(kontumtv.vn) – Theo giới quan sát quyết định của Mỹ chuyển đại sứ quán tới Jerusalem có nguy cơ làm suy yếu mối quan hệ giữa Israel với các cường quốc Arab.

Việc Mỹ chuyển đại sứ quán đến Jerusalem ngày 14/5 đã gây ra làn sóng bạo lực kinh hoàng giữa những người biểu tình Palestine và quân đội Israel tại biên giới Dải Gaza. Theo một số nhà phân tích, quyết định của Mỹ cũng tạo ra phản ứng cứng rắn từ các nước Hồi giáo, đe dọa làm suy yếu mối quan hệ giữa Israel với các cường quốc Arab trong khu vực.

chuyen su quan den jerusalem my day israel doi dau voi the gioi arab hinh 1
Người biểu tình Palestine ở biên giới Israel và Gaza hôm 14/5. Ảnh: AFP.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga Andrei Kortunov cho rằng, quyết định nêu trên của Mỹ là thiếu suy xét và không có hiệu quả. “Điều này có thể gây tức giận với các đồng minh Arab của Mỹ, làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia, dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt hơn từ người Palestine.”

“Tôi cho rằng cả Mỹ và chính phủ Israel – những người ủng hộ quyết định như vậy đã thực hiện hành động sai lầm. Ý nghĩa biểu tượng việc chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem là điều dễ hiểu, với Israel là sự thắng lợi, nhưng nó không dẫn đến đâu ngoài việc làm rối ren và bất ổn tình hình chính trị trong khu vực.”

Theo học giả này, ông Trump đang tìm cách tăng cường vị thế của Đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử quốc hội Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 11/2018 và giành sự ủng hộ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 tới.

Ông cũng nhận định rằng, việc Tổng thống Trump hành xử một cách bất ngờ như vậy không có gì là lạ bởi trước đó nhà lãnh đạo Mỹ cũng từng có nhiều phát ngôn và hành động gây sốc. “Tổng thống Donald Trump không bao giờ bỏ lỡ cơ hội thể hiện bản tính độc lập tự tin, khó đoán và ông luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình”, chuyên gia Andrei Kortunov nói.

Các nước Arab phản đối mạnh mẽ

Hôm 16/5, một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump khánh thành Đại sứ quán mới tại Jerusalem, các đại diện thường trực của Liên đoàn Arab đã tổ chức cuộc họp khẩn tại Ai Cập thảo luận về vấn đề này. Hãng tin MENA dẫn lời người đứng đầu Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit  cho biết “hành động của Mỹ là sự vi phạm luật pháp quốc tế”.

“Cái chết của những người Palestine liên quan đến việc Israel chiếm đóng Jerusalem là hồi chuông báo động với bất cứ quốc gia nào đang hậu thuẫn hành vi sai trái, bất  hợp pháp mà chúng ta đang theo dõi. Việc Mỹ chuyển đại sứ quán tới Jerusalem – phần lãnh thổ bị Israel chiếm đóng là một bước đi sai lầm mà tôi cho rằng Mỹ chưa nhận thức được hậu quả cả trước mắt lẫn lâu dài”, ông Gheit nói.

Người đứng đầu Ủy ban thường trực Liên đoàn Arab phụ trách nhân quyền hôm 15/5 cũng hối thúc Tòa án Hình sự quốc tế khẩn trương điều tra hành vi bạo lực của Israel đối với người Palestine, dẫn chứng việc hàng chục người biểu tình Palestine bị thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh Israel trong bối cảnh Mỹ khánh thành đại sứ quán tại Jerusalem.

Còn theo cơ quan y tế Dải Gaza, vào thời điểm đó đã có 7 người Arab bị thiệt mạng trong cuộc đụng độ với cảnh sát Israel khi cố gắng tấn công hàng rào an ninh Israel dọc biên giới với Dải Gaza.

Mâu thuẫn Arab và Do Thái

Ông Mustafa Alani, một học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Vùng Vịnh cho biết: “Tổng thống Donald Trump có rất nhiều đồng minh thân cận ở Trung Đông, trong đó có cả Israel và Saudi Arabia. Chuyển đại sứ quán tới Jerusalem nghĩa là ông Trump đang nghiêng nhiều về Israel và tạo ra ấn tượng xấu đối với thế giới Arab”.

Lật lại lịch sử có thể thấy rằng Jerusalem là một trong những vấn đề hóc búa nhất chia rẽ giữa người Do Thái và người Arab. Vào năm 1947, Liên Hợp Quốc đã quyết định đặt thành phố này dưới sự kiểm soát quốc tế đặc biệt, chứ không tích hợp vào phần lãnh thổ của Arab hay Do Thái. Tuy nhiên chiến tranh đã nổ ra năm 1948 giữa Israel với các nước Arab gồm Ai Cập, Vương quốc Jordan, Syria, Lebanon và Iraq khi Israel tự tuyên bố độc lập và thành lập nhà nước Do Thái.

Trong cuộc chiến này Israel chiếm được phần phía tây thành phố, trong khi Jordan chiếm giữ phần phía đông. Tiếp đến vào năm 1967, chiến sự lại bùng nổ, và trong cuộc chiến vỏn vẹn 6 ngày với các nước láng giềng Arab, Israel đã chiếm nốt phần phía đông thành phố và sáp nhập hai nửa đông tây vào nhau.

Israel tuyên bố rằng, thành phố sẽ duy trì sự hợp nhất và trở thành thủ đô vĩnh cửu của Israel. Israel liên tục xây dựng các khu định cư bất hợp pháp tại Jerusalem, bất chấp sự phản đổi của cộng đồng quốc tế. Tại thời điểm đó, Mỹ cùng nhiều quốc gia khác từ chối công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và tiếp tục đặt đại sứ quán bên trong hoặc xung quanh thành phố Tel Aviv.

Xung đột Israel và thế giới Arab sẽ diễn ra?

Đã có nhiều cuộc biểu tình nổ ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Morocco cùng nhiều nước Arab khác. Tuy nhiên các cuộc biểu tình này đều diễn ra trong thời gian ngắn và gần như là biểu tình hòa bình. Trên thực tế, phản ứng của các nước láng giềng Arab của Israel thời gian gần đây khá kiềm chế.

Ông H.A. Hellyer, một chuyên gia về chính trị của Arab cho rằng: “Các quốc gia trong khu vực đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian qua như tình trạng bấp bênh về kinh tế, bất ổn chính trị sau làn sóng “Mùa Xuân Arab”, hai cuộc chiến đang diễn ra tại Syria và Yemen. Vì thế tôi không nghĩ họ sẽ tập trung nhiều tiềm lực để phản ứng với diễn biến chính trị mới nhất này.”

Thực tế là thời gian gần đây, một số nước Arab đang lặng lẽ xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Israel. Chẳng hạn Ai Cập đã cho phép Israel tiến hành không kích chống lại các nhóm phiến quân trên bán đảo Sinai. Trong chuyến thăm Mỹ tháng 3 vừa qua Hoàng tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman thì cho rằng đã đến lúc người Palestine ngồi vào bàn đàm phán và thôi phàn nàn về những vấn đề tranh cãi với Israel. Và cũng chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Ngoại trưởng Bahrain cho rằng Israel có quyền tự bảo vệ trước cuộc xâm lược của Iran – một dấu hiệu cho thấy các nước Arab đang lo ngại về mối đe dọa tên lửa và hạt nhân ngày càng gia tăng của Iran.

Tuy nhiên sẽ là sai lầm khi cho rằng xung đột giữa Israel và Palestine vuột khỏi tầm mắt của các nhà lãnh đạo Arab. Quốc vương Saudo Arabia Salman bin Abdulaziz al-Saud đã đặt vấn đề Palestine vào chương trình nghị sự của Hội nghị Liên đoàn Arab vào tháng 4, đồng thời ra tuyên bố lên án quyết định chuyển đại sứ quán của Mỹ tới Jerusalem./.

Hồng Anh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *