(kontumtv.vn) – Chưa bao giờ cuộc gặp giữa 2 Tổng thống đương nhiệm Nga-Mỹ lại được chờ đợi với sự thận trọng đặc biệt như vào thời điểm này.

Các cuộc gặp trong quá khứ

Theo RT, trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ dự kiến diễn ra tại Helsiki, Phần Lan vào tháng 7 tới, trong quá khứ, cả hai nước đã tiến hành hàng chục cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo.

cuoc gap trump putin va bai hoc tu cac thuong dinh nga my trong qua khu hinh 1
Tổng thống Nga Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin diễn ra vào năm 1943, thời điểm Chiến tranh Thế giới đang diễn ra. Đó là cuộc gặp của phe Đồng minh có sự tham gia của cả Thủ tướng Anh Winston Churchill.

Sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, Liên Xô (sau này là Nga) và Mỹ bước vào giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Dù vậy, các nhà lãnh đạo 2 nước vẫn tiến hành ít nhất một Hội nghị Thượng đỉnh với phía đối tác. Đó là các cuộc gặp Eisenhower với Khrushchev; Reagan và George H.W. Bush với Gorbachev và Clinton với Yeltsin.

Các cuộc gặp Thượng đỉnh giữa lãnh đạo Nga-Mỹ đều có chung một mục đích, thúc đẩy hợp tác an ninh chung thông qua việc cải thiện quan hệ giữa hai nước, nâng cao vị thế chính trị của cả 2 nhà lãnh đạo cũng như hướng tới những kết quả tích cực.

Dù nội dung các Hội nghị Thượng đỉnh có thể thay đổi theo thời gian, có một chủ đề vẫn không thay đổi kể từ cuộc gặp Eisenhower-Khrushchev vào giữa những năm 50 của thế kỷ trước cho đến tận cuộc họp giữa Obama và Medvedev năm 2009 đó là quản lý và giảm thiểu nguy cơ hiện hữu của “cuộc chạy đua vũ trang giữa các siêu cường hạt nhân”.

Đã có nhiều cuộc họp mang lại những kết quả hết sức tích cực, trong đó phải kể đến cuộc gặp Eisenhower-Khrushchev “mang tinh thần của Trại David” nhằm xóa bỏ tình trạng cô lập lẫn nhau trong giai đoạn chiến tranh lạnh, mở ra khả năng “cùng tồn tại hòa bình” giữa Liên Xô và Mỹ” hay cuộc gặp Nixon và Brezhnev những năm 70 của thế kỷ trước nhằm mở rộng vai trò của các cuộc gặp Thượng đỉnh trong tương lai.

Trong suốt 18 năm lãnh đạo nước Nga, Tổng thống Putin đã có 2 cuộc gặp Thượng đỉnh với các Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 2000 và George W. Bush vào năm 2001. Tuy nhiên, kết quả của cả hai cuộc gặp Thượng đỉnh đều được đánh giá là “không được như kỳ vọng”.

Thượng đỉnh Putin-Trump: Không được Mỹ chờ đợi?

Nếu Thượng đỉnh Nga-Mỹ diễn ra theo dự kiến vào tháng 7, đây sẽ là cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump dù cả hai từng gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Đức một năm trước.

Giới quan sát cho rằng, Thượng đỉnh Trump-Putin sẽ tái hiện những gì những người tiền nhiệm của họ đã làm trong quá khứ nhưng cũng sẽ có những yếu tố “chưa từng có tiền lệ” nếu xét đến cá tính của cả 2 nhà lãnh đạo bởi quan hệ Nga-Mỹ hiện đang xuống mức rất thấp.

Hơn thế nữa, chưa một Tổng thống Mỹ nào chuẩn bị có mặt tại một Hội nghị Thượng đỉnh với Liên Xô (sau này là Nga) lại vấp phải nhiều sự phản đối của phe đối lập như ông Trump hiện nay.

Thậm chí, bất kỳ kết quả tích cực nào (nếu có) từ Thượng đỉnh Trump-Putin cũng có thể bị các nghị sĩ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cùng với truyền thông Mỹ chỉ trích là “sự ảo tưởng lớn” và tên hơn nữa là “phần thưởng lớn” cho Tổng thống Nga Putin vì những gì ông đã làm.

Nhiều chuyên gia nhận định, nếu kết quả mang tính đột phá từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều bị truyền thông Mỹ rêu rao là thể hiện sự “bất lực” của Tổng thống Trump trước nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thì khả năng hợp tác an ninh Nga-Mỹ có thể được thúc đẩy sau Thượng đỉnh Putin-Trump sẽ bị coi là “hết sức tai hại”.

Sức ép từ những kỳ vọng lớn lao

Dù vậy, giới quan sát quốc tế vẫn bày tỏ hy vọng, Thượng đỉnh Trump-Putin có thể là bước khởi đầu tích cực hướng tới việc giảm nguy cơ xảy ra cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa hai nước, giải quyết những vấn đề còn tồn tại ở cả Syria và Ukraine, ngăn chặn NATO tiến hành các cuộc tập trận sát sườn với Nga và cứu vãn quan hệ ngoại giao đang bị tổn hại nghiêm trọng giữa 2 nước.

Hiện nay, cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều đang phải chịu sức ép rất lớn từ trong nước. Trong khi Tổng thống Trump bị ép phải gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga thì Tổng thống Nga Putin lại hứng chịu chí trích từ những quan chức theo đường lối cứng rắn tại Nga rằng, ông đang đàm phán với “một Tổng thống Mỹ rất khó đoán định và nhiều khả năng sẽ không đưa ra bất kỳ cam kết nào tại Hội nghị Thượng đỉnh”.

Có thể nói, cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump là “một việc bắt buộc phải làm” nếu xét đến quan hệ Nga-Mỹ “đầy bất trắc” hiện nay. Tuy nhiên, vẫn có những kẻ đang công khai hoặc ngấm ngầm ngăn trở cuộc gặp lịch sử này. Nếu Thượng đỉnh Trump-Putin không diễn ra như dự kiến, ông Trump sẽ không thử làm lại lần nữa và ông Putin cũng vậy./.

Trần Khánh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *