(kontumtv.vn) – Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 593.252 trường hợp mắc COVID-19 và 11.178 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 69,1 triệu người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Riga, Latvia, ngày 4/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 10/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 69.162.610 ca, trong đó có 1.573.707 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 47.928.158 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 19.671.236 ca và 106.169 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 9/12, thế giới có tới 145 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh.

Chú thích ảnh
Quang cảnh bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 9/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.

Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19, với tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 15.782.424 triệu ca và 295.861 ca. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 9.762.326 ca mắc COVID-19 và 141.735 ca tử vong, tiếp đến là Brazil với 6.728.452 ca mắc và 178.995 ca tử vong.

Trong 1 ngày qua, Mỹ chứng kiến những kỷ lục buồn khi số ca bệnh mới tại nước này liên tiếp trong vòng 1 tuần luôn ở mức xấp xỉ 200.000 ca, trong khi số ca tử vong/ngày cũng duy trì ở ngưỡng trên 2.000.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh, ngày 4/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại châu Âu, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ Bỉ quy định từ ngày 18/12, tất cả những người nhập cảnh phải khai báo y tế bắt buộc. Đặc biệt, những người đã ở “vùng đỏ” trên 48 giờ khi vào Bỉ phải tự cách ly trong 10 ngày và phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào ngày cách ly thứ 7.

Tại Hà Lan, tình hình dịch COVID-19 cũng đang nóng lên, buộc chính phủ nước này phải kéo dài các hạn chế xã hội đến hết dịp nghỉ lễ cuối năm. Theo đó, Hà Lan gia hạn thêm một tháng (đến ngày 15/1/2021) lệnh cấm các gia đình tiếp trên 3 khách là người lớn đến chơi nhà, trong khi các nhà hàng và quán bar vẫn phải đóng cửa.

Trong khi đó, Thụy Điển cũng quyết định gia hạn lệnh cấm tụ tập trên 8 người ở nơi công cộng đến hết dịp lễ Giáng sinh và Năm mới.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 27/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc trong dịp Giáng sinh để kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả. Bên cạnh đó, bà cũng đề nghị Quốc hội Đức xem xét việc phong tỏa trên diện rộng sau Giáng sinh, ủng hộ việc đóng cửa các trường học và cửa hàng đến hết ngày 10/1/2021.

Các cơ quan y tế Đức sáng 9/12 cho biết trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 20.815 ca nhiễm mới và 590 ca tử vong do COVID-19, con số tử vong cao nhất theo ngày kể từ đầu dịch. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến thời điểm này, Đức có tổng cộng hơn 1,2 triệu ca nhiễm và 20.259 ca tử vong do COVID-19.

Cùng ngày, Cố vấn Thủ tướng Moldova, ông Boris Harea thông báo Thủ tướng Ion Chicu đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong thời gian này, Thủ tướng Chicu sẽ điều hành chính phủ từ xa.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 3/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 9/12, chuyến bay thử nghiệm COVID-19 đầu tiên khởi hành từ thành phố New York (Mỹ) đã tới tới Rome (Italy). Đây là sáng kiến được đưa ra nhằm mở cửa trở lại các tuyến đường hàng không giữa châu Âu và Mỹ hiện đang bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Toàn bộ 100 hành khách có mặt trên chuyến thăm thử nghiệm này đều phải xuất trình giấy xét nghiệm có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 trong 48 giờ trước khi lên chuyến bay của hãng Alitalia tại sân bay John F.Kennedy và số hành khách này tiếp tục thực hiện 1 cuộc xét nghiệm khác khi tới sân bay Fiumicino ở thủ đô Rome.

Theo hãng tin AGI, điều này cho phép các hành khách không phải thực hiện quy định cách ly 14 ngày giống với các trường hợp khác từ Mỹ nhập cảnh vào Italy. Theo giới chức sân bay, toàn bộ hành khách trên chuyến bay này vẫn phải đeo khẩu trang và thay khẩu trang mới sau 4 tiếng sử dụng.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương tại thành phố Ulsan, Hàn Quốc ngày 7/12/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Tại châu Á, ngày 9/12, Bộ Y tế Ấn Độ đã bác bỏ thông tin của một số hãng truyền thông cho rằng cơ quan quản lý dược phẩm nước này đã bác kiến nghị cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng Covishield do hãng dược phẩm AstraZeneca phát triển và một loại vaccine được phát triển trong nước.

Trước đó cùng ngày, kênh truyền hinh NDTV và CNBC-TV18 (Ấn Độ) đưa tin Tổ chức Kiểm soát chất lượng an toàn dược phẩm trung ương (CDSCO) của Ấn Độ vẫn tìm kiếm các dữ liệu bổ sung từ các hãng dược phẩm sau khi xem xét kiến nghị cấp phép lưu hành được nộp lên trong tuần này. Theo NDTV, cả hai kiến nghị cấp phép đều không được thông qua do không đủ dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm.

Bộ Y tế Ấn Độ đã thông tin bác bỏ thông tin trên. Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin liên quan trực tiếp cho biết “còn quá sớm” để nói về có hay không việc bác kiến nghị cấp phép lưu hành vaccine. Một nguồn tin khác cho biết CDSCO chỉ muốn có thêm dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm trước khi đưa ra quyết định. Nguồn tin này nhấn mạnh đây là một phần của quy trình cấp phép.

Trước đó, ngày 8/12, Chính phủ Ấn Độ thông báo một số loại vaccine tiềm năng có khả năng được cấp phép sử dụng trong vài tuần tới.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại một trong những tuyến phố mua sắm ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tăng cao, ngày 7/12/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ghi nhận 686 ca nhiễm mới trong ngày 9/12, trong đó có 662 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 39.432 ca. Số liệu thống kê của KDCA cũng cho thấy số ca nhiễm không rõ nguồn lây chiếm tới 26%. Đặc biệt, trong tháng này đã có tới 4% số người làm xét nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS-CoC-2 nhưng không có triệu chứng, tăng gấp 4 lần so với hai tháng trước.

Trước những diễn biến bất thường của dịch, Chính phủ Hàn Quốc quyết định áp dụng 2 phương pháp xét nghiệm COVID-19 mới có sự cải thiện vượt bậc so với phương pháp xét nghiệm hiện hành. Đó là phương pháp xét nghiệm nhanh RDT (Rapid Diagnostic Test) phát hiện kháng nguyên virus và xét nghiệm bằng nước bọt.

Chú thích ảnh
Châu Âu đang kỳ vọng vào vaccine COVID-19. Ảnh: France24

Liên quan đến vấn đề vaccine, trong ngày đầu tiên Anh triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech, nước này đã ghi nhận 2 trường hợp có phản ứng dị ứng.

Cơ quan chức năng Anh ngay lập tức khuyến nghị những người có tiền sử dị ứng không nên tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở thời điểm hiện nay.

Trong khi đó, Israel đã tiếp nhận lô vaccine đầu tiên theo hợp đồng đã có với Pfizer/BioNTech. Thủ tướng Israel bày tỏ lạc quan dịch bệnh sẽ sớm kết thúc và ông sẽ người tiêm mũi đầu tiên.

Chú thích ảnh

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 9/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.870 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 29.540 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây và đang trên đà hạ nhiệt.

Chú thích ảnh
Tình hình dịch COVID-19 tại Philippines có dấu hiệu thuyên giảm. Ảnh: THX

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 959 ca bệnh mới, trong 1 ngày qua nước này cũng chứng kiến thêm 5 ca tử vong mới vì COVID-19.

Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.427 ca bệnh mới và 23 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Chú thích ảnh
Người dân phòng dịch với khẩu trang ở Malaysia. Ảnh: AFP

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 29.542 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 206 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.280.896 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.107.025 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ có Timor Leste, Lào và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 9/12.

Chú thích ảnh
Người dân tập thể dục tại Sydney, Australia, ngày 2/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Australia, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan và Viện Kirby thuộc Đại học New South Wales (UNSW) của Australia, đã đi tiên phong trong việc áp dụng một phương pháp giải trình tự gien mới đối với virus SARS-CoV-2 có thể xác định đường lây lan của virus trong 4 giờ, thay vì từ 24 đến 48 giờ của phương pháp tiêu chuẩn.

Phương pháp giải trình tự gien siêu nhanh này đã được các nhà khoa học tại 2 viện trên áp dụng tại bang New South Wales (NSW) và sẽ được triển khai trên toàn Australia trong thời gian tới.

Phương pháp trên, được gọi là giải trình tự nanopore, giúp các cơ quan y tế nhanh chóng theo dõi các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có mối liên hệ với nhau như thế nào, kích hoạt biện pháp cách ly kịp thời những người tiếp xúc gần và giảm thiểu rủi ro khác.

Ira Deveson, người đứng đầu nhóm công nghệ gien tại Trung tâm gen lâm sàng Kinghorn thuộc Garvan cho biết, bằng cách sử dụng các thiết bị nanopore, nhóm có thể tạo ra trình tự bộ gien cuối cùng nhanh nhất là trong vòng 2 giờ sau khi nhận được DNA được khuếch đại của virus SARS-CoV-2 từ một ca mắc bệnh.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Melbourne, Victoria, Australia, ngày 19/10/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Thiết bị giải trình tự nanopore có kích thước bằng một chiếc điện thoại di động. Các sợi DNA được đưa qua các cảm biến nhỏ để đo dòng điện. Tín hiệu kết quả được giải mã để cung cấp trình tự DNA hoặc RNA cụ thể. Tiến sĩ Deveson đánh giá đây là phương pháp có giá thành hợp lý, cơ động và không yêu cầu cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm cần thiết như các công cụ gien mầm bệnh tiêu chuẩn hiện nay.

Đã có những lo ngại về độ chính xác của phương pháp giải trình tự nanopore, nhưng các nhà khoa học của Viện Garvan và Kirby đã công bố một bài báo phân tích rõ về cách thức giải trình tự bộ gien virus SARS-CoV-2. Được đăng trên tạp chí Nature Communications, bài báo không chỉ chứng minh độ chính xác cao của phương pháp giải trình tự siêu nhanh này mà còn cung cấp các hướng dẫn thực hành tốt nhất để các bệnh viện và phòng thí nghiệm khác của Australia và trên thế giới có thể áp dụng rộng rãi.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *