(kontumtv.vn) – Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,1 triệu ca mắc COVID-19 và trên 2.900 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 469 triệu ca, trong đó trên 6,09 triệu ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 16/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (381.329 ca), Đức (168.187 ca) và Pháp (98.101 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (495 ca), Hàn Quốc (319 ca) và Brazil (235 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 81,3 triệu ca mắc COVID-19 và trên 997.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 516.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 29,6 triệu ca mắc và trên 657.000 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Trẻ em xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Hartford, Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều trẻ em mắc COVID-19, nghiên cứu mới cho thấy trẻ em từng mắc COVID-19 có thể duy trì kháng thể tự nhiên trong ít nhất 7 tháng, và tiêm vaccine sẽ giúp tăng cường khả năng bảo vệ trước virus SARS-Cov-2. Đây là kết quả một nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại bang Texas (Mỹ) thực hiện và được công bố trên tạp chí Pediatrics ngày 19/3.

Nghiên cứu Texas CARES do các chuyên gia thuộc Đại học UTHealth Houston thực hiện từ tháng 10/2020, thu thập và đánh giá dữ liệu của 218 trẻ em ở bang Texas trong độ tuổi từ 5 đến 19 tham gia khảo sát. Mục đích của nghiên cứu là đánh giá mức độ kháng thể sau một thời gian ở người trưởng thành và trẻ em tại bang này. Đến nay, 14 triệu trẻ ở Mỹ đã mắc COVID-19.

Các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu cung cấp 3 mẫu máu vào các thời điểm: trước tiêm chủng và trong giai đoạn các biến thể Delta và Omicron lây lan.

Giáo sư dịch tễ học Sarah Messiah, đồng tác giả nghiên cứu cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên trong khuôn khổ Texas CARES sử dụng toàn bộ số liệu của cả 3 giai đoạn trên. Bà nhấn mạnh các kết quả rất quan trọng vì các số liệu sử dụng không phân biệt trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng hay không, mức độ nặng nhẹ, thời điểm lây nhiễm hay các yếu tố như bệnh nền, giới tính.

Theo Giáo sư Messiah, nghiên cứu này chỉ là 1 bước để hiểu ảnh hưởng của virus SARS-CoV-2 ở trẻ em. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta đều biết kháng thể tự nhiên, cùng với kháng thể sinh ra từ vaccine, giúp bảo vệ tốt nhất trước COVID-19. Hiện một số phụ huynh hiểu lầm rằng nếu con họ từng mắc COVID-19 thì sẽ được bảo vệ bởi kháng thể tự nhiên mà không cần tiêm vaccine. Trong nghiên cứu này, chúng tôi nhận thấy dù trẻ vẫn có một lượng kháng thể nhất định trong ít nhất 6 tháng sau khi mắc COVID-19, chúng ta vẫn chưa biết chính xác ngưỡng bảo vệ tuyệt đối. Chúng ta hiện có công cụ tuyệt vời để trẻ có thêm lớp bảo vệ, đó là tiêm vaccine. Vì thế nếu con bạn đủ điều kiện tiêm chủng, hãy tận dụng cơ hội đó”.

Trung Quốc có các ca tử vong do COVID-19 sau hơn một năm

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ủy ban Y tế Trung Quốc (NHS) cho biết nước này đã ghi nhận 2 ca tử vong do mắc COVID-19. Đây là những trường hợp đầu tiên tử vong kể từ tháng 1/2021.

Theo NHS, cả 2 ca bệnh này đều ở tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 4.051 ca mắc mới, giảm so với mức 4.365 ca ghi nhận một ngày trước đó.

Nhờ việc kết hợp giữa chính sách kiểm soát biên giới chặt chẽ, cách ly trong thời gian dài và phong tỏa mục tiêu, Trung Quốc – quốc gia đầu tiên trên thế giới ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới, đã kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh đang đặt ra những thách thức lớn đối với nước này. Nếu 3 tuần trước đây, Trung Quốc chỉ ghi nhận dưới 100 ca mắc mới/ngày thì con số này đã vọt lên hơn 1.000 ca mắc mới/ngày chỉ trong một tuần. Nhà chức trách Trung Quốc đã phải phong tỏa các thành phố, trong đó có trung tâm công nghệ của Thâm Quyến, nơi sinh sống của 17,5 triệu người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Giang Tô, Trung Quốc, ngày 17/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Trong phát biểu đưa ra ngày 17/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này vẫn theo đuổi chiến lược “Không COVID” (zero COVID). Hàng chục triệu người ở nước này hiện đã được yêu cầu ở trong nhà nhằm khống chế và dập tắt đợt bùng phát dịch bệnh mới. Nhà chức trách cũng thông báo những ca mắc có triệu chứng nhẹ có thể cách ly tại các cơ sở cách ly trung tâm, thay vì đến các bệnh viện chuyên khoa như trước.

Đợt bùng phát này cũng khiến hàng dài người xếp hàng bên ngoài các cơ sở xét nghiệm và việc siết chặt kiểm soát tại các cảng làm dấy lên quan ngại về gián đoạn thương mại.

Giới chức y tế Mỹ cảnh báo làn sóng mới COVID-19

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Cố vấn y tế Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci cảnh báo rằng trong vài tuần tới, số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ có thể gia tăng trở lại sau khi giảm dần trong thời gian gần đây.

Tiến sĩ Fauci nói: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trong vài tuần tới xu hướng giảm dần số ca mắc mới sẽ phần nào chững lại, thậm chí còn có thể gia tăng”. Ông nêu rõ: “Liệu điều đó có dẫn đến một đợt tăng đột biến khác, hay có thể là một đợt tăng nhỏ hoặc trung bình hay không, những khả năng này vẫn chưa rõ ràng vì có rất nhiều diễn biến trong thời điểm hiện nay”.

Tại Mỹ, số ca mắc mới COVID-19 đã giảm trong 2 tháng qua, với tỷ lệ phơi nhiễm mới ở mức hơn 30.000 ca/ngày. Dự báo của Tiến sĩ Fauci được đưa ra căn cứ vào trường hợp nước Anh, nơi mà những ca dương tính mới đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại.

Myanmar thông báo thời điểm đón du khách quốc tế

Chú thích ảnh
Người dân làm lễ tại Chùa Shwedagon ở Yangon, Myanmar. Ảnh: AFP/TTXVN

Myanmar sẽ mở cửa đón các chuyến bay chở khách và nối lại các chuyến bay định kỳ từ ngày 17/4 tới sau khi đóng hoàn toàn biên giới từ tháng 3/2020 do đại dịch COVID-19 hoành hành.

Trong thông báo ngày 19/3, Ủy ban Quốc gia về phòng, chống và điều trị COVID-19 của Myanmar cho biết hoạt động vận tải hàng không quốc tế được nối lại từ ngày 17/4 và quyết định này nhằm vực dậy ngành du lịch, khôi phục hoạt động kinh doanh và tạo điều kiện cho du khách quốc tế đến Myanmar.

Theo Bộ Y tế Myanmar, du khách nước ngoài sẽ phải cách ly trong một tuần, thực hiện hai lần xét nghiệm PCR và phải có giấy chứng nhận đã tiêm phòng đầy đủ.

Ngành du lịch của Myanmar đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đại dịch COVID-19. Từ cuối năm ngoái, chính quyền Myanmar đã để ngỏ khả năng trong năm nay sẽ mở cửa trở lại đón du khách nước ngoài.

86,6% người Indonesia trên 1 tuổi có kháng thể

Một cuộc khảo sát huyết thanh được thực hiện từ tháng 11 đến tháng 12/2021 cho thấy 86,6% người Indonesia trên 1 tuổi có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 trên tàu hỏa ở Bogor, Tây Java, Indonesia, ngày 14/3. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc khảo sát trên do Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Indonesia (FKM UI), phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Viện nghiên cứu sinh học phân tử Eijkman và Phòng xét nghiệm Prodia tiến hành.

Cuộc khảo sát đã phân tích 9.541 mẫu huyết thanh tại 514 phường thuộc các khu vực đô thị lớn của Indonesia, cũng như 10.960 mẫu huyết thanh tại 580 làng nông thôn.
Phát biểu họp báo ngày 18/3, nhà dịch tễ học Iwan Ariawan thuộc FKM UI cho biết việc mang kháng thể trong người không đồng với việc miễn nhiễm với COVID-19, song làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.

Cuộc khảo sát tìm thấy kháng thể chống COVID-19 tại 99,1% số người đã được tiêm hai liều vaccine. Trong khi đó, tỷ lệ này là 91,3% ở những người mới chỉ được tiêm một liều vaccine ngừa COVID-19. Đáng lưu ý là có tới 73,9% số người chưa được tiêm chủng và 99,4% số người vừa mắc COVID-19 mang kháng thể. Tỷ lệ dân số mang kháng thể ở mức 90,8% tại các đô thị và 83,2% ở khu vực nông thôn.

Cũng tại họp báo, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết Indonesia có kế hoạch tiến hành khảo sát huyết thanh ít nhất 6 tháng một lần và cuộc khảo sát huyết thanh lần tới sẽ diễn ra vào giữa năm nay. Kết quả các cuộc khảo sát này được chính phủ sử dụng để hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng, như chính sách tiêm chủng và hạn chế các hoạt động cộng đồng.

Số liệu thống kê của chính phủ Indonesia cho thấy tính đến ngày 18/3, 194,4 triệu người ở nước này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 153,5 triệu người được tiêm hai liều và 16 triệu người được tiêm ba liều.

Indonesia đã phát động chương trình tiêm chủng toàn quốc ngừa COVID-19 vào tháng 1/2021 với mục tiêu cung cấp vaccine cho 208,2 triệu người trong tổng số hơn 270 triệu dân.

Ecuador dỡ bỏ mọi biện pháp cơ bản phòng ngừa dịch COVID-19

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại Quito, Ecuador ngày 18/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso thông báo tất cả các điểm công cộng cả trong nhà và ngoài trời như trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, nhà hàng, công viên, công sở được phép mở cửa đón khách với số lượng tối đa được phép.

Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp của Tổng thống Lasso với Ủy ban Các hoạt động khẩn cấp quốc gia (COE) nhằm phân tích các số liệu chính thức của Bộ Y tế liên quan tới tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nước này, theo đó số ca nhiễm mới liên tục có xu hướng giảm trong những tháng vừa qua. Ông nhấn mạnh mặc dù chính phủ đã dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế liên quan tới các hoạt động đông người nhưng việc sử dụng khẩu trang và các biện pháp phòng dịch khác như dùng cồn khử khuẩn vẫn được giữ nguyên.

Sắc lệnh mới đã loại bỏ hoàn toàn mọi hạn chế được áp dụng khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát cách đây hai năm đối với các hoạt động kinh tế, thương mại, văn hóa, giải trí và thể thao. Biện pháp này cũng bao gồm cả việc tổ chức các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế lớn. Như vậy trận đấu vòng loại World Cup 2022 sắp tới của Đội tuyển quốc gia Ecuador gặp Argentina sẽ được phép mở cửa đón khán giả với 100% sức chứa của sân.

Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 5/2021, chính phủ của Tổng thống Lasso đã thúc đẩy mạnh mẽ chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho toàn dân và đến nay đã có 85% dân số Ecuador trên 5 tuổi đã hoàn tất phác đồ cơ bản, trong khi đó nhóm trẻ em từ 3 – 4 tuổi cũng bắt đầu được phép tiêm vaccine từ tháng 2/2022. Ngoài ra, 30% dân số cũng đã được tiêm mũi vaccine tăng cường.

Theo thống kê chính thức, trong 24 giờ qua, Ecuador ghi nhận 707 ca mắc COVID-19 mới và 13 người tử vong, nâng tổng số ca nhiễm do căn bệnh này từ đầu dịch đến nay lên 852.890 trường hợp, trong đó có 25.175 ca tử vong.

El Salvador triển khai tiêm vaccine mũi 4

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại San Salvador, El Salvador. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống El Salvador, Nayib Bukele thông báo nước này đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 4 cho người dân trên 12 tuổi và cả người nước ngoài bất kể tình trạng nhập cư.

Nhà lãnh đạo El Salvador cho biết việc tiêm chủng là hoàn toàn tự nguyện, người dân có thể tiêm mũi 4 cách mũi thứ 3 một khoảng thời gian là 90 ngày và không cần đăng ký trước.

El Salvador đã bãi bỏ yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và hồ sơ tiêm chủng đối với người nhập cảnh từ ngày 17/11/2021. Mới đây, nước này cũng nhập một lô thuốc kháng virus Molnupiravir để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trưởng thành có nguy cơ diễn biến nặng.

Theo số liệu chính thức, El Salvador đã ghi nhận gần 161.000 ca mắc COVID-19, trong đó trên 4.100 ca tử vong. Trong số 16.232 trường hợp đang được điều trị, có 90 người trong tình trạng nguy kịch và 278 người diễn biến nặng.

Quốc gia với 6,7 triệu dân dự định tiêm chủng cho 5,7 triệu người và đến nay đã có 4,5 triệu người được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong khi 4,4 triệu người đã được tiêm mũi 2 và 1,4 triệu người được tiêm mũi tăng cường. Hơn 30.000 người nước ngoài ở El Salvador đã được tiêm chủng.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *