Chú thích ảnh
Cảnh sát bắt giữ người không đeo khẩu trang, vi phạm các biện pháp phòng dịch COVID-19 tại Colombo, Sri Lanka. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 162.500.071 ca, trong đó có 3.370.351 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 141.438.622 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 17.691.098 ca và 103.635 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 14/5, thế giới có tới 116 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 95 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Dayton, Ohio, Mỹ, ngày 10/2/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine và hộ chiếu vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 599.254 ca tử vong trong tổng số 33.656.955 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 24.372.243 và 266.229 ca tử vong. Dựa trên tất cả các chỉ số về dịch COVID-19 trong hai tuần qua, giới phân tích cho rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai tại quốc gia Nam Á này có thể đã đạt đỉnh hoặc sẽ đạt đỉnh trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đồng thời cảnh báo phải mất rất nhiều thời gian nữa làn sóng này mới có thể kết thúc. Nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh, Ấn Độ đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga cho người dân. Theo Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), việc tiêm vaccine Sputnik V bắt đầu được triển khai tại thành phố Hyderabad, đánh dấu đây là loại “vaccine đầu tiên do nước ngoài sản xuất được sử dụng tại Ấn Độ”.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hokkaido, Nhật Bản ngày 14/5/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tại Đông Bắc Á, dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Ngày 14/5, Thủ tướng Suga Yoshihide thông báo Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa thêm 3 tỉnh vào phạm vi áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19.

Như vậy, Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành. Lệnh tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 này sẽ có hiệu lực tới ngày 31/5. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch COVID-19 sẽ sớm lắng dịu dù chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp khá quyết liệt, trong khi Olympic Tokyo đang cận kề.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng của Nhật Bản là Hàn Quốc cũng thông báo ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại nước này tiếp tục vượt mốc 700 ca trong ngày thứ hai liên tiếp. Cụ thể, Hàn Quốc đã có thêm 747 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 729 ca lây nhiễm cộng đồng. Tổng số ca mắc trong cả nước hiện lên mức 130.380 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 20/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong tuần này, khi cao hơn mốc 715 ca ghi nhận hôm 13/5, 635 ca hôm 12/5 hay mốc 463 ca hôm 10/5. Số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Hàn Quốc tăng trong bối cảnh chương trình tiêm chủng vaccine của nước này không ghi nhận nhiều tiến triển do khan hiếm nguồn cung. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng đã gia hạn thêm một tháng đối với khuyến cáo đặc biệt về việc ra nước ngoài, đến ngày 15/6 tới và còn có khả năng sẽ tiếp tục được gia hạn.

Tình hình dịch bệnh cũng đang diễn biến nghiêm trọng tại Đài Loan (Trung Quốc). Trong 24 giờ qua, hòn đảo này ghi nhận 29 ca lây nhiễm trong cộng đồng – mức cao nhất từ trước tới nay. Trong số các ca mắc mới, có 16 ca liên quan đến ổ dịch ở phòng trà tại Đài Bắc (Taipei). Chính quyền thành phố này đã quyết định đóng cửa các địa điểm giải trí nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, trong đó có các quán bar, vũ trường, karaoke, câu lạc bộ đêm, phòng tắm hơi và quán cà phê Internet, phòng trà cũng như thư viện và trung tâm thể thao, từ ngày 15/5.

Giới chức Đài Bắc khuyến cáo người dân không hoảng loạn, một lần nữa nâng cao tinh thần cảnh giác trước dịch bệnh. Không chỉ Đài Bắc, chính quyền thành phố Đào Viên (Taoyuan), phía Bắc hòn đảo, cũng đã quyết định đóng cửa nhiều địa điểm giải trí trong khoảng thời gian 15/5 – 8/6. Đài Loan đã nâng mức cảnh báo dịch COVID-19, cấm tụ tập đông người từ đầu tuần, sau các ổ dịch lớn ghi nhận tại Đài Bắc và nhiều thành phố khác.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 14/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trung Quốc đại lục cũng đã lần đầu tiên ghi nhận các ca lây nhiễm cộng đồng kể từ ngày 20/4. Cụ thể, theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), Trung Quốc đại lục đã ghi nhận hai ca lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh An Huy (Anhui), miền Đông nước này. Ngay sau khi xác định có ca bệnh trong cộng đồng, nhà chức trách địa phương đã nâng cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19 tại đây từ mức thấp lên mức trung bình, bắt đầu từ ngày 14/5.

Nhờ thúc đẩy việc triển khai chiến dịch tiêm chủng, tình hình dịch bệnh tại nhiều nước châu Âu cũng đã có chiều hướng lắng dịu. Tại Đức, tỷ lệ mắc mới COVID-19 trong 7 ngày qua đã giảm xuống dưới ngưỡng 100 ca/100.000 người. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu tháng 3 vừa qua tỷ lệ mắc mới trong 7 ngày tại Đức giảm xuống dưới ngưỡng này.

Tỷ lệ mắc mới 100 ca/100.000 người là ngưỡng để nhà chức trách Đức áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, bao gồm giới nghiêm ban đêm và hạn chế tụ tập đông người, cũng như đóng cửa toàn bộ hàng quán. Nếu tỷ lệ liên tục giảm xuống dưới ngưỡng này, các biện pháp hạn chế có thể được nới lỏng.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Poznan, Ba Lan. Ảnh: PAP/TTXVN

Tình hình dịch bệnh ghi nhận tín hiệu tích cực đã giúp nhiều nước tại châu Âu nới lỏng các biện pháp phòng dịch và mở cửa đón du khách trở lại. Theo đó, từ ngày 16/5 tới, Chính phủ Italy sẽ bỏ yêu cầu cách ly đối với những hành khách đến từ Liên minh châu Âu (EU), Anh và Israel có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính. Bồ Đào Nha cũng sẽ cho phép du khách từ Anh nhập cảnh nước này từ ngày 17/5.

Cho đến nay, EU vẫn cấm đi lại không cần thiết đối với các nước ở ngoài khối, do đó, quyết định trên của Italy hay Bồ Đào Nha được coi là một ngoại lệ. Cùng ngày, Slovakia đã dỡ bỏ lệnh tình trạng tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, Thủ tướng Eduard Heger khẳng định cuộc chiến với dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, do đó, người dân cần tiếp tục cảnh giác. Ông nhấn mạnh vaccine vẫn là công cụ quan trọng để đưa thế giới vượt qua đại dịch COVID-19.

Ngày 14/5, các nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ liên bang ETH Zurich của Thụy Sĩ đã phát hiện ra một điểm yếu quan trọng của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Đó là sự nhân lên của virus trong các tế bào bị nhiễm bệnh có thể giảm đáng kể nếu quá trình sản xuất protein quan trọng của nó bị gián đoạn.

Chú thích ảnh
Hỏa táng thi thể bệnh nhân COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Khám phá này, được các nhà khoa học mô tả là “gót chân Achilles của virus SARS-CoV-2”, có thể dẫn đến việc phát triển các loại thuốc kháng virus mà cũng có thể điều trị các loại virus corona có liên quan.

Điểm kỳ diệu xuất phát từ “chuyển đổi khung”. Trong quá trình đọc từng bước bản thiết kế từ axit ribonucleic (phân tử polyme cơ bản có nhiều vai trò sinh học trong mã hóa, dịch mã, điều hòa, và biểu hiện của gene – RNA), ribosome (bộ máy sản xuất protein của chính tế bào) đôi khi “đếm sai” và bỏ qua các chữ cái. Điều này hiếm khi xảy ra ở các tế bào khỏe mạnh vì trình tự được đọc và sao chép không chính xác dẫn đến các protein bị rối loạn chức năng.

Tuy nhiên, một số loại virus như virus corona hoặc HIV dựa vào sự thay đổi như vậy trong khung đọc để điều chỉnh việc sản xuất protein của chúng. Tuyên bố của nhóm nghiên cứu ngày 13/5 cho rằng virus SARS-CoV-2 tạo sự chuyển đổi khung bằng cách gấp RNA của nó theo một cách bất thường và phức tạp.

Do dịch chuyển khung là điều cần thiết đối với virus nhưng nó hầu như không bao giờ xảy ra trong cơ thể chúng ta, bất kỳ hợp chất nào ức chế chuyển đổi khung bằng cách nhắm mục tiêu vào nếp gấp RNA này có thể hữu ích như một loại thuốc chống lại sự lây nhiễm.

Cho đến nay, vẫn còn thiếu thông tin chính xác về sự tương tác của RNA với ribosome của tế bào chủ bị nhiễm bệnh trong quá trình chuyển đổi khung. Nhưng các nhà nghiên cứu tại ETH Zurich và các trường Đại học Bern, Lausanne và Cork (Ireland) hiện đã thành công trong việc quan sát quá trình này.

Sử dụng các thí nghiệm sinh hóa phức tạp, họ có thể nắm bắt được ribosome tại vị trí chuyển khung của RNA SARS-CoV-2. Sau đó, các nhà khoa học có thể kiểm tra phức hợp phân tử này bằng cách sử dụng kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines, ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng các nước cần thận trọng khi dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, theo đó cần phải xem xét dựa trên tình hình dịch tễ ở trong nước.

WHO đưa ra khuyến cáo trên trong bối cảnh trước đó một ngày, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ thông báo hướng dẫn liên bang mới, trong đó nêu rõ những người đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và sau hai tuần của mũi tiêm phòng bắt buộc thứ hai sẽ không cần phải đeo khẩu trang ở trong nhà hoặc bên ngoài cũng như không cần phải thực hiện giữ khoảng cách vật lý.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước giàu xem xét lại kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, thay vào đó cung cấp vaccine cho cơ chế vaccine toàn cầu COVAX để chia sẻ cho các nước nghèo. Ông đồng thời cảnh báo đại dịch COVID-19 trong năm thứ hai bùng phát có thể sẽ nghiêm trọng hơn năm đầu tiên với số ca tử vong cao hơn, trong đó Ấn Độ là một mối quan ngại lớn.

Chú thích ảnh
Vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga. IRNA/TTXVN

Trên thực tế, vaccine đã phát huy hiệu quả như một “vũ khí” lợi hại trong cuộc chiến chống COVID-19. Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) cho biết việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại xứ England đã giúp ngăn chặn gần 12.000 ca tử vong và hơn 30.000 ca nhập viện ở người cao tuổi.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 16.349 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 72.580 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia và Malaysia.

Dù Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ASEAN, song tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn có số ca tử vong cao thứ hai Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ ba.

Chú thích ảnh
Người dân nhận thực phẩm cứu trợ của chính quyền địa phương tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 11/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong cũng dẫn đầu toàn khối.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức cao với 34 trường hợp không qua khỏi. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 31 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong nào.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 14/5 ghi nhận thêm 2.256 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong tăng mạnh lên 30 người.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 ra viện sau khi được điều trị khỏi tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 9/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 358 bệnh nhân mới và 5 ca tử vong trong ngày 14/5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 72.589 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 314 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.659.456 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.333.640 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/11 nước ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *