(kontumtv.vn) – Việc Mỹ rút quân khỏi Syria đem đến nhiều câu hỏi về cục diện của Syria và kẻ thắng, người thua đằng sau quyết định này.

Cục diện phức tạp ở Syria

Mỹ đã đưa quân đến Syria trong chiến dịch chống IS năm 2014 trong bối cảnh tổ chức khủng bố này đã kiểm soát được hơn một nửa lãnh thổ Syria và nước láng giềng Iraq. Tuy nhiên, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders đã đưa ra tuyên bố ngày 19/12 sau chiến thắng gần đây trước IS trong việc giành lại quyền kiểm soát khu vực bờ đông sông Euphrates ở Syria, rằng Mỹ sẽ bắt đầu rút quân khỏi Syria và bắt đầu giai đoạn tiếp theo của chiến dịch tại đây.

cuc dien syria sau khi my rut quan: nga gianh uu the? hinh 1
Cục diện ở Syria sẽ thay đổi như thế nào sau khi Mỹ rút quân? Ảnh: AFP

Bà Sanders cũng khẳng định thêm rằng: “Mỹ và các đồng minh luôn sẵn sàng tham gia ở mọi cấp độ để bảo vệ các lợi ích của Mỹ khi cần thiết và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với nhau để đánh đuổi lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan ra khỏi lãnh thổ, ngăn chặn các nguồn tài chính, ủng hộ cho chúng cũng như bất kỳ phương tiện nào giúp chúng thâm nhập vào biên giới của chúng tôi”.

Bên bờ này của sông Euphrates, Tổng thống Syria Bashar al-Assad – một đồng minh của Iran và Nga cũng tiến hành một chiến dịch riêng chống lại IS.

Mặc dù cả hai đều có mục tiêu thống nhất là chống lại IS nhưng các chiến dịch ở Syria do Nga ủng hộ và do Mỹ ủng hộ lại chia rẽ bởi những mục tiêu chính trị khác nhau. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngầm phản đối sự ủng hộ của CIA với phe nổi dậy cũng như với tình trạng hỗn loạn tại Lybia sau khi phe nổi dậy được liên minh quân sự NATO của phương Tây hậu thuẫn đã giành chiến thắng trong việc lật đổ nhà lãnh đạo Muammar el-Qaddafi. Trong khi Mỹ bắt đầu từ bỏ sự hợp tác với lực lượng nổi dậy ở Syria và ủng hộ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) ôn hòa hơn của người Kurd năm 2015 thì Nga từng bước gián tiếp đại diện cho chính quyền ông Assad trên các mặt trận.

Được sự hậu thuẫn của Nga cùng với các lực lượng ủng hộ chính phủ – chủ yếu là lực lượng Hồi giáo dòng Shiite do Iran hậu thuẫn, lực lượng vũ trang của chính phủ Syria giành lại được nhiều thành phố quan trọng và ngày càng cô lập phe nổi dậy cũng như lấy lại quyền kiểm soát những khu vực IS từng chiếm được trên khắp đất nước. Trong khi đó, Lực lượng Dân chủ Syria cũng đồng thời đánh đuổi được IS khỏi đông bắc Syria. Tuần trước, SDF vừa giành chiến thắng trong một trận chiến quan trọng và giành lại được thị trấn cuối cùng mà tổ chức khủng bố này kiểm soát.

Trong khi các quan chức Washington đã có những tuyên bố khác nhau về việc liệu có nên lật đổ chính quyền ông Assad thì Nga đang tìm cách hỗ trợ chính phủ Syria khôi phục đất nước, tạo điều kiện cho những người tị nạn quay trở lại và giám sát các thỏa thuận hòa giải với các nhóm nổi dậy.

Kẻ thắng, người thua sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria

Giống như Mỹ, sự can thiệp quân sự ở Syria của Thổ Nhĩ Kỳ bị chính phủ Syria coi là một sự vi phạm luật pháp quốc tế. Ankara cũng là một nhân tố quan trọng trong việc ủng hộ phe nổi dậy dọc biên giới tây bắc Syria lật đổ chính phủ Damascus. Ngoài việc lật đổ chính phủ, mục tiêu của phe nổi dậy này còn là đánh bại nhóm người Kurd do Mỹ hậu thuẫn.

Các Đơn vị Tự vệ Nhân dân (YPG) là một trong những nhánh chính của Lực lượng SDF bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là có liên hệ với Đảng Lao động người Kurd (PKK) – một nhóm tập hợp những người đấu tranh với nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đòi ly khai trong suốt 3 thập kỷ. Mỹ đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì các cuộc tấn công vào các vị trí của người Kurd nhưng việc Lầu Năm Góc rút quân khỏi Syria sẽ đem đến sự thay đổi quan trọng trên thực địa ở đây. Lực lượng SDF đã gọi quyết định của Tổng thống Trump là “một cú đâm sau lưng và một sự phản bội với máu xương đổ xuống của hàng nghìn binh lính”.

Động thái này của chính quyền Tổng thống Trump cũng có thể khiến các tay súng người Kurd liên minh với chính phủ Syria bởi trước đó họ từng chống lại phe nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ. Tuy nhiên, tình hình sẽ không đơn giản như vậy, nhất là khi xem xét tới quan hệ hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ – những quốc gia vừa ký kết một thỏa thuận nhằm ngăn chặn bạo lực bùng phát giữa chính phủ Syria và IS tại Idlib – thành trì cuối cùng của phe nổi dậy.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã trình lên Quốc hội ngày 19/12 về hợp đồng chuyển giao hệ thống tên lửa đất đối không Patriot trị giá 3,5 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ, vào thời điểm mà Ankara đang cân nhắc đến đề xuất mua hệ thống S-400 của Nga. Nga đã lắp đặt thống phòng thủ tên lửa và phòng không tiên tiến này tại bờ biển phía tây Syria và đã chuyển trước một mẫu tới quốc gia này – một động thái làm dấy lên những lo ngại của Mỹ và Israel.

Nếu đi vào hoạt động, hệ thống này sẽ khiến quân đội Nga và Syria có khả năng phòng không vô cùng mạnh mẽ khi mà về lý thuyết, hệ thống này có thể chặn đứng các máy bay và tên lửa kẻ thù tấn công vào Syria.

Một kẻ “thua cuộc” khác phải kể đến nếu Mỹ rút quân khỏi Syria chính là nhóm nổi dậy có tên là Maghawir al-Thawra. Ngoài lực lượng quân đội Mỹ chiến đấu chống lại IS ở phía đông Syria, Lầu Năm Góc còn sắp xếp các binh lính để đào tạo và huấn luyện lực lượng nổi dậy này tại một đơn vị đồn trú bao quanh căn cứ Al-Tanf mà Mỹ kiểm soát ở phía nam Syria.

Nga và Syria đều yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ căn cứ này với cáo buộc Mỹ huấn luyện quân đội bên trong căn cứ và lờ đi những nhu cầu nhân đạo của nhóm người tị nạn trong trại Rukban nằm gần biên giới giữa Jordan và khu vực do Mỹ kiểm soát.

Các bài báo gần đây đã cho thấy các đơn vị của Nga và Syria đang tăng cường hiện diện gần căn cứ Al-Tanf nhằm gây sức ép buộc Mỹ phải rút quân. Việc Nhà Trắng đưa ra tuyên bố rút quân ngày 19/12 khiến nhiều người nghi ngờ liệu hai sự việc này có mối liên hệ gì với nhau hay không. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định rằng quyết định này của Mỹ sẽ “mở ra triển vọng cho một giải pháp chính trị” ở Syria và chính phủ Syria sẽ giành lại quyền kiểm soát Al-Tanf.

Can thiệp vào Syria từ năm 2015, Moscow đã tăng cường mối quan hệ không chỉ với Syria mà còn với cả Iran và phe thù địch với Saudi Arabia ở Trung Đông. Điều này sẽ khiến ông Putin đóng vai trò quan trọng trong những cuộc thảo luận về tương lai của Syria. Cùng lúc đó, ông Assad cũng bắt đầu xây dựng mối quan hệ với các nước trong khu vực, đem đến cho Nga một vị trí lâu dài ở vùng Tây Á và phía đông Địa Trung Hải, dọc theo sườn phía nam của NATO./.

 

Kiều Anh/VOV.VN
Theo Newsweek

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *