Chú thích ảnh
Tiêm vaccine Pfizer phòng COVID-19 cho người dân tại Oregon, Mỹ. Ảnh: Bloomberg/Getty Images

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 16/6 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 177.340.742 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.836.166 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 314.020 và 7.374 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 161.776.856 người, 11.727.720 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 83.732 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (78.360 ca), Ấn Độ (62.226 ca), và Argentina (27.260 ca); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2,292 ca), tiếp theo là Ấn Độ (với 1.470 ca) và Argentina (586 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.348.283 triệu người, trong đó có 615.638 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 29.632.261  ca nhiễm, bao gồm 379.601 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 17.533.221 ca bệnh và 490.696 ca tử vong.

Chú thích ảnh
hân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ ngày 4/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ vượt mốc 600.000 ca tử vong

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ ngày 15/6 đã ghi nhận một cột mốc đáng buồn khi số ca tử vong do đại dịch COVID-19 ở nước này đã vượt 600.000 người. Dù số ca tử vong hàng ngày giảm trong những tháng gần đây, song vẫn có hàng trăm người Mỹ thiệt mạng do đại dịch mỗi ngày.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ cho biết, trong tuần qua, số ca tử vong do COVID-19 trung bình là 343 người/ngày. Con số này cao hơn khoảng 5 lần so với số người thiệt mạng trung bình hàng ngày trong các vụ va chạm ôtô.

Hiện có nhiều biến thể nguy hiểm khác với tốc độ lây lan nhanh chóng như Alpha (B.1.1.7) và Delta (B.1.617.2) có thể cản trở những tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Mỹ. Dù nhiều loại vaccine đã được chứng minh là có hiệu quả trước những biến thể trên, tuy nhiên giới chuyên gia vẫn cảnh báo điều quan trọng là phải tiêm phòng càng sớm càng tốt.

Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến ngày 14/6, 52,5% người dân Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và 43,7% đã được tiêm chủng đủ. Giới chuyên gia nhận định, vào mùa Đông tới, khi dịch COVID-19 có khả năng bùng phát trở lại, Mỹ sẽ cần phải đạt được tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ lên tới 80% dân số hoặc cao hơn.

Chú thích ảnh
Bang New York đã dỡ bỏ mọi hạn chế phòng COVID-19 cấp bang sau khi 70% dân số được tiêm chủng ít nhất 1 mũi. Ảnh: CNN

Ấn Độ: Ngày thứ 8 liên tiếp dưới ngưỡng 100.000 ca

Trong 24 giờ qua, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo ghi nhận thêm 62.226 ca nhiễm COVID-19, đánh dấu ngày thứ 8 liên tiếp số ca bệnh mới trên toàn Ấn Độ dưới ngưỡng 100.000 ca.

Tại thủ đô New Delhi, sau khi ghi nhận số ca mắc mới và số ca tử vong vì COVID-19 giảm mạnh trong 2 tuần gần đây, các nhà hàng và cửa hiệu được phép hoạt động trở lại từ ngày 14/6  với tối đa 50% công suất. Tuy nhiên, trường học, các cơ sở giáo dục, bể bơi, phòng tập thể thao và các địa điểm công cộng vẫn tiếp tục đóng cửa.

Nam Phi nâng mức phong tỏa toàn quốc lên cấp độ 3

Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 lần thứ 3 đang bùng phát dữ dội, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nâng mức phong tỏa toàn quốc lên cấp độ 3 với nhiều quy định nghiêm ngặt hơn như hạn chế bán đồ uống có cồn, kéo dài thời gian giới nghiêm và hạn chế quy mô tụ tập nơi công cộng.

Trong bài phát biểu trên truyền hình vào tối 15/6, ông Ramaphosa nhấn mạnh virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng tại hầu hết các tỉnh trên toàn quốc và đặc biệt là ở tỉnh Gauteng với số ca lây nhiễm đang dần đạt đỉnh như trong hai đợt lây nhiễm trước đó. Theo ông Ramaphosa, các bệnh viện, cả công và tư, đã gần như quá tải vì số lượng bệnh nhân nhập viện tăng mỗi ngày.

Chú thích ảnh
 Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Tembisa, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuối tháng 5 vừa qua, Nam Phi đã nâng mức phong tỏa toàn quốc lên cấp độ 2 sau một tuần có hơn 3.700 ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày. Hiện tại, số ca nhiễm mới trong 1 tuần vừa qua tại quốc gia cực nam châu Phi này đã lên đến khoảng 7.500 ca mỗi ngày.

Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 gây ra tại châu Phi với hơn 58.000 ca tử vong và gần 1,8 triệu ca mắc bệnh. Chiến dịch tiêm vaccine cho người dân tại Nam Phi đang diễn ra khá chậm với chưa đầy 2 triệu người dân trên tổng dân số khoảng 60 triệu người được tiêm chủng.

Ca mắc tăng trở lại, Anh lùi thời hạn dỡ phong toả 

Tại châu Âu, giai đoạn cuối cùng trong lộ trình dỡ bỏ phong tỏa ngừa COVID-19 của Anh sẽ được lùi tới ngày 19/7 thay vì ngày 21/6 theo kế hoạch ban đầu. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Anh ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 đang tăng trở lại do sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây lan được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ.

Chú thích ảnh
Người dân thư giãn trong công viên Green Park ở London, Anh ngày 7/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà khoa học cố vấn cho Chính phủ Anh cảnh báo số người cần được điều trị tại bệnh viện do mắc COVID-19 sẽ tăng mạnh trở lại nếu giai đoạn cuối cùng của lộ trình nới lỏng phong tỏa diễn ra vào ngày 21/6 theo kế hoạch. Theo các quy định hạn chế được áp dụng để phòng ngừa COVID-19 ở Anh, các sự kiện ngoài trời chỉ được tụ tập tối đa 30 người, sự kiện trong nhà tối đa 6 người. Tuy nhiên, 15 sự kiện thí điểm được thực hiện lộ trình nới lỏng phong tỏa theo kế hoạch, trong đó có các trận đấu sắp tới của EURO 2020 và các buổi biểu diễn nghệ thuật và âm nhạc. Những người tham dự các sự kiện này phải xuất trình chứng nhận đã tiêm phòng hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Hàn Quốc thử nghiệm cơ chế giãn cách xã hội mới

Hàn Quốc ngày 15/6 ghi nhận thêm 374 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 148.647 ca. Nước này đang lên kế hoạch triển khai thử nghiệm cơ chế giãn cách xã hội mới trong vòng 3 tuần, bắt đầu từ đầu tháng sau, cùng lúc nỗ lực ngăn chặn đà tăng đột biến các ca nhiễm mới hàng ngày.  Theo đó, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh cấm tập trung từ 5 người trở lên hiện nay và tăng lên mức 8 người. Các nhà hàng và quán cà phê có thể mở cửa đến nửa đêm tại thủ đô Seoul và khu vực lân cận, muộn hơn 2 giờ so với lệnh giới nghiêm từ 22h hiện nay.

Hiện nay, thủ đô Seoul và khu vực lân cận cùng với thành phố Daegu cũng như đảo nghỉ dưỡng Jeju đang áp dụng mức giãn cách xã hội cấp độ 2 trong thang gồm 5 cấp độ, trong khi những khu vực còn lại ở cấp độ 1,5. Các cuộc tụ tập đông người từ 5 người trở lên đều bị cấm. Đến nay, khoảng 13 triệu người dân Hàn Quốc, tương đương 25% dân số, đã được tiêm chủng mũi vaccine đầu tiên.

Chú thích ảnh
Hướng dẫn cho các tình nguyện viên phục vụ Olympic Tokyo tại Iwaki, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 11/6/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Nhật Bản tăng cường hỗ trợ người nước ngoài cư trú

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chính sách mới về việc tăng cường hỗ trợ người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản gặp khó khăn, vướng mắc trong vấn đề tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, nước này sẽ đẩy mạnh hỗ trợ và hướng dẫn những người nước ngoài chưa nắm rõ quy trình đăng ký tiêm vaccine tại nơi cư trú, cũng như gặp khó khăn trong việc liên hệ với bộ phận phụ trách tiêm chủng. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng sẽ thúc đẩy việc triển khai cổng thông tin đa ngôn ngữ về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Hong Kong/Trung Quốc nới lỏng hạn chế với tàu thuyền

Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) đã thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được áp đặt từ tháng 7 năm ngoái đối với những tàu, thuyền cập cảng trung tâm vận chuyển của châu Á này. Theo cơ quan hàng hải Hong Kong, từ ngày 15/6, thủy thủ đoàn các tàu, thuyền cập cảng thành phố này để tiếp nhiên liệu hay lương thực sẽ được miễn các biện pháp hạn chế tùy thuộc tình hình.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 13/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Israel dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín

Israel đã chính thức dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trong không gian kín ở các điểm công cộng kể từ ngày 15/6 sau hơn 1 năm thực hiện. Theo đó, các tòa nhà, văn phòng, trường học, khách sạn… sẽ không yêu cầu nhân viên hoặc khách đến phải đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín này. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn được áp dụng trong một vài trường hợp đặc biệt, ví dụ người chưa tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 đi thăm nom tại các cơ sở chăm sóc người bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu bị lây nhiễm, người đang trên đường phải đi cách ly hoặc hành khách trên máy bay. Trước đó, ngày 18/4, Chính phủ Israel cũng đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở ngoài trời và từ ngày 1/6 đã dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp giãn cách xã hội sau hơn 1 năm áp dụng. Nhờ chiến dịch tiêm phòng vaccine hiệu quả, hiện số bệnh nhân COVID-19 và tỷ lệ lây nhiễm tại Israel đã giảm xuống mức rất thấp.

Chú thích ảnh
Người dân không phải bắt buộc đeo khẩu trang tại một trung tâm mua sắm ở Tel Aviv, Israel, ngày 15/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nga: Thắt chặt hạn chế

Một số khu vực ở Nga đã thắt chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, đồng thời tập trung tăng cường năng lực ứng phó cho các bệnh viện trong trường hợp bệnh nhân nhập viện gia tăng sau khi số ca nhiễm mới tăng vọt. Ngày 15/6, Nga có thêm 14.185 ca nhiễm mới, trong đó 6.805 ca ở Moskva, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 5.236.593 ca. Trong 24 giờ qua, Nga cũng ghi nhận thêm 379 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 127.180 người.

Chú thích ảnh
hân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại La Habana, Cuba ngày 15/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Séc cho phép nhập cảnh người đã tiêm vaccine Sputnik V và Sinopharm

Bộ trưởng Y tế Séc Adam Vojtěch cho biết nước này sẽ công nhận việc chủng ngừa bằng vaccine Sputnik V của Nga, vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Đây là những loại vaccine được tiêm cho người dân Hungary, Serbia và Slovakia nhưng chưa được Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt.

Theo đó, tất cả những người được tiêm vaccine Sinopoharm của Trung Quốc hoặc Sputnik V của Nga sẽ có thể đến Séc mà không có bất kỳ hạn chế nào, mặc dù việc tiêm chủng các loại vaccine này chưa được cấp phép ở Séc. Điều kiện nhập cảnh là phải sau ít nhất 22 ngày hoặc 14 ngày kể từ khi tiêm liều vaccine đầu tiên.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Chile kéo dài lệnh tình trạng khẩn cấp thêm 3 tháng

Nhà chức trách Chile thông báo sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp do COVID-19 đến tháng 9 tới, theo đó tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Paula Daza nêu rõ tình trạng khẩn cấp về y tế dự kiến hết hiệu lực vào ngày 30/6 tới sẽ được gia hạn thêm 3 tháng đến ngày 30/9. Ông Daza cũng lưu ý số ca mắc mới gia tăng ở thanh thiếu niên – nhóm cuối cùng được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Chile đang tăng cao dù 61% dân số nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và 48% đã được tiêm đủ liều vaccine. Hiện quốc gia Nam Mỹ này đang triển khai tiêm vaccine cho đối tượng thanh thiếu niên. Nhằm khuyến khích mọi người đi tiêm vaccine, Chính phủ Chile hồi tháng 5 vừa qua đã bắt đầu cấp “thẻ xanh” cho những người đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, theo đó cho phép họ được nới lỏng một số biện pháp hạn chế.

Indonesia: Ca nhiễm tăng đột biến, hoãn mở lại trường học 

Phó Chủ tịch Hạ viện Indonesia, ông Sufmi Dasco Ahmad ngày 15/6 yêu cầu chính phủ hoãn mở cửa trở lại các trường học trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang gia tăng đột biến.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 10/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Dasco từng cảnh báo chính phủ trước kỳ nghỉ lễ xả chay Eid el-Fitr vừa qua về khả năng các ca mắc COVID-19 tăng đột biến và thực tế đang diễn ra đúng như vậy. Vì vậy, ông yêu cầu chính phủ thực hiện các động thái “chiến thuật” nhằm ngăn chặn xu hướng này, trong đó có việc hoãn tổ chức các buổi học trực tiếp trong 2-3 tháng.

Hiện một số địa phương của Indonesia đang chứng kiến sự gia tăng đột biến các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 dù chương trình tiêm chủng quốc gia đã được triển khai từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch tổ chức dạy và học trực tiếp tại trường từ tháng 7 tới, sau hơn 1 năm đóng cửa và tổ chức học trực tuyến.

Thái Lan: Số ca nhiễm vượt 200.000

Tại Thái Lan, cơ quan y tế đã ghi nhận 3.000 ca nhiễm mới trong ngày 15/6, khiến tổng số ca đã vượt 200.000 ca trong bối cảnh nước này đang nỗ lực kiềm chế đợt bùng phát mới. Trong số các ca mới, có tới 2.995 ca lây nhiễm trong nước. Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận thêm 19 ca tử vong, nâng tổng số lên 1.485 ca.

Tính đến ngày 14/6, khoảng 6,5 triệu liều vaccine đã được tiêm ở Thái Lan. Riêng tại Phuket, khoảng 61% dân cư đã được tiêm mũi đầu tiên, khi đảo nghỉ dưỡng này đang chuẩn bị mở cửa cho khách quốc tế từ ngày 1/7 tới.

Chú thích ảnh
Người dân được tiêm phòng COVID-19 tại Phuket, Thái Lan ngày 7/6/2021. Ảnh: Bangkok Post

Thủ tướng Prayut Chan o-cha cho biết Chính phủ đã đặt hàng 100 triệu liều vaccine và đặt mục tiêu tiêm chủng cho 50 triệu người, tức 70% dân số, trong năm nay và đang mua thêm để mở rộng tiêm chủng cho 80-90% dân số vào năm tới.

Malaysia công bố Kế hoạch Khôi phục quốc gia sau đại dịch

Chiều 15/6, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin có bài phát biểu đặc biệt truyền hình trực tiếp trên toàn quốc, công bố Kế hoạch khôi phục quốc gia.

Kế hoạch này được vạch ra dựa trên tất cả các bước chuẩn bị đã được thực hiện bao gồm quản lý đại dịch và nền kinh tế cũng như chương trình tiêm chủng quốc gia và gồm 4 giai đoạn, theo đó chính phủ chỉ có thể quyết định chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo nếu 3 chỉ số như số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày; khả năng của hệ thống y tế dựa trên số giường bệnh điều trị tích cực (ICU) và mức độ tỷ lệ tiêm chủng dựa trên tỷ lệ phần trăm số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine, được đáp ứng. Chính phủ sẽ cân nhắc thực thi giai đoạn 2 nếu số ca mắc mới COVID-19 giảm xuống dưới 4.000 ca/ngày. Trong giai đoạn này, các hoạt động kinh tế đươc phép sử dụng đến 80% nhân viên so với thời điểm trước đại dịch.

Chú thích ảnh
Cảnh sát và binh sĩ kiểm tra các phương tiện để phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 1/6/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Giai đoạn 3 sẽ được thực thi nếu số ca mắc mới COVID-19 giảm xuống dưới ngưỡng 2.000 ca/ngày. Trong giai đoạn này, mọi hoạt động kinh tế sẽ được phép nối lại hoạt động, ngoại trừ những lĩnh vực đặt ra nguy cơ cao đối với sự lây nhiễm COVID-19, tuy nhiên mọi hoạt động vẫn phải phải tuân thủ nghiêm ngặt Quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) và giới hạn công suất.

Malaysia hiện đang áp đặt Lệnh phong tỏa toàn diện từ ngày 1-28/6 sau khi số ca mắc mới COVID-19 liên tục tăng vọt trong tháng 5, lên mức kỷ lục 9.020 ca mắc mới/ngày hôm 29/5. Các chuyên gia y tế của nước này dự báo số ca mắc mới có thể sẽ tăng tới 13.000 ca mỗi ngày nếu chính phủ không thực hiện áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện.

Chú thích ảnh
Các cửa hàng ở Kuala Lumpur, Malaysia đóng cửa khi lệnh phong tỏa được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 1/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào tháng 11

Báo Phnom Penh Post dẫn lời người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia đồng thời là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về tiêm phòng COVID-19, bà OrVandine ngày 14/6 cho biết trong vài ngày tới, số người được tiêm phòng COVID-19 sẽ đạt 3 triệu người và nước này đang hướng tới mục tiêu 10 triệu người để đạt miễn dịch cộng đồng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế Campuchia, tính đến ngày 13/6, bộ này đã phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện chiến dịch tiêm phòng cho 2.939.543 triệu người, tương đương 29,4% trong tổng số 10 triệu người trưởng thành dự kiến được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Tiêm phòng cho người dân ở Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Đến nay, Campuchia ghi nhận số các nhiễm COVID-19 vượt mốc 39.000 ca và có thêm 13 ca tử vong vì dịch bệnh này trong ngày 15/6. Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 495 ca mắc COVID-19, trong đó có 44 ca nhập cảnh, trong khi số người được công bố khỏi bệnh là 604 người. Trong tổng số 39.464 ca mắc COVID-19 kể từ đầu mùa dịch, có 33.571 người đã hồi phục và 361 người tử vong.

Chú thích ảnh

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Lào cách ly bắt buộc người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19

Do diễn biến phức tạp của các ca lây nhiễm trong cộng đồng ở thủ đô Viêng Chăn, Bộ Y tế Lào ngày 15/6 thông báo các trường hợp tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 sẽ bắt buộc phải cách ly tại các trung tâm hoặc khách sạn được chỉ định.

Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 15 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24h qua, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 2.025 ca. Trong số 15 ca mắc mới, có 6 ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn và 9 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Theo Bộ Y tế Lào, việc một bộ phận người dân không tuân thủ chặt chẽ quy định phòng dịch là nguyên nhân dẫn tới các ca mắc mới trong cộng đồng.

Cũng trong ngày 15/6, Lào đã tiếp nhận thêm 500.000 liều vaccine ngừa COVID-19 từ Trung Quốc, nâng tổng số vaccine Sinopharm mà Bắc Kinh viện trợ.

Thu Hằng/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *