(kontumtv.vn) – Một năm trên cương vị Tổng thống Mỹ, những quyết sách của ông Trump về Trung Đông được cho là vẫn thiếu định hướng chiến lược.

Những người đàn ông với quốc kỳ và cờ của lực lượng dân quân trên tay, cố giấu vẻ mệt mỏi, tươi cười chụp ảnh lưu niệm ở khu vực biên giới giữa Syria và Iraq. Họ ăn mừng, không phải đơn giản chỉ là niềm vui gặp mặt mà là một chiến thắng đến sau rất nhiều khó khăn. Sau nhiều năm chiến đấu, các đối tác của Iran và các lực lượng ủy nhiệm cuối cùng đã có thể liên kết lại từ các khu vực khác nhau ở vùng Levant bị chiến tranh tàn phá.

diem nong trung dong thay doi ra sao sau 1 nam ong trump cam quyen hinh 1
Năm 2017 là một năm đầy biến động ở khu vực Trung Đông.

Đối với những kẻ thù của Iran, cuộc gặp gỡ này đánh dấu đỉnh điểm của những cơn ác mộng tồi tệ nhất. Đó là một khoảnh khắc đánh dấu chiến thắng của Iran trong việc bảo đảm rằng bạn bè và đồng minh của họ kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn bao trùm khu vực biên giới phía Bắc của thế giới Arab, từ biên giới của Iran tới Địa Trung Hải.

Bằng cách nào đó, cuộc gặp gỡ nói trên đã được các phương tiện truyền thông của nhóm Hezbollah do Lebanon hậu thuẫn đưa lên mạng internet hồi tháng 11 vừa qua – thời điểm quyết định của năm 2017. Nó đánh dấu sự hồi sinh của Iran và đồng thời là thất bại trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thề sẽ không nhân nhượng với Iran và sẵn sàng thay đổi chính sách của người tiền nhiệm liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran được cho là đã vô tình khiến Cộng hòa Hồi giáo Iran gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Hôm 13/10, trong một phát biểu, ông Trump khẳng định: “Như tôi đã nói rất nhiều lần, thỏa thuận Iran là một trong những hiệp định tồi tệ nhất và phiến diện nhất mà Mỹ từng tham gia.

Trong trường hợp chúng ta không đạt được giải pháp khi làm việc với Quốc hội và các đồng minh, thỏa thuận sẽ bị hủy. Thỏa thuận tiếp tục được cân nhắc và tôi, với tư cách Tổng thống, có thể tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này bất cứ lúc nào”.

diem nong trung dong thay doi ra sao sau 1 nam ong trump cam quyen hinh 2
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ít lần chỉ trích Iran. Ảnh: ABC News.

Ông Trump cũng từng cam kết đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ là ưu tiên hàng đầu trong khu vực và các lực lượng Mỹ là thành phần quan trọng nhất để đạt được mục tiêu đó. Nhưng ngoài ưu tiên rõ ràng này, chính sách của Mỹ ở Trung Đông là một mớ hỗn độn những mâu thuẫn. Điều này khiến những đồng minh Mỹ bị bất ngờ, xa lánh họ và ngả về phía kẻ thù của Washington.

Tuyên bố của Trump về Jerusalem và những hệ lụy

Ví dụ gần đây nhất xảy ra vào hôm 6/12 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Tuyên bố này công khai chống lại ý nguyện của các đồng minh Arab thân cận nhất của Mỹ, bao gồm cả Saudi Arabia và Jordan.

Các cuộc biểu tình phản đối trên đường phố chống lại tuyên bố của ông Trump có thể sớm muộn sẽ biến mất nhưng những động thái rộng lớn hơn xuất phát từ các tác động tiêu cực của tuyên bố này đang được các đối thủ của Mỹ nhanh chóng tận dụng.

Một tuần sau quyết định của Tổng thống Trump, cuộc họp khẩn ở Istanbul của các nhà lãnh đạo Hồi giáo đã ra tuyên bố cho rằng quyết định của ông Trump là vô hiệu và nó cũng đánh dấu việc Mỹ bị loại ra khỏi danh sách trung gian hòa giải trong tiến trình hòa bình Israel-Palestine.

diem nong trung dong thay doi ra sao sau 1 nam ong trump cam quyen hinh 3
Làn sóng phản đối tuyên bố của ông Trump đã lan rộng khắp thế giới Arab. Ảnh: AFP/Getty.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói: “Mỹ đã từ bỏ thẩm quyền của mình làm trung gian hòa giải và tự tách khỏi tiến trình hòa bình khi thiên vị hoàn toàn Israel”.

Cũng chính ông Abbas hồi tháng 5/2017 khi đứng cạnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng đã từng nói: “Với ông [Donald Trump-ND], chúng tôi có hy vọng”.

Kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, công việc soạn thảo và thực hiện chính sách Trung Đông của Mỹ là trách nhiệm của người con rể 36 tuổi Jared Kushner. Giữ vai trò cố vấn đặc biệt của Tổng thống nhưng rõ ràng Kushner không phải là người có quan điểm trung lập. Jared Kushner từng là đồng giám đốc quỹ tài trợ cho các khu định cư của Israel (xây dựng bất hợp pháp, theo luật quốc tế) ở Bờ Tây.

Tất cả các vị trí ngoại giao quan trọng của Mỹ trong khu vực hiện nay vẫn đang bỏ trống. 8 sứ quán Mỹ ở Trung Đông, bao gồm Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Saudi Arabia đều không có đại sứ trong bối cảnh vị trí lãnh đạo của Ngoại trưởng Rex Tillerson tại Bộ ngoại giao Mỹ vẫn đang là câu hỏi lớn.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang bỏ ngoài tai lời khuyên của các nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm về vấn đề Jerusalem và rộng hơn là vấn đề Trung Đông. Theo cách nói hình tượng của giới phân tích, những người mới ngồi vào vị trí chèo lái ở Washington và ở những nơi khác. Hãy thắt dây an toàn trước khi muốn di chuyển và tăng tốc!

diem nong trung dong thay doi ra sao sau 1 nam ong trump cam quyen hinh 4
Jared Kushner (bìa phải), con rể Tổng thống Trump được cho là người soạn thảo và thực hiện chính sách Trung Đông của Mỹ. Ảnh: ABC News.

“Cánh tay nối dài” của ông Trump ở Trung Đông

Thời gian gần đây, có một gương mặt nổi lên như là người Arab có quan hệ gần gũi nhất với Tổng thống Trump, đó là Thái tử 32 tuổi, người Saudi Arabia Mohammed Bin Salman. Đây là nhân vật đã bắt tay vào một cuộc tự do hóa nhanh chóng ở quê nhà. Trong đó có một số quyết định nổi bật như cho phép phụ nữ lái xe, mở rạp chiếu phim… Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng là những tính toán sai lầm lớn ở nước ngoài.

Thái tử Mohammed Bin Salman được cho là người khởi xướng cuộc chiến thảm khốc ở Yemen, lệnh cấm vận Qatar (khiến nước này tìm đến mối quan hệ gần gũi hơn với Iran), tác động đến quyết định từ chức “lạ thường” của Thủ tướng Lebanon Saad Al-Hariri (người sau đó đã rút đơn từ chức) và gần đây nhất là việc bắt giữ tỷ phú Sabih Al-Masri (người điều hành Ngân hàng Arab, một nhà tài trợ chính cho Chính phủ Jordan và là nhà đầu tư chính trên lãnh thổ Palestine).

Tất cả đều là nỗ lực vụng về để loại bỏ nhiều đối thủ chính trong thế giới Arab này được cho là có thể gây ra trở lực với Saudi Arabia, và cho đến nay, thực tế đã chứng minh tất cả những gì mà nỗ lực này mang lại chỉ là làn sóng chống Saudi Arabia ngày càng lan rộng trên toàn khu vực.

Mỹ với sự thúc giục của Saudi Arabia và Israel đang cố gắng liên kết với nhau để chống lại sức mạnh ngày càng gia tăng của Iran. Hàng thập kỷ bị trừng phạt và cô lập ngoại giao không thể làm triệt tiêu ảnh hưởng của Iran, trong khi đó, đối chọi với họ là một liên minh tồn tại nhiều toan tính riêng lại được sự dẫn dắt của một siêu cường vốn đang bị phân tâm bởi những rối loạn trong đường lối.

Điều đó, cộng với triển vọng hòa bình giữa Israel và Palestine ngày càng xa vời, rõ ràng là sứ mệnh của Mỹ ở Trung Đông hiện nay đã trở thành “bất khả thi”.

diem nong trung dong thay doi ra sao sau 1 nam ong trump cam quyen hinh 5
Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman. Ảnh: AP.

Mỹ “sụt” Nga “trồi”

Sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran ở Trung Đông hoàn toàn trùng khớp với sự hiện diện của Nga và những động thái ngày càng quyết đoán hơn của Moscow trong khu vực.

Tháng 9/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định đưa lực lượng đến Syria theo lời đề nghị của Tổng thống nước này Syria Bashar al-Assad. Hồi đầu tháng 12/2017, trong chuyến thăm bất ngờ tới căn cứ không quân Hmeimim, tỉnh Latakia, Syria Tổng thống Putin tuyên bố đã hoàn thành sứ mệnh trong cuộc chiến chống lại “những kẻ khủng bố” và rút một phần quân đội Nga về nước.

Nga vẫn tiếp tục cải thiện mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ – một quốc gia thành viên NATO. Moscow và Ankara là những “đạo diễn chính” cho các cuộc đàm phán hòa bình Syria ở Astana, Kazakhstan, nơi mà Mỹ chỉ có thể đóng vai trò là một nhà quan sát thụ động.

Đáng chú ý, mới đây, lần đầu tiên, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận mua bán 4 hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại S-400 trị giá lên tới 2,5 tỷ USD.

Tình hình ở Syria cho thấy rõ rằng sự quyết đoán của Nga đi kèm với sự suy yếu của Mỹ. Việc Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd chống IS ở miền Bắc Syria đã làm cho quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu cú sốc đáng kể. Nên nhớ rằng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đặt đảng Công nhân người Kurd (PKK) ngoài vòng pháp luật sau khi nhóm này nổi dậy chống lại quân đội Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984.

Từ khủng hoảng đến khủng hoảng

Công bằng mà nói, sự nhầm lẫn không phải là mới mẻ đối với chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Tổng thống Barack Obama từng vẽ ra một đường giới hạn đỏ về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria nhưng trên thực tế, dù đưa ra cáo buộc lực lượng của ông Assad đã vượt qua “lằn ranh” này nhưng Mỹ không hành động.

Có những tranh cãi về việc có nên ủng hộ phe đối lập vũ trang ở Syria hay không, cuối cùng thì chính quyền Obama đã cung cấp vũ khí cho lực lượng này chống lại Chính phủ Syria nhưng điều này là không đủ để có thể lật đổ ông Assad. Thậm chí, phe đối lập còn bị chia rẽ sâu sắc và hiện đang đứng bên bờ vực thất bại.

Chính quyền của Tổng thống Trump kế thừa những thất bại đó và vội vã xây dựng một chiến lược mới trên tàn dư còn lại, đe dọa từ chối thỏa thuận hạt nhân Iran, phá vỡ chính sách lâu năm của các chính quyền tiền nhiệm về Jerusalem.

Giờ đây, đã có những tín hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng để có một đối sách nghiêm khắc hơn với Iran. Hôm 14/12, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã lên tiếng cáo buộc Iran “thổi bùng ngọn lửa xung đột” trong khu vực thông qua việc cung cấp tên lửa cho nhóm phiến quân Hồi giáo Houthi ở Yemen.

Tuyên bố này khiến người ta liên tưởng đến cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, hồi năm 2003, ông này từng nói rằng, Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Về phần bà Haley, bà dường như đang muốn đặt nền mong cho một “liên minh của những người sẵn sàng hành động” do Mỹ lãnh đạo để chống lại Iran.

Các đồng minh châu Âu truyền thống đang phá vỡ hàng ngũ của Washington, lùi lại một nhịp khi Mỹ và Saudi Arabia tự bản thân họ tạo ra một cuộc khủng hoảng khác ở khu vực Trung Đông. Trong khi liên minh giữa Mỹ và phương Tây gặp vấn đề, Nga đã và đang nhanh chóng có phương án theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bầu không khí chính trị hỗn loạn và chia rẽ trong nước, Washington đã vội vã “lao đầu” vào tình hình Trung Đông nếu nói nhẹ là “không hề đúng lúc” còn nói nặng hơn là “thảm họa” đối với Mỹ. Nếu xem 2017 là một chặng đường ghập ghềnh với Mỹ tại Trung Đông thì hãy chờ đợi xem điều gì sẽ đến trong năm 2018./.

 

Hùng Cường/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *