(kontumtv.vn) – Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 30/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 78.060 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 221.000 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Selangor, Malaysia,, ngày 14/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Philippines, Lào và Việt Nam. Đông Nam Á tiếp tục là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” đã kéo dài nhiều tháng ở mức đỉnh với số ca mắc mới và ca tử vong nhiều ngày liên tiếp luôn cao nhất khu vực và châu Á. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp túc dấu hiệu chững lại, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh.

Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao, với 222 trường hợp, và ca mắc mới cao nhất khu vực.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 19/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động. Số ca mắc mới liên tiếp lập kỷ lục buồn tại Malaysia và cao nhất toàn khối trong 1 ngày qua.

Ngày 30/8, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Malaysia cũng ở mức đáng ngại với 295 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ ba trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch bệnh. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Samut Prakan, Thái Lan ngày 9/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan cũng là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 30/8 ghi nhận thêm trên 15.972 ca bệnh mới (nhiều thứ hai khu vực), trong khi số ca tử vong là 256 người, ngang mức của mấy ngày trước đó.

So với mấy ngày trước, số ca mắc mới tại Thái Lan dâng dần lùi khỏi mốc 20.000 ca/ngày. So với 1 tuần trước, số ca tử vong mới tại Thái Lan ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.

Campuchia dịch bệnh đang bớt nghiêm trọng và đáng ngại hơn khi nước này chỉ có 408 bệnh nhân mới và 11 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia đang dần đi qua giai đoạn đỉnh hịch và số ca mắc mới cũng như tử vong vì COVID-19 tại nước này đang tiếp đà thuyên giảm. Thủ đô Phnom Penh hiện là điểm dịch nặng nhất của Campuchia. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 12/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Singapore ngày 30/8 cũng ghi nhận tới 155 ca COVID-19 mới, song không có ca tử vong.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 221.818 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.669 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên xấp xỉ 10 triệu ca (ở mức 9.990.200 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 8.684.962 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới (Myanmar không công bố số liệu).

Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 30/8:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 4,079,267 +5,436 132,491 +568 3,743,716
Philippines 1,976,202 +22,366 33,330 +222 1,794,278
Malaysia 1,725,357 +19,268 16,382 +295 1,443,262
Thái Lan 1,190,063 +15,972 11,399 +256 1,002,527
Việt Nam 449,489 +14,224 11,064 +315 228,816
Myanmar 392,300 15,183 311,952
Campuchia 92,616 +408 1,892 +11 88,443
Singapore 67,459 +155 55 66,092
Lào 14,816 +155 14 +2 5,040
Brunei 2,641 +76 8 836
Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 22/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Campuchia kêu gọi cảnh giác với biến thể Delta

Bộ Y tế Campuchia cuối tuần trước thông báo tổng số ca nhiễm biến thể Delta tại nước này đã tăng thêm 218 ca lên 1.752 ca. Trong số hơn 200 ca mới phát hiện có 82 ca tại thủ đô Phnom Penh, số còn lại ghi nhận rải rác ở 22 tỉnh khác.

Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng đã một lần nữa kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác vì biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn các biến thể khác của virus SARS-CoV-2.

Mặc dù số ca nhiễm biến thể Delta tăng nhanh nhưng Campuchia ngày 30/8 tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức thấp, với 408 ca (bao gồm 90 ca nhập cảnh và 318 ca lây nhiễm cộng đồng). Bộ Y tế Campuchia cũng xác nhận có thêm 11 người tử vong. Tính đến ngày 30/8, Campuchia có tổng cộng 92.616 ca mắc COVID-19, trong đó 88.443 người đã khỏi bệnh và 1.892 người tử vong.

Trong bối cảnh Campuchia dần tiến tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng cho người trưởng thành và thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi, nước này đã đặt mua thêm vaccine ngừa COVID-19 để đáp ứng nhu cầu tiêm phòng trong nước. Theo Quốc vụ khanh Bộ Y tế đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Tiêm phòng COVID-19 của Camppuchia, bà Or Vandine, nếu không có gì thay đổi, thêm 2 triệu liều vaccine của Sinovac đặt mua từ Trung Quốc sẽ được chuyển tới Campuchia vào đầu tháng 9 tới, giúp Campuchia đạt mục tiêu tiêm phòng cho 9 triệu dân.

Hiện Campuchia đã nhận hơn 25 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 qua hình thức viện trợ và hợp đồng mua bán.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 23/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan mua thêm vaccine để chuẩn bị mở cửa lại trường học

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo Bộ Y tế nước này mua thêm vaccine ngừa COVID-19 tiêm cho trẻ em từ 12-18 tuổi nhằm chuẩn bị cho việc mở cửa lại trường học một cách an toàn. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchan cho biết dự kiến nước này sẽ mua được 140 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 các loại vào cuối năm nay.

Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) cho biết khoảng 3 triệu người Thái Lan hoàn thành 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 sẽ được tiêm mũi tăng cường thứ 3 từ cuối tháng 9 tới. Theo Cục trưởng DDC Opas Karnkawinpong, mũi vaccine tăng cường sẽ phụ thuộc vào sự sẵn có của nguồn cung tại thời điểm đó.

Tờ Bangkok Post dẫn một nguồn tin của Bộ Y tế Thái Lan cho biết ban đầu vaccine của các hãng AstraZeneca và Pfizer sẽ được dùng để tiêm nhắc lại vì đến thời điểm đó sẽ có đủ nguồn cung từ hai nhà sản xuất này. Trong số 3 triệu người cần tiêm mũi nhắc lại, nhiều người đã được tiêm hai mũi vaccine của Sinovac trước đó ít nhất 3 tháng.

Tính đến ngày 28/8, Thái Lan đã tiêm được tổng cộng 30.679.289 liều vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc, trong đó 22.807.078 liều là mũi tiêm thứ nhất, 7.287.885 liều là mũi tiêm thứ hai và 584.326 là mũi tiêm tăng cường.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *