước. Thậm chí sự khác biệt này còn trực tiếp gây ảnh hưởng đến số phận của những con tin.

Tháng trước, một cuộc điều tra của tờ New York Times cho thấy al-Qaeda và các chi nhánh của mình đã nhận được số tiền 125 triệu USD cho những con tin mà họ bắt giữ từ năm 2008 chủ yếu là từ chính quyền các nước châu Âu và chỉ trong năm 2014, họ đã nhận được số tiền 66 triệu USD.

“Bắt cóc con tin là việc rất dễ làm và lợi nhuận thu được cũng tương đương với việc buôn bán những đồ quý giá”, Nasser al-Wuhayshi, thủ lĩnh al-Qaeda tại bán đảo Arab viết trong bức thư năm 2012 gửi cho các thủ lĩnh al-Qaeda khác tại Bắc Phi.

Trước công chúng, chính quyền các nước châu Âu thường tuyên bố không chi trả tiền chuộc. Tuy nhiên, một cựu quan chức ngoại giao châu Âu cho biết số tiền chuộc này sẽ được trả thông qua trung gian.

Bắt cóc kiếm tiền, nghề mới của các nhóm phiến quân

Việc bắt cóc tống tiền để gây quỹ cho các nhóm khủng bố đang ngày một phát triển và số tiền chuộc cũng đã tăng lên rất cao. Năm 2003, số tiền chuộc một con tin rơi vào khoảng 200.000 USD. Đến nay con số này đã lên đến hàng triệu USD.

Việc bắt cóc kiếm tiền đã trở nên quá dễ dàng khiến cho thủ lĩnh nhóm al-Qaeda ở Pakistan đã đảm nhận vai trò đàm phán cho các vụ bắt cóc do các chi nhánh của tổ chức này thực hiện. Nhiều nhóm phiến quân tại châu Phi, Trung Đông và Nam Á cũng đã học theo phong cách này của al-Qaeda.

Chính vì thế, nhiều tổ chức viện trợ quốc tế cũng đã quyết định không đưa người Mỹ đến làm việc tại các nơi mà họ có nguy cơ bị bắt cóc cao. Thay vào đó, họ sẽ đưa những công dân châu Âu đến đó bởi chính quyền châu Âu sẵn sàng trả tiền chuộc.

Điều này dẫn đến một thảm kịch là nhiều con tin bị bắt và người nhà của họ sẽ không nhận được thông tin gì trong nhiều tháng trời cho đến khi những kẻ bắt cóc gửi video hoặc email đến gia đình những người bị bắt cóc.

Trong nhiều trường hợp chúng yêu cầu gia đình nạn nhân không được đưa vụ việc ra công chúng và tiền chuộc sẽ được trả cho chúng một cách lặng lẽ.

Gia đình những người bị bắt cóc mất niềm tin vào chính quyền Mỹ

Đây cũng là trường hợp của nhà báo Foley sau 21 tháng bị giam giữ. Trong 16 tháng đầu tiên, gia đình ông không hề có thông tin gì về nơi ông bị bắt cóc.

Họ chỉ có thông tin từ hai nhà báo Tây Ban Nha được nhóm IS thả từ tháng 3 năm nay sau khi nhận được tiền chuộc cho hai nhà báo nói trên rằng nhà báo Foley vẫn an toàn.

Sau đó, những kẻ bắt cóc ông Foley đã gửi email hướng dẫn gia đình ông phải giữ kín việc này và không được chỉ đích danh nhóm IS là những kẻ bắt cóc.

Bố mẹ của nhà báo Foley đau buồn khi nghe tin con mình qua đời (Ảnh AP)

Lo ngại cho tính mạng của ông Foley, gia đình ông đã chấp thuận những gì chúng yêu cầu. Và không chỉ gia đình ông, nhiều gia đình khác cũng đã làm điều tương tự.

Gia đình nhà Foley và nhiều gia đình khác đã rất thất vọng với việc các quan chức Mỹ không thể đàm phán được với những kẻ bắt cóc. Hơn thế nữa, chính quyền Mỹ còn từ chối hợp tác với chính quyền các nước châu Âu trong việc này.

Nhà báo Foley đã từng tin rằng Chính phủ Mỹ sẽ giúp ông. Trong một thông điệp của mình ông Foley đã bày tỏ một niềm tin sắt đá rằng Washington sẽ giúp ông và ông cũng không chấp nhận việc nhiều đồng nghiệp bị bắt cóc như ông mất đi niềm tin vào chính quyền.

Chính vì thế, việc hợp tác để giải quyết các vụ bắt cóc giữa Mỹ và châu Âu là rất cần thiết bởi cách tiếp cận hiện nay của Mỹ đã thất bại và bởi sự hy sinh của nhà báo James Foley không thể là vô ích./.

Trần Khánh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *