(kontumtv.vn) – Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,5 triệu ca mắc COVID-19 và trên 7.200 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 423 triệu ca, trong đó trên 5,89 triệu ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức, ngày 28/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (179.147 ca), Đức (137.722 ca) và Brazil (103.363 ca). Trong 24 giờ qua, số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc cũng ở trên mức 100.000 ca, cụ thể là 102.211 ca. Con số này khiến ca mắc mới ở Hàn Quốc cao thứ tư thế giới.

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (798 ca), Brazil (769 ca) và Mexico (457 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 80 triệu ca mắc COVID-19 và trên 958.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 42,8 triệu ca mắc và trên 511.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 28,1 triệu ca mắc và trên 643.000 ca tử vong.

Trong bối cảnh COVID-19 lan rộng, đặc biệt là ở trẻ em khi nhiều nước mở lại trường học, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo khủng hoảng sức khỏe tinh thần với trẻ em Mỹ đã tệ hơn trong đại dịch COVID-19.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu những dữ liệu về số lần các em nhỏ tới khám tại khoa cấp cứu dành cho bệnh nhi trong thời gian từ năm 2019 đến tháng 1/2022.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Một trong hai nghiên cứu trên cho thấy số lần các em nhỏ được đưa tới khám về các vấn đề liên quan bệnh COVID-19 đã tăng lên trong suốt thời gian đại dịch. Ngoài ra, số lần tới khám và tần suất tái khám ghi nhận theo tuần đối với một số trường hợp tổn thương, một số bệnh mãn tính và các lần khám liên quan đến các vấn đề sức khỏe hành vi cũng gia tăng, đặc biệt là ở trẻ em từ 5 đến 17 tuổi.

Trong khi đó, nghiên cứu còn lại chỉ ra rằng các bé gái ở độ tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng suy nghĩ tiêu cực về nhiều vấn đề của cuộc sống. Trong đại dịch, tỷ lệ các bé gái trong tuổi này được đưa đến khám vì rối loạn ăn uống đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đó, trong khi số trường hợp mắc triệu chứng rối loạn giật cơ mặt cũng tăng gấp 3 lần ở nhóm bệnh nhi này.

Bé gái ở tuổi mới lớn có xu hướng đi khám bệnh thường xuyên hơn khi trẻ trong lứa tuổi này thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần hơn. Theo CDC Mỹ, tình trạng trên có thể xuất phát từ các nguy cơ liên quan đại dịch COVID-19 và trở nên tồi tệ hơn khi các em gặp trở ngại trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần do những ảnh hưởng của đại dịch.

Qua hai nghiên cứu trên, CDC Mỹ khuyến nghị cộng đồng nâng cao nhận thức và quan tâm đến sức khỏe tinh thần ở trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn hiện hữu.

Mỹ xem xét gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban hành vào tháng 3/2020 do đại dịch COVID-19 sẽ được gia hạn sau ngày 1/3 vì nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng do virus SARS-CoV-2 gây ra vẫn hiện hữu.

Chú thích ảnh
Người dân trên phố ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Biden cho biết số người tử vong vì COVID-19 tại Mỹ hiện tăng lên hơn 900.000 người, điều này cho thấy chính phủ liên bang cần “toàn lực” ứng phó với đại dịch. Trong bức thư gửi tới chủ tịch Hạ viện và chủ tịch Thượng viện Mỹ ngày 18/2, được Nhà Trắng công bố, ông Biden khẳng định: “Vẫn cần duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia”.

Theo quy định của Mỹ, tình trạng khẩn cấp sẽ tự động chấm dứt trừ khi 90 ngày trước khi hết hạn tổng thống gửi thư cho quốc hội nêu rõ cần tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp. Mỹ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì dịch bệnh COVID-19 vào tháng 3/2020.

Tổng thống Biden đưa ra ý kiến trên khi một số lãnh đạo địa phương của Mỹ đang tiến tới chấm dứt các biện pháp hạn chế khi dịch bệnh do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra trên đà giảm. Tuần trước, lãnh đạo bang New York và Massachusetts thông báo sẽ hủy bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở 2 bang này, sau khi các bang New Jersey, California, Connecticut, Delaware và Oregon, có động thái tương tự. Đầu tuần này, giới chức y tế Mỹ cũng cho biết đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của đại dịch COVID-19 khi các ca nhiễm biến thể Omicron đang giảm.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Biden cùng ngày đã đề xuất chi 5 tỷ USD cho cuộc chiến chống dịch COVID-19 trên toàn cầu, trong đó có cả thúc đẩy tiêm chủng mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19. Trong gói đề xuất trên, 2,55 tỷ USD dành cho việc tiêm chủng toàn cầu cũng như bổ sung ngân sách cho việc điều trị và các biện pháp hỗ trợ khác. Tuy nhiên, con số này thấp hơn đáng kể so với con số 17 tỷ USD mà những người ủng hộ và nhiều nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đã thúc đẩy. Một số nghị sĩ đã bày tỏ thất vọng với chính quyền Tổng thống Biden vì không chú trọng đúng mức đến việc tiêm chủng toàn cầu, điều mà các chuyên gia cho rằng rất quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn các biến thể mới hình thành có thể đe dọa Mỹ.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc vẫn ở mức rất cao

Ngày 19/2, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo trong 24 giờ qua, nước này có thêm 102.211 ca mắc mới, trong đó có 102.072 lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 1.858.009. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới tại Hàn Quốc ở mức trên 100.000 ca trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan mạnh.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 26/1/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong tại Hàn Quốc tăng thêm 71 ca, đưa tổng số người không qua khỏi tại nước này lên 7.354. Số ca mắc COVID-19 nặng đang trong tình trạng nguy kịch hiện đang ở mức 408, tăng 23 ca so với 1 ngày trước đó.

Trong những tuần gần đây, số ca mắc mới tại Hàn Quốc đã tăng mạnh do biến thể Omicron. Chỉ trong 1 tuần sau khi lần đầu tiên ghi nhận 50.000 ca hôm 10/2, số ca mắc mới theo ngày tại nước này đã tăng gần gấp đôi, vượt mốc 100.000 ca lần đầu tiên vào ngày 18/2.

Giới chức y tế Hàn Quốc dự đoán làn sóng lây nhiễm Omicron có thể bắt đầu đạt đỉnh trong khoảng từ cuối tháng này và đầu tháng 3, với số ca mắc mới trong 1 ngày có thể lên tới 130.000-180.000 ca. Bất chấp làn sóng dịch gia tăng, ngày 18/2, Chính phủ Hàn Quốc quyết định tăng thêm thời gian hoạt động của các quán cà phê và nhà hàng, theo đó, trong 3 tuần tới, các cửa hàng được phép mở cửa đến 22h00′ thay vì 21h00 như trước. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ cho rằng các biện pháp phòng, chống COVID-19 khiến doanh thu của họ giảm mạnh. Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn quyết định chỉ cho phép tối đa 6 người được gặp gỡ riêng tư.

Tính đến ngày 19/2, khoảng 30,31 triệu người dân Hàn Quốc, chiếm 59,1% trong tổng số 52 triệu dân nước này, đã tiêm mũi tăng cường. Số người tiêm đủ liều cơ bản là 44,29 triệu người, chiếm 86,3%.

Dịch bệnh tại Hong Kong (Trung Quốc) diễn biến phức tạp 

Số ca mắc mới tại Đặc khu hành chính Hong Kong này trong 24 giờ qua có thể lên tới ít nhất 7.000 ca – mức cao nhất từ trước đến nay.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 17/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó một ngày, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho rằng có thể mất tới 3 tháng để ổn định tình trạng lây nhiễm – vốn đang đẩy các cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải và khiến hòn đảo này phải hoãn cuộc bầu cử trưởng đặc khu khóa VI đến ngày 8/5 tới. Theo bà, chính quyền đặc khu đang lên kế hoạch xét nghiệm đại trà bắt buộc cho toàn bộ người dân, song vẫn loại trừ khả năng phong tỏa.

Hiện các cơ sở cách ly tại Hong Kong đã sử dụng hết công suất, trong khi tỷ lệ giường bệnh trống tại các bệnh viện hiện chỉ còn chưa đến 5%.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Hong Kong ghi nhận trên 40.000 ca mắc và gần 300 trường hợp tử vong, thấp hơn so với nhiều thành phố lớn khác. Tuy nhiên, một số chuyên gia dự báo số ca mắc mới trong ngày ở đặc khu này có thể lên tới 30.000 ca vào cuối tháng 3 tới.

Cũng trong 24 giờ qua, Trung Quốc ghi nhận thêm 80 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca mắc lên 107.512 ca. Số ca tử vong ở Trung Quốc hiện là 4.636 ca.

Số ca mắc mới tại Séc giảm mạnh

Dữ liệu của Bộ Y tế nước này cho biết dịch COVID-19 đang lây lan chậm lại ở nước này với số ca mắc mới giảm tới 30% so với tuần trước.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế mặc trang phục bảo hộ chuyển bệnh nhân COVID-19 tại Praha, CH Séc ngày 6/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể trong ngày 19/2, Séc chỉ ghi nhận 13.774 ca nhiễm mới, giảm 1/3 so với tuần trước. Số ca nghi ngờ nhiễm biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 cũng giảm khoảng 25%. Tính trong 7 ngày qua, tỷ lệ ca mắc trên 100.000 dân ở Séc chỉ là 1.126 người, mức thấp nhất kể từ ngày 19/1.

Hiện dịch bệnh nghiêm trọng nhất diễn ra ở các khu vực Nam Morava và Morava-Silesia, với tỷ lệ mắc mới trên 100.000 dân lần lượt là 1.332 và 1.277 trường hợp. Trong khi đó, Karlovy Vary và Liberec có tỷ lệ này thấp nhấp, lần lượt là 830 và 976 ca mắc/100.000 dân. Việc hệ số lây nhiễm R chỉ duy trì ở mức 0,73-0,75 trong 2 tuần qua cho thấy dịch bệnh ở Séc đang diễn biến chậm lại. Hiện cả nước này chỉ có 3.720 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện, trong đó 260 người trong tình trạng nặng.

Kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Séc từ tháng 3/2020 đến nay, nước này đã có gần 3,5 triệu người mắc bệnh COVID-19 với 38.188 người trong số này không qua khỏi.

Chính phủ Séc xác định tiêm chủng vẫn là biện pháp chủ yếu để chống COVID-19 và khuyến cáo người dân nên tiêm phòng. Đến nay Séc đã hoàn thành 17,3 triệu liều vaccine, trong đó gần 4 triệu liều là mũi tiêm nhắc lại. Gần 64% trong tổng dân số Séc đã hoàn thành việc tiêm chủng. Bộ Y tế Séc đã ký hợp đồng mua thêm hàng trăm nghìn liều vaccine và sẽ tiếp tục tăng thêm các đơn đặt hàng.

Giới khoa học Anh cảnh báo nguy cơ khi dỡ bỏ cách ly và xét nghiệm

Các nhà khoa học nước này đã cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh COVID-19 sẽ gia tăng trở lại nếu như chấm dứt đột ngột các quy định về làm xét nghiệm COVID-19 và cách ly. Cảnh báo này cũng phù hợp với hướng dẫn cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó nói rõ việc gián đoạn hay rút ngắn các biện pháp xét nghiệm và cách ly sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm trở lại.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine COVID-19 tại trung tâm tiêm chủng di động ở phía Bắc London, Anh ngày 25/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tài liệu công bố ngày 18/2, các chuyên gia trong Nhóm khoa học lập mô hình đại dịch cúm của Chính phủ Anh (SPI-M-O) dẫn phân tích của Đại học Warwick chỉ ra rằng các biện pháp phòng dịch COVID-19 (bao gồm xét nghiệm, tự cách ly, đeo khẩu trang, làm việc tại nhà và thay đổi hành vi của người dân) đã giúp làm giảm mức độ lây nhiễm từ 20%-45%. Tuy nhiên, nếu các biện pháp này bị rút lại, tỷ lệ lây nhiễm có khả năng tăng lên từ 25%-80%. Chưa kể, các yếu tố khác như khả năng miễn dịch suy giảm và sự xuất hiện của các biến thể mới cũng sẽ góp phần đẩy nhanh lây lan dịch bệnh. Hiện biến thể BA.2, dòng phụ của biến thể Omicron, đang tăng mạnh ở Anh so với các biến thể khác.

Cùng chung quan điểm này, Tiến sĩ Chaand Nagpaul – Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Y tế Anh (BMA) – cũng bày tỏ lo ngại về những thay đổi trong quy định xét nghiệm và cách ly. Dẫn số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, Tiến sĩ Nagpaul cho biết tỷ lệ mắc COVID-19 tại Anh trong tuần trước là 1/20 người. Số người nghỉ việc do COVID-19 cũng đang ở mức rất cao. Vì thế, việc sống chung với COVID-19 không có nghĩa sẽ bỏ qua tác hại của bệnh dịch với nhiều người và gỡ bỏ các biện pháp bảo vệ cần thiết đối với những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả những người mắc các triệu chứng COVID kéo dài. Ngoài ra, Tiến sĩ Nagpaul cũng phản đối việc tính phí xét nghiệm COVID-19 vì điều này sẽ không khuyến khích những người có triệu chứng nhẹ và khiến ngành y tế khó ứng phó với các đợt bùng phát dịch mới. Theo ông, chính phủ Anh chỉ nên nới lỏng từng bước các biện pháp hạn chế dựa trên các dữ liệu thực tế và tham vấn với các chuyên gia nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng và không gây áp lực cho Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) vốn đang quá tải.

Giới khoa học Anh đưa ra các khuyến cáo trên trong bối cảnh Thủ tướng nước này Boris Johnson dự kiến sẽ công bố kế hoạch “chung sống an toàn với COVID-19” ở vùng England vào ngày 21/2 tới. Kế hoạch sẽ cho phép dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 và chấp dứt cung cấp miễn phí các bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà, giảm xét nghiệm PCR và bỏ quy định cách ly đối với người mắc COVID-19.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *