(kontumtv.vn) – Tiếng chuông cảnh báo ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá vang lên khắp thế giới.

Trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu đang diễn ra tại thủ đô Paris của Pháp, hôm 30/11, lãnh đạo các tập đoàn giàu có trên thế giới và giới lãnh đạo các nước đã cùng nhau triển khai các sáng kiến nhằm thúc đẩy việc chuyển từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Đây là một trong những sự hợp tác quan trọng nhằm chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Một trong những sáng kiến quan trọng được Tổng thống các nước Mỹ, Pháp, Thủ tướng Ấn Độ và tỷ phú người Mỹ Bill Gates cùng triển khai là “Nhiệm vụ Đổi mới” nhằm cải thiện công nghệ trong sản xuất năng lượng sạch.

cop 21: gioi lanh dao va cac nha dau tu cung thuc day nang luong sach hinh 0
Hàng chục các tổ chức quốc tế kêu gọi nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính (Ảnh CNN).

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng giới doanh nghiệp và các nhà đổi mới đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp chống biến đổi khí hậu. Theo ông, nhiệm vụ chống biến đổi khí hậu cần phải đi kèm với việc sử dụng công nghệ mới. Thế giới sẽ không thể có bước nhảy vọt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nếu chỉ có cam kết của các chính phủ, mà không có sự tham gia đầu tư của lĩnh vực tư nhân. Đó sẽ là nguồn lực để giảm chi phí năng lượng sạch trên toàn thế giới. Sáng kiến “Nhiệm vụ đổi mới” sẽ là một trong những sự hợp tác công – tư quan trọng nhất từ trước tới nay nhằm thúc đẩy đổi mới năng lượng trên toàn cầu.

Tổng thống Obama nói: “Nhiệm vụ đổi mới sẽ giúp mang các nguồn năng lượng sạch và các cơ hội nghề nghiệp mới tới người dân trên toàn thế giới trong hàng chục năm tới. Đó là cách chúng ta sẽ giải quyết thách thức biến đổi khí hậu cùng nhau, và nó cũng là những gì chúng ta đang cố gắng thực hiện tại Paris này”.

Bên cạnh việc công bố sáng kiến mới, Mỹ, Pháp, Ấn Độ và 17 nước khác cũng cam kết tăng gấp đôi số tiền 10 tỷ USD mà họ cùng đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch trong 5 năm tới.

Ngoài sáng kiến “Nhiệm vụ Đổi mới”, tỷ phú Bill Gates, nhà đồng sáng lập hãng Microsoft, đồng thời là nhà hoạt động từ thiện, cũng sẽ triển khai “Liên minh năng lượng đột phá” nhằm đưa những công nghệ mới trong việc sản xuất năng lượng sạch đến thị trường thế giới.

Trong số các thành viên của sáng kiến “Liên minh năng lượng đột phá”, có Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg, Chủ tịch Alibaba Jack Ma, Giám đốc điều hành Amazone Jeff Bezos, giám đốc nghỉ hưu của tập đoàn Tata Ấn Độ, ông Ratan Tata, và tỷ phú người Nam Phi Patrice Motsepe.

Tỷ phú Bill Gates cho biết: “Hai sáng kiến được triển khai ở đây, việc tăng cường các cuộc nghiên cứu của chính phủ hay sự đầu tư của giới tư nhân sẽ giúp chúng ta giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và giảm chi phí năng lượng, giảm đói nghèo. Chúng ta cần hướng tới các nguồn năng lượng rẻ hơn năng lượng hydrô carbon mà chúng ta vẫn đang sử dụng ngày nay. Chúng ta cần các nguồn năng lượng mới không chỉ sạch mà còn phải đáng tin cậy”.

Kể từ năm 2010, tỷ phú Bill Gates đã kêu gọi thế giới tăng gấp đôi hoặc gấp 3 số tiền đầu tư vào nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch để đáp ứng cả những thách thức trong việc cung cấp năng lượng sạch tới hơn 1 tỷ người cũng như giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính về lâu dài.

Những sáng kiến mới về thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch được triển khai trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch, đặc biệt là than đá bị lên án mạnh mẽ vì bị coi là một trong những “thủ phạm” khiến Trái Đất nóng lên. Từ chỗ được ví là nguồn năng lượng thần kỳ hay “vàng đen” giúp châu Âu tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp trong suốt hai thế kỷ, than đá hiện bị xếp vào nguồn năng lượng “bẩn”, góp phần gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tiếng chuông cảnh báo ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá vang lên khắp thế giới. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã yêu cầu chấm dứt trợ cấp tài chính cho ngành khai thác than đá. Dưới sức ép của dư luận và lời đe doạ áp “thuế carbon”, các ngân hàng, các nhà quản lý vốn, các hãng bảo hiểm và hãng công nghiệp đang từ bỏ dần lĩnh vực này./.

Thùy Linh/VOV- Trung tâm TinTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *