(kontumtv.vn) – Trước những mối đe dọa ngày càng hiện hữu của IS, cộng đồng quốc tế đang áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn sự bành chướng của chúng.

Ủy ban đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/2 thông báo sẽ chi bổ sung 1 tỷ Euro trong 2 năm tới để đối phó với mối đe dọa IS cũng như cuộc khủng hoảng tại Syria và Iraq.

Theo Cao ủy về chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini, nguồn vốn này sẽ dùng để tài trợ chiến lược tổng thể bao gồm các biện pháp chính trị, xã hội và nhân đạo cho Syria và Iraq đồng thời cũng cho cả Lebanon, Jordan  và Thổ Nhĩ Kỳ. EU là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho các nạn nhân cuộc khủng hoảng tại Syria với mức chi 3,2 tỷ Euro.

Phiến quân IS phô trương thanh thế (Ảnh Reuters)

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen tuyên bố Đức sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự và dụng cụ cứu thương cho người Kurd ở miền Bắc Iraq trong cuộc chiến chống IS.

Bà Leyen nói: “Đức đã gửi vũ khí đến miền Bắc Iraq và bắt đầu một chương trình đào tạo với các nước châu Âu khác để trang bị cho người Kurd đối phó với IS. Chính phủ liên bang cũng nhất trí đề nghị cung cấp nhiều vũ khí hạng nặng hơn cho Iraq đối phó với IS”.

Số vũ khí Đức dự kiến cung cấp cho người Kurd ở miền Bắc Iraq gồm 500 tên lửa vác vai Milan chống tăng, 200 súng chống tăng cùng 4.000 súng trường G3 và 10.000 lựu đạn cầm tay.

Cũng theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Đức, trước khi chuyển giao số vũ khí trên, Đức cũng sẽ hỗ trợ cho người Kurd thêm một số trang thiết bị quân sự như xe tuần tra chống đạn, dụng cụ cứu thương cùng các loại quần áo chuyên dụng.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuần tới cũng có kế hoạch thông qua một nghị quyết do Nga soạn thảo nhằm ngăn chặn các nguồn tài chính mang các lại lợi nhuận cho IS từ dầu, buôn lậu đồ cổ và đòi tiền chuộc.

Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Mark Lyall Grant cho biết, chưa có nước nào phản đối dự thảo nghị quyết này và các nước đều thể hiện quyết tâm chống IS.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 8 vừa qua cũng đã thông qua một nghị quyết cắt đứt các nguồn hỗ trợ tài chính và dòng tay súng nước ngoài tới Iraq và Syria, cảnh báo các nước có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt nếu họ có buôn bán thương mại với nhóm IS.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, IS kiếm được khoảng 850.000 USD tới 1,6 triệu USD/ngày nhờ việc bán dầu cho các nhà trung gian tư nhân. Tuy nhiên, lợi nhuận từ dầu mà nhóm này thu được cũng bị giảm do các cuộc không kích của liên quân gần đây.

Những biện pháp này được đưa ra sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo liên tục phô trương thanh thế bằng việc giết hại các con tin bị chúng bắt giữ, bao gồm con tin người Nhật Bản, một phi công người Jordan. IS ngày 6/2 cho biết một con tin người Mỹ  đã bị thiệt mạng trong một vụ không kích của Jordan nhằm vào căn cứ của tổ chức này tại Syria.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cho biết, Mỹ bày tỏ lo ngại về tuyên bố con tin người Mỹ bị thiệt mạng trong vụ không kích, nhưng chưa có bằng chứng xác nhận về những thông tin này.

Bà Rice cũng nhắc lại lập trường của Mỹ không nhượng bộ trước chủ nghĩa khủng bố, không trả tiền chuộc để đổi lấy các con tin: “Hiện chúng tôi chưa có bằng chứng cho thấy con tin người Mỹ đã bị giết hại. Mỹ đã có chính sách liên quan đến việc bắt giữ các con tin trên toàn thế giới. Đó là chúng tôi sẽ không nhượng bộ với chủ nghĩa khủng bố và những kẻ bắt giữ con tin. Chúng tôi sẽ không trả tiền chuộc. Mỹ sẽ tuân theo các chính sách này bởi vì chúng tôi thấy rằng khi chúng ta nhượng bộ, chúng sẽ càng lấn tới”.

Theo số liệu của một quan chức quốc phòng Mỹ đưa ra tháng trước, liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu, phối hợp cùng với các tay súng người Kurd đã tiêu diệt được ít nhất 1.500 tay súng IS. IS cũng đã thất bại trong cuộc chiến tại thị trấn chiến lược Kobani ở Syria cũng như một số khu vực phía bắc Iraq./.

Phạm Hà/VOV- Trung tâm TinTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *