Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Budgam, tây bắc thành phố Srinagar, thủ phủ mùa hè của khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, ngày 6/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 9/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 117.719.557 ca, trong đó có 2.611.029 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 93.360.372 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 21.748.156 ca và 89.852 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 8/3, thế giới có tới 108 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 96 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm đôi chút.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại thành phố Sao Gabriel da Cachoeira, bang Amazonas, Brazil, ngày 3/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Pháp, Nga và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine.

Mỹ tiếp tục là nước ghi nhận số ca nhiễm cao nhất với 29.737.573 ca và số ca tử vong cao nhất với 538.518 ca. Mỹ chiếm tới 25% tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới, trong khi số ca tử vong chiếm 20%. Ấn Độ có số ca nhiễm cao thứ hai với 11.244.624 ca nhưng nếu tính về số ca tử vong thì Brazil đứng thứ hai thế giới với 266.398 người không qua khỏi.

Một năm sau kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Mỹ vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 4 dù đang chạy đua với thời gian để tiêm phòng cho người dân cũng như ngăn chặn số ca nhập viện và tử vong vì virus đáng sợ này gia tăng.

Chú thích ảnh

Ấn Độ đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới khi số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày tại nước này liên tục tăng trong nhiều ngày qua. Từ ngày 11/3, thành phố Aurangabad thuộc bang miền Tây Maharashtra bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa một phần vào các ngày trong tuần và phong tỏa hoàn toàn vào các ngày cuối tuần.

Brazil tình hình vẫn nghiêm trọng. Đáng chú ý, tại bang Mato Grosso – khu vực sản xuất ngũ cốc lớn nhất tại nước này, mạng lưới bệnh viện đã bắt đầu quá tải do số bệnh nhân COVID-19 gia tăng. Đây là bang thứ ba ở Brazil đề nghị chuyển bệnh nhân COVID-19 ra khỏi bang do thiếu giường bệnh trong làn sóng lây nhiễm mới nhất. Trong 2 tuần qua, số ca tử vong tại bang này tăng thêm 28%.

Tại Syria, Tổng thống Bashar al-Assad và Phu nhân đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi có các triệu chứng nhẹ.

Chú thích ảnh
Người dân ra khỏi nhà sau khi lệnh hạn chế do dịch COVID-19 được nới lỏng tại Tel Aviv, Israel, ngày 6/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, tại Israel, lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đã được dỡ bỏ sau gần 3 tháng áp đặt. Theo đó, công dân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Israel nếu đơn xin nhập cảnh của họ được ủy ban đặc biệt xét duyệt. Nội các Israel cũng cho phép người dân nước này nhập cảnh về nước, với tối đa 3.000 người mỗi ngày.

Theo Bộ Y tế Israel, hệ số lây nhiễm COVID-19 ở nước này đã giảm từ 1,02 xuống 0,99 – tức một bệnh nhân COVID-19 sẽ chỉ lây bệnh ra cộng đồng cho một người khác.

Ngày 8/3, COGAT, cơ quan quân đội điều phối các hoạt động của chính phủ Israel tại Bờ Tây cho biết, Israel đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lao động Palestine làm việc tại Israel và tại các khu định cư của người Do Thái.

Lao động Palestine có thể được tiêm vaccine COVID-19 tại các trung tâm y tế được lập tại các chốt kiểm soát biên giới, cũng như tại các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây.

Tháng trước, Bộ Y tế Palestine và Israel đã nhất trí sẽ tiêm chủng cho 100.000 lao động Palestine đang làm việc tại Israel và các vùng lãnh thổ mà nước này kiểm soát

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh, ngày 17/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Anh cũng đang bắt đầu nới lỏng các hạn chế phòng dịch, với hy vọng sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường vào cuối tháng 6. Hàng triệu trẻ em ở vùng England đã đi học trở lại trong ngày 8/3 sau hai tháng nghỉ ở nhà do dịch COVID-19.

Cùng ngày, hàng trăm nghìn người sống ở các cơ sở chăm sóc ở vùng England có thể bắt đầu đón khách đến thăm ở không gian trong nhà. Ngoài ra, hai người không cùng một gia đình cũng có thể gặp nhau ở không gian công cộng.

Giai đoạn nới lỏng tiếp theo là vào ngày 29/3, theo đó việc tụ tập ngoài trời được cho phép 6 người hoặc 2 hộ gia đình tham gia. Các hoạt động thể thao ngoài trời như tennis, bóng rổ và golf cũng được phép diễn ra.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 27/2/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 8/3 cảnh báo EU có thể có thêm những biện pháp cứng rắn liên quan đến việc cấm xuất khẩu vaccine phòng COVID-19 sau khi Italy chặn lô hàng vận chuyển vaccine tới Australia hồi tuần trước.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Tuần Kinh tế (WIWO) của Đức, Chủ tịch EC von der Leyen đã lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích hãng dược phẩm AstraZeneca, đồng thời bảo vệ cho lệnh cấm xuất khẩu vaccine của EU. Bà nêu rõ: “EU sẽ không tiếp tục là vật tế thần nữa. Trong thời gian từ tháng 12/2020-3/2021, AstraZeneca mới chỉ bàn giao cho EU dưới 10% lượng hàng đã đặt”. Theo bà, do AstraZeneca chậm tiến độ giao hàng nên hồi tháng 1/2021, EC đã thông qua cơ chế xuất khẩu minh bạch, theo đó, các công ty phải đăng ký xuất khẩu vaccine sang các nước thứ 3 và phải được các quốc gia thành viên chấp thuận cùng với sự tham vấn EU.

Cơ chế xuất khẩu của EU đã gây tranh cãi trong khối, do nhiều ý kiến lo ngại điều này có thể ảnh hưởng tới vấn đề tự do thương mại của EU. Tuy nhiên, theo Chủ tịch EC, cơ hội xuất khẩu sẽ rộng mở nếu các công ty giữ đúng hợp đồng đã ký kết. Bà cho biết 95% đơn hàng xuất khẩu cho đến nay thuộc về sản phẩm của BioNTech/Pfizer, loại vaccine sản xuất tại châu Âu vốn đã được chuyển tới hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Về lý do chậm trễ trong việc giao vaccine cho EU, theo Chủ tịch EC, AstraZeneca đã không sản xuất đủ vaccine trước khi được phê duyệt như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Bà cũng thừa nhận châu Âu chưa quan tâm đầy đủ tới việc xây dựng các cơ sở sản xuất và đánh giá thấp quy trình sản xuất. Bà cũng cho rằng để đẩy nhanh việc phê duyệt vaccine, EC sẽ phải rút ngắn quy trình theo cơ chế phê duyệt khẩn cấp, song đây sẽ là tiến trình phức tạp liên quan tới pháp lý.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 20/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuần trước, Italy lần đầu tiên ngăn chặn việc xuất lô hàng 250.700 liều vaccine AstraZeneca tới Australia, viện dẫn lý tình trạng khan hiếm vaccine ở Italy cũng như EU, việc AstraZeneca chậm giao hàng cho EU cũng như việc Australia chưa cấp thiết cần vaccine. Trong khi đó, các nhà sản xuất vaccine khác đang nỗ lực để có thể cung cấp vaccine cho EU.

Theo Chủ tịch EC, sau giai đoạn trục trặc ban đầu, các công ty BioNTech và Pfizer đã có quy trình sản xuất ổn định và đang nỗ lực để đạt mục tiêu giao hàng trong quý I/2021 cho EU. Bà von der Leyen cũng bày tỏ kỳ vọng EU có thể nhận được 100 triệu liều mỗi tháng từ tháng 4 tới, với tổng cộng khoảng 300 triệu liều vào cuối tháng 6, khi năng lực sản xuất của các công ty được nâng cao cũng như việc có thêm vaccine được EU cấp phép sử dụng.

Theo các số liệu chính thức, EU với số dân khoảng 446 triệu người đến nay đã nhận được tổng cộng 51,5 triệu liều vaccine. Hiện có 3 loại vaccine đã được EU cấp phép sử dụng, gồm vaccine của BioNTech/Pfizer, AstraZeneca và Moderna.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 28/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 8/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 11.910 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 54.590 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia. Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” chưa hề thấy “ánh sáng cuối đường  hầm” sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây, bất chấp tình hình số ca mắc mới bắt đầu giảm nhẹ so với mấy ngày trước. Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong giảm so với ngày trước nữa.

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.529 ca bệnh mới, 6 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.

Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 11 trường hợp mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
Du khách thăm Cung điện Hoàng gia ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 8/3 ghi nhận thêm 71 ca bệnh mới, song không có ca tử vong. Thái Lan dù không ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây, song tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao và diễn biến phức tạp.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có tới 24 bệnh nhân mới trong ngày 8/3, buộc nhà chức trách phải phong tỏa nhiều tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 54.597 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 154 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.531.734 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.263.438 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Brunei, Timor-Leste và Lào không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mumbai, Ấn Độ ngày 23/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Gần một năm kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chính thức được tuyên bố là một “đại dịch toàn cầu”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 8/3 xác nhận tổ chức này đã “báo động ở mức cao nhất” để kêu gọi hành động từ tất các nước trên thế giới ngay từ đầu năm 2020.

Trong một cuộc họp báo ngắn ngày 8/3, khi được hỏi liệu WHO lẽ ra nên dùng từ “đại dịch” sớm hơn hay không, bà Maria Van Kerkhove, phụ trách kỹ thuật của WHO trong ván đề dịch COVID-19, nói rằng WHO đã ra thông báo “Một vấn đề y tế công khẩn cấp gây lo ngại quốc tế” ngay từ ngày 30/1 năm ngoái. Bà Maria cho rằng thông báo trên thực chất là sự báo động mức cao nhất, hay “mức độ cao nhất mà WHO có thể thực hiện theo luật quốc tế”.

Vào ngày 30/1/2020, WHO đã tuyên bố sự bùng phát dịch bệnh, sau đó được gọi là COVID-19, là vấn đề y tế công khẩn cấp gây lo ngại quốc tế sau hai ngày thảo luận bởi môtj nhóm chuyên gia quốc tế.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *