Chú thích ảnh
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân COVID cấp cứu tại một bệnh viện dã chiến ở Brazil. Ảnh: CNN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 18/4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 141.274.101 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.022.397 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 764.297 và 10.842 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 119.998.103 người, 18.252.734 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 106.751 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (260.778 ca), Brazil (65.749 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (62.606); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.654 ca), tiếp theo là Ấn Độ (1.495 ca) và Mỹ (691 ca)

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 32.368.013 triệu người, trong đó có 577.134 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 13.871.321 ca nhiễm, bao gồm 172.115 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 13.599.994 ca bệnh và 358.425 ca tử vong.

Tính theo tỷ lệ dân số, CH Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 265 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 256 người và Bosnia-Herzegovina với 237 người/100.000 dân.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Vancouver, British Columbia, Canada, ngày 16/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Châu Mỹ: Brazil chiếm 1/4 ca tử vong thế giới mỗi ngày

Brazil ghi nhận khoảng 3.000 ca tử vong mới mỗi ngày, tương đương gần 1/4 tổng ca tử vong mới của cả thế giới. Kể từ đầu tháng 3, quốc gia này trở thành nước chịu tổn thất nặng nề nhất thế giới xét theo dữ liệu tử vong mới.

Tại Brazil, chính quyền bang Sao Paulo thông báo hoạt động kinh doanh và địa điểm tín ngưỡng sẽ được phép hoạt động trở lại kể từ ngày 18/4, dù tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức cao.

Cụ thể, từ ngày 18/4, các cửa hàng được mở cửa từ 11h đến 19h nhưng chỉ được phục vụ 30% công suất thông thường. Sau khung giờ trên, người dân phải thực thi lệnh giới nghiêm đến 5h sáng hôm sau. Với 46 triệu dân, bang Sao Paulo sẽ bước vào “giai đoạn chuyển giao”, trong đó cho phép nhà hàng, trung tâm thẩm mỹ, rạp chiếu phim, rạp hát mở cửa trở lại từ ngày 24/4 tới và những cơ sở này phải tuân thủ giãn cách xã hội.

Chú thích ảnh
Nghĩa trang chôn cất nạn nhân COVID-19 tại Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: AP

Tỉnh đông dân nhất Canada lập chốt kiểm soát ranh giới 

Ontario – tỉnh đông dân nhất tại Canada- đang lập các chốt kiểm soát tại ranh giới đất liền của tỉnh và tăng cường quyền hạn của cảnh sát trong việc thực thi các biện pháp y tế công cộng. Động thái này phản ánh những nỗ lực của chính quyền Ontario nhằm khống chế dịch COVID-19, khi mô hình dịch tễ mới cảnh báo tỉnh đối mặt với nguy cơ có hơn 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Ngày 16/4, chính quyền tỉnh Ontario đã quyết định kéo dài lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà thêm hai tuần sau ngày 5/5. Chính quyền sẽ đóng cửa các công trình xây dựng không thiết yếu, cấm các hoạt động giải trí ngoài trời như chơi golf, bóng rổ,… Chỉ những người trong cùng một hộ gia đình mới được phép tụ tập ở không gian ngoài trời. Các cơ sở bán lẻ hàng thiết yếu bị giới hạn công suất hoạt động ở mức 25%. Các hoạt động ở nhà thờ, hoạt động hiếu, chỉ được giới hạn ở mức 10 người với không gian trong nhà và ngoài trời.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một điểm tiêm chủng ở Toronto, Canada ngày 25/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bên cạnh đó,  Thủ hiến Ontario Doug Ford đã công bố các biện pháp mới, cho phép các nhân viên thực thi pháp luật và cảnh sát có quyền chặn bất kỳ ai trên đường phố hoặc trong xe để tìm hiểu lý do ra ngoài.

Châu Âu: Slovakia nới phong toả

Trong khi đó, trang tin expats.cz đưa tin  Slovakia sẽ nới lỏng các lệnh phong tỏa bằng cách không yêu cầu kiểm dịch bắt buộc đối với khách du lịch lưu trú tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) được chỉ định, tương tự như Anh và Thụy Sĩ.

Điều kiện đến Slovakia bao gồm phải hoàn thành 2 mũi tiêm của hãng Moderna hoặc Pfizer/BioNTech 2 tuần trước khi khởi hành hoặc ít nhất 4 tuần đối với vaccine AstraZeneca.  Những người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 từ 180 ngày cũng sẽ được phép đến Slovakia.

Slovakia cũng đã sửa đổi quy định miễn trừ kiểm dịch cho nhân viên của các nhà thầu cơ sở hạ tầng và các chuyên gia trong lĩnh vực quan trọng.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ trên đường phố Berlin, Đức khi lệnh giới hạn được áp đặt nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 5/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ukraine tiếp nhận lô vaccine Pfizer đầu tiên qua COVAX

Bộ Y tế Ukraine cho biết nước này đã nhận được lô vaccine đầu tiên của hãng Pfizer/BioNTech gồm 117.000 liều thông qua cơ chế COVAX. Theo kế hoạch, số vaccine này sẽ ưu tiên chủng ngừa cho nhân viên và người dân ở các cơ sở dưỡng lão, nhân viên của cơ quan tình trạng khẩn cấp và lực lượng biên phòng.

Ngoài số vaccine trên, Ukraine đã nhận được 500.000 liều vaccine của hãng Oxford/AstraZeneca và lô vaccine CoronaVac đầu tiên do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại một bệnh viện ở Bry-Sur-Marne, Pháp, ngày 15/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức y tế Bulgaria cho biết số ca tử vong do COVID-19 ở nước này hiện là 15.100 người, sau khi có thêm 121 trường hợp mới ghi nhận trong 24 giờ qua. Trong khi đó, số ca mắc mới cũng tăng thêm 2.126 trường hợp, lên 384.887 trường hợp. Theo số liệu thống kê của trường Đại học Oxford, Bulgaria là nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất ở Liên minh châu Âu (EU) – khoảng 3,91%. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 của nước này cũng thấp nhất trong EU, chỉ đạt tỷ lệ 8,93 trên 100 dân.

Châu Á – Ấn Độ liên tiếp lật đổ kỷ lục lây nhiễm mới 

Theo trang worldmeter, Ấn Độ ghi nhận 260.778 ca nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới tại Ấn Độ ở mức trên 200.000 ca/ngày và là mức tăng kỷ lục thứ 8 trong 9 ngày qua. Bang Maharashtra và thủ đô New Delhi đang chứng kiến số ca nhiễm theo ngày cao nhất từ trước đến nay.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, nhà chức trách Ấn Độ đã hạn chế hoạt động đi lại của hơn 50% dân số, với việc 15 bang và vùng lãnh thổ liên bang của nước này, trong đó có Maharashtra và Delhi, áp đặt các biện pháp hạn chế bằng hình thức giới nghiêm ban đêm hoặc giới nghiêm cuối tuần và những hạn chế khác.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 13/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhật Bản: Ca nhiễm mới cao nhất kể từ tháng 1

Chiều 17/4, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo ghi nhận thêm 759 trường hợp mới mắc COVID-19 trong 24 giờ qua – đây là con số thống kê theo ngày cao nhất ở thành phố này kể từ cuối tháng 1 vừa qua, trong bối cảnh Nhật Bản đang oằn mình ứng phó đợt bùng phát thứ tư của đại dịch COVID-19.

Một số tỉnh của Nhật Bản đã xác nhận số ca mắc mới cao kỷ lục trong 24 giờ qua, trong đó tỉnh Hyogo ở miền Tây Nhật Bản có 541 trường hợp, tỉnh Okinawa ở miền Nam có 167 trường hợp và tỉnh Tokushima ở miền Tây ghi nhận 44 trường hợp. Với 1.161 ca mắc mới, tỉnh Osaka đã có ngày thứ 5 liên tiếp chứng kiến số ca mắc mới vượt mốc 1.000 trường hợp. Trong khi đó, tỉnh Kanagawa, gần thủ đô Tokyo, cũng ghi nhận 247 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 – mức cao nhất kể từ khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ vào tháng 3 vừa qua.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 12/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Đầu tuần này, chính quyền thủ đô Tokyo đã siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan của đại dịch. Các biện pháp tăng cường này sẽ được áp dụng đến hết ngày 11/5 tới, trong đó yêu cầu các nhà hàng và quán bar ở những khu vực đông dân cư đóng cửa trước 20h hằng ngày, đồng thời cấm tổ chức các sự kiện lớn có trên 5.000 người tham gia. Các quy định tương tự cũng được áp dụng tại tỉnh Kyoto, Okinawa, Osaka, Hyogo và Miyagi.

Qatar tiêm vaccine cho tất cả cổ động viên dự World Cup 2022

Tại châu Á, giới chức Qatar đang thương lượng với các hãng bào chế vaccine ngừa COVID-19 để có đủ vaccine tiêm cho tất cả cổ đông viên đến nước này trong dịp diễn ra World Cup 2022.
Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani cho biết quá trình đàm phán đang diễn ra và có một chương trình đang được triển khai để cung cấp vaccine cho tất cả những cổ động viên đến xem bóng đá. Ông nhấn mạnh kế hoạch này sẽ giúp Qatar có thể tổ chức sự kiện một cách an toàn.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cho tới nay, vẫn chưa có một hệ thống chứng nhận vaccine nào được chấp thuận hoặc công nhận trên toàn cầu mặc dù ứng dụng thẻ thông hành điện tử Travel Pass của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đang trở nên phổ biến đối với các hãng hàng không Qatar. Quốc gia Vùng Vịnh này đang đối mặt với số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 tăng cao bất chấp những tiến triển trong chương trình tiêm chủng quốc gia , buộc các nhà chức trách phải áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc.

Theo số liệu chính thức, Qatar đã tiêm hơn 26.000 liều vaccine cho người dân nước này, nâng tổng số liều vaccine được phân phối lên 1.209.648 liều. Cho tới nay, Qatar đã ghi nhận 194.930 ca mắc COVID-19, trong đó  367 ca tử vong.

Campuchia: Gần 300 ca nhiễm mới

Bộ Y tế Campuchia đã ghi nhận thêm 291 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, trong số này có 290 ca liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2. Diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia tiếp tục phức tạp với tổng cộng 5.771 ca lây nhiễm (2.416 người đã bình phục) khi thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao bước sang ngày phong tỏa thứ ba.

Chú thích ảnh
Cảnh sát dựng chốt chặn tại một tuyến phố ở Phnom Penh, Campuchia khi lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 15/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 16/4 cảnh báo có thể kéo dài lệnh phong tỏa tại hai khu vực trên và mở rộng ra một số tỉnh khác tại Campuchia. Ông Hun Sen khẳng định nếu không có sự hợp tác của người dân, mục tiêu ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19 sẽ khó có thể thực hiện. Người đứng đầu chính phủ tuyên bố những người dân đã bỏ về quê tại các tỉnh trong dịp Tết Chol Chhnam Thmey cổ truyền sẽ không được phép quay trở lại thủ đô trong thời gian phong tỏa (từ ngày 15-28/4).

Thái Lan cũng phát hiện thêm 1.547 bệnh nhân COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người mắc bệnh ở nước này lên 40.585 người. Trong số các trường hợp mới phát hiện, có tới 1.544 ca lây nhiễm nội địa. Cũng trong 24 giờ qua, Thái Lan có thêm 2 trường hợp tử vong (đều là nam giới ở độ tuổi 38 và 51), nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch lên 99 người. Tính đến hết ngày 16/4, Thái Lan đã triển khai tiêm phòng tổng cộng 605.259 liều vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 14/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chiều 17/4, Bộ Y tế Lào xác nhận nước này đã có thêm 4 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này lên 58 người, trong đó có 1 ca nhập cảnh bất hợp pháp. Đây là ca nhiễm thứ 3 liên quan tới hành vi nhập cảnh bất hợp pháp trong vòng 1 tuần qua tại Lào. Đến thời điểm hiện tại, Lào vẫn chưa có trường hợp nào tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, số lượng người nhiễm căn bệnh nguy hiểm này đang có chiều hướng gia tăng tại Lào trong những ngày qua, trong bối cảnh các quốc gia láng giềng của Lào là Thái Lan và Campuchia đang có đợt bùng phát nghiêm trọng.

Tương tự, Bộ Y tế Philippines cho biết nước này ghi nhận 11.101 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này lên 926.052 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở Philippines hiện là 15.810 người, sau khi có thêm 72 bệnh nhân không qua khỏi đại dịch.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho người dân tại một trung tâm tiêm chủng ở thành phố Taguig, Philippines, ngày 16/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *