Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 27/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 171.369.723 ca, trong đó có 3.564.120 người tử vong. Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, trong khi châu Á và Mỹ Latinh hiện là những vùng dịch “nóng nhất”.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 153.885.417 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 13.920.186 ca và 91.749 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 31/5, thế giới có tới 104 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tiếp đà thuyên nhẹ.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng Malaysia khử khuẩn khu vực nghĩa trang ở Semenyih, Selangor, nơi chôn cất thi thể các bệnh nhân COVID-19 ngày 26/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine và hộ chiếu vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới.

Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 với 34.048.258 ca, trong đó có 609.767 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 28.173.655 ca và 331.909 ca tử vong. Đáng chú ý, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này ghi nhận 126.698 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức thấp nhất trong 50 ngày trở lại đây. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính tiếp tục ở mức dưới 10% trong ngày thứ 7 liên tiếp. Đứng thứ ba là Brazil khi nước này ghi nhận 16.545.554 ca mắc và 462.792 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc diễn biến phức tạp khi chứng kiến sự tái bùng phát. Thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông (miền Nam Trung Quốc) đang phải nỗ lực ngăn chặn biến thể virus SAR-CoV-2 từ Ấn Độ. Đợt tái bùng phát dịch COVID-19 lần này tại Quảng Châu, nơi ghi nhận 90% lượng khách quốc tế đến Trung Quốc mỗi ngày, bắt đầu vào ngày 21/5, đến nay đã lan rộng ra ngoài tỉnh đến các thành phố lân cận là Phật Sơn và Mậu Minh.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil ngày 29/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 30/5, cơ quan y tế tỉnh  ghi nhận 21 ca lây nhiễm tại địa phương không có triệu chứng. Kết quả giải mã trình tự gene cho thấy toàn bộ các bệnh nhân đều nhiễm biến thể virus ở Ấn Độ. Theo thông báo mới nhất của cơ quan y tế Quảng Châu, bắt đầu từ 22 tối 31/5, hành khách rời Quảng Châu phải xuất trình kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ. Những nơi có người nhiễm bệnh đã được yêu cầu dừng tất cả các hoạt động không cần thiết.

Nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong vòng 3 tháng tới, chiều 31/5, Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo triển khai chương trình “Phần thưởng vaccine”, theo đó công chức và viên chức nhà nước được nghỉ phép 1 ngày sau mỗi mũi tiêm song vẫn được hưởng lương. Quyết định này được thực hiện từ ngày 1/6-31/8. Những người đã tiêm phòng trước và trong ngày 31/5 sẽ được nghỉ bổ sung trước cuối tháng 3/2022.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer (Mỹ) cho nhóm trẻ từ 12-15 tuổi. Như vậy, đây là loại vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng với trẻ em ở Nhật Bản. Tuy nhiên, nhóm trẻ từ 12-15 sẽ không được tiêm ngay vì Nhật Bản vẫn đang trong quá trình tiêm cho các nhân viên y tế và những người trên 65 tuổi.

Chú thích ảnh
Một bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Colombo, Sri Lanka. Ảnh: THX/TTXVN

Ngầy 31/5, nhà chức trách Nhật Bản thông báo nước này có kế hoạch áp qui định cách ly 6 ngày đối với những hành khách tới từ Việt Nam và Malaysia, trong nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 tại quốc gia Đông Bắc Á này.

Hãng thông tấn Kyodo dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết Nhật Bản dự kiến siết chặt việc kiểm soát nhập cảnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của các chủng virus SARS-CoV-2, theo ddos yêu cầu hành khách từ Việt Nam và Malaysia phải ở trong các cơ sở do Chính phủ Nhật Bản bố trí trong vòng 6 ngày sau khi tới nước này.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ áp dụng qui định cách ly 10 ngày trong các cơ sở của chính phủ đối với hành khách tới từ Afghanistan và 3 ngày đối với những người tới từ Thái Lan và một số tiểu bang của Mỹ.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ trên đường phố khi xuất hiện các ca nhiễm dịch COVID-19 ở Melbourne, Australia, ngày 28/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tương tự, Pháp đã quyết định mở rộng đối tượng được tiêm phòng COVID-19 tại quốc gia này, theo đó tất cả người trưởng thành đều được tiêm vaccine. Như vậy, Pháp đã có động thái này sớm hơn Đức một tuần, trong bối cảnh châu Âu đang chạy đua tiêm vaccine để tránh làn sóng lây nhiễm mới do xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Tại Anh, hai nhà khoa học cố vấn cho Chính phủ Anh đã lên tiếng cảnh báo không nên dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 hiện hành vào ngày 21/6 tới vì lo ngại nguy cơ gia tăng số ca mắc do biến thể mới B.1.617.2 có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Trả lời phóng vấn chương trình BBC Radio 4’s Today ngày 31/5, Giáo sư Ravi Gupta, một thành viên của Nhóm tư vấn về các mối đe dọa virus hô hấp mới và mới nổi (NERVTAG), cho biết đã có “sự gia tăng theo cấp số nhân về số ca mới” do biến thể mới gây ra. Ông đồng thời hối thúc chính phủ lùi thời gian mở cửa trở lại vào tháng 6 tới sau “một vài tuần”. Ông Gupta nhấn mạnh tất cả các làn sóng lây nhiễm đều bắt đầu với số ca nhiễm thấp, song vẫn duy trì sự lây lan tương đối trong cộng đồng và sau đó bùng phát. Do vậy, theo ông, những gì nước này đang chứng kiến là dấu hiệu sớm của một làn sóng dịch.

Với 75% ca mới hiện nay liên quan đến biến thể B.1.617.2, Giáo sư Gupta lập luận rằng cần có thêm dữ liệu trước khi dỡ bỏ các hạn chế khác. Theo lộ trình của Chính phủ Anh, tất cả các hạn chế pháp lý về tiếp xúc xã hội sẽ được dỡ bỏ kể từ ngày 21/6.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Paris, Pháp, ngày 29/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, Giáo sư Adam Finn, thành viên của Ủy ban hỗn hợp về hiêm chủng và miễn dịch, cũng kêu gọi giới chức Anh thận trọng trong việc dỡ bỏ các hạn chế. Ông cho rằng những gì cần làm là hiểu rõ diễn biến dịch bệnh và điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp. Giáo sư Adam Finn cũng cảnh báo giới chức trách tránh lặp lại sai lầm trong việc phòng chống dịch và hậu quả là dịch bệnh tái bùng phát rồi kết thúc với làn sóng lây nhiễm lớn.

Nước Anh đang đẩy nhanh chương tiêm chủng đầy đủ cả hai mũi vaccine cho tất cả những người trên 50 tuổi trước thời điểm mở cửa trở lại khi rút ngắn khoảng cách tiêm giữa hai mũi xuống dưới 8 tuần so với từ 8-12 tuần như hiện nay. Việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng này được triển khai khi dữ liệu từ Cơ quan Y tế Anh cho thấy nhóm độ tuổi trên 50 cần tiêm đủ hai liều vaccine phòng COVID-19 để đảm bảo hiệu quả chống lại biến thể B.1.617.2.

Bộ trưởng Môi trường George Eustice cho biết quyết định cuối cùng về việc dỡ bỏ theo kế hoạch sẽ được công bố rộng rãi vào ngày 14/6. Nhóm nghiên cứu mô hình khoa học về COVID-19 của Chính phủ Anh dự kiến trình bày dữ liệu bổ sung vào cuối tuần này, nêu rõ tác động của việc dỡ bỏ các hạn chế đối với số ca lây nhiễm.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 17/2/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 31/5, Ủy viên phụ trách y tế của Liên minh châu Âu (EU) Stella Kyriakides cho biết Ủy ban châu Âu đã cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Trên mạng xã hội Twitter, bà Kyriakides nêu rõ: “Hiện các nước thành viên có thể lựa chọn mở rộng chương trình tiêm chủng cho người trẻ tuổi”.

Thông báo trên được đưa ra 3 ngày sau khi Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) “bật đèn xanh” cho việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 đối với thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên, cho rằng lợi ích của việc tiêm vaccine vượt trội so với những rủi ro.

Cùng ngày 31/5, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Italy (Aifa) cũng đã cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-15 tuổi. Tuần trước, Đức cũng tuyên bố muốn tiêm chủng cho tất cả người dân từ 12 tuổi trở lên trước cuối mùa Hè này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 26/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Đan Mạch đã yêu cầu giới chức y tế nước này xem xét lại quyết định đưa ra trong tháng 5 về việc loại vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Johnson & Johnson (J&J) ra khỏi chương trình tiêm chủng quốc gia.

Theo đài truyền hình TV2 và báo Ekstra Bladet của Đan Mạch, chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của nước này sẽ kết thúc vào tháng 9, muộn hơn 2 tuần theo lịch trình hiện nay. Sự chậm trễ này là do hãng dược Moderna cung cấp ít liều vaccine hơn dự kiến.

Đan Mạch là nước đầu tiên loại vaccine J&J ra khỏi chương trình tiêm chủng do lo ngại nguy cơ tiềm ẩn về chứng đông máu hiếm gặp nhưng nguy hiểm. Quốc gia Bắc Âu này cũng đã ngừng sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca với những quan ngại tương tự.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Malaysia tuần tra khu vực đang bị phong tỏa do xuất hiện các ca bệnh COVID-19 ở Cheras, ngoại ô Kuala Lumpur ngày 28/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 31/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 25.739 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 78.900 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Lào và Myanmar.

Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ ba.

Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao thứ hai trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong cũng đứng thứ hai toàn khối.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 trên tàu điện ngầm tại Singapore ngày 14/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua.

Ngày 31/5, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ hai khu vực, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 67 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc, một bước đi hết sức cứng rắn và khó khăn.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 58 ca bệnh mới và có 1 trường hợp tử vong.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 31/5 ghi nhận thêm trên 5.485 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 19 người.

Chú thích ảnh
Binh sĩ quân đội Campuchia hướng dẫn người dân giữ khoảng cách phòng lây nhiễm COVID-19 tại một điểm tiêm chủng ở Phnom Penh. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 690 bệnh nhân mới và 5 ca tử vong trong ngày cuối cùng của tháng 5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 78.904 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 373 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.036.396 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.648.113 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *