(kontumtv.vn) – Căn bệnh “Nhà nước Hồi giáo IS” cộng với làn sóng di cư chưa từng có sang châu Âu đòi hỏi Mỹ cần hợp tác tích cực hơn với Nga trong vấn đề Syria.

Dù nói gì đi chăng nữa thì Mỹ vẫn là một siêu cường hàng đầu hiện nay trên thế giới và các động thái của Mỹ đều có tác động nhất định đến an ninh toàn cầu. Trong câu chuyệnNhà nước Hồi giáo IS tự xưng và cuộc khủng hoảng di cư từ Trung Đông sang châu Âu, không thể không nhắc tới vai trò và trách nhiệm của nước Mỹ.

da den luc my can hop tac thuc chat voi nga trong van de syria hinh 0
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: Newsday.com.

Trong các tháng qua, “virus” IS suy yếu không hề đáng kể dù người ta đã rót vào đó bao nhiêu “kháng sinh” là các trận ném bom của liên quân do Mỹ đứng đầu. Trong lúc căn bệnh IS chưa thuyên giảm thì lại bùng lên căn bệnh mới là làn sóng di cư từ Trung Đông sang châu Âu, lớn nhất từ sau Thế chiến thứ 2.

Gốc rễ của vấn đề nằm ở đâu?

Từ trước đây đã có làn sóng di cư từ các nước nghèo ở Trung Đông và Bắc Phi sang miền “đất hứa” EU (nằm không quá xa Trung Đông và Bắc Phi) để tìm kiếm sự đổi đời. Thế nhưng làn sóng này đặc biệt gia tăng mạnh trong thời gian gần đây với nhiều biểu hiện bất thường.

Chính Tổng thống Mỹ Obama mới đây đã thừa nhận nguồn gốc của khủng hoảng di cư hiện nay nằm ở cuộc khủng hoảng Syria.

Thực tế đúng như vậy. Hiện nay thành phần xin tị nạn chủ yếu là các công dân đến từ Syria và Libya – hai nước đều có dấu ấn mạnh của chủ nghĩa can thiệp Mỹ. Ở Libya, phương Tây và Mỹ phá được “cái cũ” nhưng chưa xây nổi cái mới đủ mạnh để ổn định tình hình tại đây. Syria thì đang bùng nhùng với cuộc nội chiến hơn 4 năm và vướng thêm “biến chứng” IS rất khó trị.

Nội chiến Syria và sự tàn bạo của tổ chức IS đã thúc đẩy nhiều người Syria rời bỏ quê cha đất tổ để đi lánh nạn.

Nên nhớ, số người tị nạn từ Syria sang châu Âu tuy lớn nhưng vẫn chỉ là một phần nhỏ so với tổng số người Syria tị nạn ở các nước láng giềng của nước này (như Lebanon, Jordan…).

Một số nhà quan sát cho rằng tổ chức thánh chiến cực đoan IS là “con đẻ” của Mỹ, vẫn do Mỹ giật dây. Nói thế hơi cực đoan. Vì về cơ bản, Mỹ không trực tiếp đào tạo IS, không mong muốn có IS, sự ra đời của IS có lẽ cũng là điều bất ngờ đối với Mỹ. Nhưng rõ ràng chủ nghĩa can thiệp Mỹ đã, bằng cách này hay cách khác, góp phần tạo ra IS – một thực thể quái đản đang đe dọa hòa bình và ổn định của Trung Đông cũng như an ninh của châu Âu và chính nước Mỹ.

Trong khi chủ nghĩa can thiệp Mỹ rõ ràng góp phần quan trọng tạo ra IS, thì một điều đáng tiếc là hiện nay Mỹ vẫn dùng dằng trong cuộc chiến chống IS, thể hiện ở chỗ Mỹ chưa sẵn lòng hợp tác toàn diện với Nga và nhất là với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Các đại diện của chính quyền Mỹ cho rằng sự hỗ trợ của Nga đối với ông Assad làm trầm trọng thêm xung đột Syria và ngăn cản nỗ lực chung của 2 nước trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan.

Thực chất ở đây, Mỹ e sợ thế của người Nga ở Trung Đông sẽ được tăng cường, và chế độ Assad sẽ thêm mạnh nhờ vào sự hậu thuẫn của Nga. Do lo sợ 2 điều này mà người Mỹ quên đi mối họa chung là tổ chức khủng bố IS.

Trong khi đó, Tổng thống Assad và chính quyền của ông là một nhân tố quan trọng hàng đầu chống IS. Xét trong các lực lượng chống IS hiện nay, phe Assad chống IS quyết liệt nhất (vì IS đe dọa trực tiếp sự sinh tồn của chế độ này) và cũng là lực lượng chống IS hiệu quả nhất, vì chế độ này có tính tổ chức cao và quân đội mạnh. Ông Assad vừa có quyết tâm chính trị, vừa sở hữu cả lục quân, không quân và đội quân tình báo để trị IS. Còn phe đối lập Syria thì không có những điều kiện đó, lại thiếu đoàn kết và thường xuyên chém giết lẫn nhau.

Thế nhưng, đã không giúp ông Assad thì chớ, hiện nay người Mỹ lại tập trung vào “bêu xấu” Tổng thống Assad và cô lập ông này. Chính phủ Mỹ một mực phủ nhận vai trò tích cực của Tổng thống Assad và coi ông là nhân tố có hại cho cuộc chiến chống IS!!

Trong lúc các cuộc ném bom của liên quân chống IS chưa thực sự hiệu quả (đến mức IS vẫn nghênh ngang phô diễn trên đường phố và sa mạc) thì thú vị thay, tình báo Mỹ lại rất nhạy và tường tận về các hiện diện quân sự thế này thế kia của Nga ở Syria. Việc săm soi như thế liệu có cần chăng khi Nga không giấu diếm, còn Syria thì công khai muốn được Nga hỗ trợ?

Một mấu chốt cho việc chống IS hiệu quả là Mỹ và Nga hợp tác với nhau, và các lực lượng chống IS phải tạm gác các lợi ích riêng để phục vợi sự nghiệp chung là chống IS.

Nga và Mỹ đều có lợi ích ở Trung Đông và đều là cường quốc toàn cầu góp phần định hình tình hình an ninh trong khu vực. Sự chia rẽ, bất đồng trong quan hệ Mỹ-Nga rõ ràng sẽ làm suy yếu sức mạnh trong cuộc chiến chung chống IS, đe dọa làm tan biến cơ hội trị tận gốc quái thú này.

Ở đây có lẽ cần đến một sự thỏa hiệp, nhất là từ phía Mỹ. Mỹ có thể không ưa ông Assad, nhưng điều đó nên gác sang một bên vào lúc này. Trước mắt, các bên cần tập trung nguồn lực để “xử lý” vấn đề IS. Một khi IS đã “nhuộm đen” toàn bộ Syria thì các bên sẽ cùng thiệt.

Sự hợp tác này càng có ý nghĩa khi Mỹ chủ trương không đưa lục quân vào Syria (và tương lai có lẽ cũng như vậy). Mỹ đã nỗ lực đào tạo phe đối lập Syria về kỹ năng chống IS nhưng việc huấn luyện này gần như chưa đâu vào đâu.

Có lẽ vì chưa thuyết phục được Mỹ về vấn đề Syria nên bên cạnh việc tỏ thiện chí hợp tác chống IS, Nga vẫn phải âm thầm thực hiện những gì cần làm chứ không dừng lại ở những lời nói suông.

Các động thái gần đây cho thấy Nga không muốn xảy ra một Libya thứ 2, và họ hiện có nhiều điều kiện hơn để “đầu tư” vào ván cờ Syria khi mà tình hình Crimea (và có thể cả Ukraine) đang dần ổn định.

Nếu Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga, xa hơn nữa là hợp tác với “đối thủ” Assad, thì tức là họ đã dám vượt qua lợi ích nhỏ vì cái toàn cục. Được thế, Trung Đông được nhờ, thế giới được nhờ, còn hình ảnh và vai trò của Mỹ càng được nâng cao./.

Trung Hiếu/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *