Chú thích ảnh
Trong ảnh: Bố trí giường bệnh bên trong một bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 11/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 12/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 136.608.633 ca, trong đó có 2.948.549 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 109.794.394 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 23.865.690 ca và 102.833 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 11/4, thế giới có tới 122 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 103 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Madhya Pradesh, Ấn Độ ngày 10/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch bệnh đang diễn biến nghiêm trọng tại Ấn Độ, theo đó nước này ngày 11/4 ghi nhận 152.879 ca nhiễm mới, mức cao chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu đại dịch. Số ca tử vong ghi nhận cùng ngày cũng ở mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua, với 839 ca.

Riêng thủ đô New Delhi đang chứng kiến làn sóng dịch thứ 4, khi số ca nhiễm mới lên tới 10.732 ca, so với tháng trước mỗi ngày chỉ ghi nhận chưa đến 200 ca nhiễm mới. Đề cập phương án phong tỏa để ngăn chặn dịch, Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal kêu gọi người dân tiêm chủng phòng dịch và tuân thủ các quy định phòng chống dịch như đeo khầu trang, rửa tay thường xuyên, tránh ra khỏi nhà nếu không cần thiết.

Tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ đến nay là 13.358.805 ca, đứng thứ 3 thế giới, sau Mỹ (31.869.996 ca) và Brazil (13.445.006 ca). Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Ấn Độ là 169.305 ca.

Xét theo khu vực, châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 41,5 triệu ca nhiễm và hơn 950.400 ca tử vong, Bắc Mỹ đứng thứ hai với hơn 36,7 triệu ca nhiễm và hơn 835.100 ca tử vong. Châu Á đứng thứ ba với hơn 30,9 triệu ca nhiễm và hơn 447.200 ca tử vong. Nam Mỹ hiện ghi nhận 22,4 triệu ca nhiễm, châu Phi có 4,3 triệu ca và châu Đại Dương có hơn 59.000 ca.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 10/4/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Cũng tại châu Á, ngày 11/4, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia cảnh báo nước này đang bên bờ vực thảm kịch quốc gia do dịch COVID-19, khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng như số ca tử vong bất ngờ tăng cao. Đại diện WHO tại Campuchia, bà Li Ailan cảnh báo nếu nước này không chặn đứng được đợt bùng phát đang diễn ra thì toàn bộ hệ thống y tế có nguy cơ bị nhấn chìm, gây ra những hậu quả thảm khốc.

Cùng ngày, Chính phủ Campuchia đã ban hành sắc lệnh 8 điều về tiêm chủng bắt buộc đối với các quan chức chính phủ và lực lượng vũ trang, cảnh báo những trường hợp trốn tiêm chủng sẽ bị kỷ luật. Tuy nhiên, sắc lệnh không áp dụng với những cá nhân không thể tiêm chủng vì lý do sức khỏe, nhưng phải có giấy chứng nhận của cơ quan y tế.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Truyền thông Trung Quốc đưa tin Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Trung Quốc (CDC), ông Cao Phúc (Gao Fu) cho biết nước này đang chính thức cân nhắc kết hợp các loại vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để tăng hiệu quả phòng ngừa của vaccine.

Báo điện tử the Paper dẫn phát biểu của ông Cao Phúc ngày 10/4 cho biết nhà chức trách phải “cân nhắc các cách giải quyết vấn đề hiệu quả vì các vaccine hiện có chưa cao”, theo đó, “đang cân nhắc tiêm chủng sử dụng các loại vaccine với các công nghệ khác nhau”. Ông cho biết thêm rằng các bước nhằm “tối ưu hóa” quy trình vaccine như thay đổi số liều và thời gian giãn cách giữa các liều tiêm là một giải pháp đối với vấn đề hiệu quả.

Trung Quốc đã bào chế 4 vaccine ngừa COVID-19, đều đã được phê chuẩn sử dụng đại trà trong nước. Một quan chức cho biết nước này dự kiến sản xuất 3 tỷ liều vaccine từ nay đến cuối năm. Một loại vaccine do hãng Sinovac bào chế được ghi nhận hiệu quả trên 50% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Brazil. Một nghiên cứu khác tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy hiệu quả tới 83,5%. Hiện chưa có số liệu chi tiết về hiệu quả của 2 loại vaccine do hãng Sinopharm sản xuất, tuy nhiên hãng này cho biết 2 loại vaccine có hiệu quả 79,4% và 72,5% dựa trên các kết quả sơ bộ.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kyoto, Nhật Bản, ngày 9/4/2021. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Tại châu Âu, hiện Pháp đã vượt Nga trở thành nước bị ảnh hưởng nhiều nhất với tổng cộng hơn 5 triệu ca nhiễm. Tuy nhiên, Anh là nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (127.080 ca). Nga và Anh đều đã ghi nhận hơn 4,3 triệu ca nhiễm, trong khi Italy và Tây Ban Nha đã có hơn 3,3 triệu ca. Các nước Đức và Ba Lan đã có hơn 2,5 triệu ca nhiễm.

Tình hình dịch bệnh tại Anh đã được cải thiện nhờ chiến dịch tiêm phòng thành công, theo đó các cửa hàng không thiết yếu như hiệu cắt tóc, cửa hàng bia và trung tâm thể hình sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 12/4, lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021.

Tại châu Mỹ, ngoài Mỹ và Brazil đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong, Colombia và Argentina đã ghi nhận hơn 2,5 triệu ca nhiễm, Mexico có 2,2 triệu ca, trong khi số ca nhiễm tại Canada đã vượt qua ngưỡng 1triệu ca. Đến nay, Canada ghi nhận tổng cộng 30.108 ca nhiễm 3 biến thể của virus SARS-CoV-2 và sự lây lan của các biến thể này được cho là nguyên nhân khiến làn sóng dịch bệnh thứ 3 tại Canada đang có chiều hướng nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Toronto, Ontario, Canada, ngày 8/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Các số liệu cho thấy số ca nhiễm các biến thể của SARS-CoV-2 tại Canada đã tăng vọt trong vài tuần gần đây, từ mức 2.000 ca 1 tháng trước đây. Giám đốc Ytế công cộng Canada, bà Theresa Tam bày tỏ lo ngại về biến thể phát hiện đầu tiên tại Brazil có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19. Bà nhấn mạnh kiểm soát sự lây lan của biến thể này là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 11/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 18.698 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 62.200 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Campuchia và Malaysia.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cao nhất khu vực. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng dịch bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với mấy ngày trước.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao gấp nhiều lần “tâm dịch” Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong lại tăng mạnh trở lại so với các ngày trước. Tình hình dịch bệnh tại Philippines đang nóng nhất khu vực ASEAN.

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua chỉ ghi nhận 4 ca mắc bệnh mới. Diễn biến dịch tại nước này đã bớt nghiêm trọng đi nhiều.

Thái Lan dù đã qua những ngày “nóng nhất” song số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 11/4 ghi nhận thêm 967 ca bệnh mới.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho quan cức Bộ Thông tin tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 157 bệnh nhân mới trong ngày 11/4. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 62.205 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 299 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.036.721 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.687.530 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Brunei và Timor Leste không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh.

Chú thích ảnh
 Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn hãng dược phẩm Pfizer Christina Antoniou xác nhận Pfizer dự kiến “trong vài tuần tới” sẽ gửi các tài liệu cần thiết tới Bộ Y tế Canada để xin phê duyệt vaccine COVID-19 sử dụng cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-15.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh chưa có vaccine COVID-19 nào được chấp thuận sử dụng cho trẻ dưới 16 tuổi ở Canada. Hồi tháng trước, Tiến sĩ Supriya Sharma – cố vấn Bộ Y tế Canada, cho biết “có khả năng” vaccine của Pfizer, “nếu tất cả dữ liệu đều ổn”, trở thành vaccine đầu tiên được chấp thuận sử dụng cho trẻ em ở Canada. Tiến sĩ Sharma khẳng định Bộ Y tế Canada sẽ xem xét mọi dữ liệu “để đảm bảo rằng vaccine an toàn, hiệu quả và tất nhiên, có chất lượng cao và có thể được sử dụng cho trẻ em”.

Hồi cuối tuần qua, Pfizer và đối tác Đức BioNTech cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng tại Mỹ mở rộng đối tượng sử dụng vaccine COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi 12-15.

Tháng trước, Pfizer và BioNTech đều khẳng định vaccine COVID-19 của hãng được chứng minh là an toàn, hiệu quả và tạo phản ứng kháng thể mạnh mẽ ở trẻ em trong thử nghiệm lâm sàng với sự tham gia của hơn 2.200 em trong độ tuổi 12-15. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Pfizer, ông Albert Bourla bày tỏ hy vọng việc tiêm chủng cho nhóm tuổi này có thể bắt đầu trước năm học mới.Hồi trung tuần tháng 12/2020, vaccine COVID-19 do Pfizer-BioNTech SE đồng phát triển đã trở thành vaccine đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Canada, nhưng chỉ được sử dụng cho người từ 16 tuổi trở lên. Theo Bộ Y tế Canada, “tính an toàn và hiệu quả của vaccine ở người dưới 16 tuổi vẫn chưa được thiết lập”.

Tính đến ngày 9/4, hơn 181.000 ca mắc COVID-19 tại Canada là từ 19 tuổi trở xuống. Điều đó có nghĩa là khoảng 17,7% tổng số ca mắc ở quốc gia Bắc Mỹ là trẻ em và thanh thiếu niên. Tiến sĩ Zain Chagla, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Đại học McMaster ở Hamilton, cho biết tiêm chủng cho nhóm tuổi này sẽ có ý nghĩa “cực kỳ quan trọng” trong những tháng tới, để các trường trung học an toàn hơn khi mở cửa trở lại.

Trên phạm vi toàn quốc, Canada đã có hơn 1.058.000 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 23.300 người đã tử vong. Tính đến ngày 7/4, đã có 6,5 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech đã được phân phối trên toàn Canada.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *