Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 5/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 149.000 ca), Nga (28.080 ca) và Ấn Độ (27.336 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.072 ca), Mexico (685 ca) và Nga (488 ca).

Nhiều nước đang xúc tiến kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên.

Châu Mỹ

Mỹ bắt đầu tiêm chủng quy mô lớn từ ngày 14/12 

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho một tình nguyện viên tại Detroit, Michigan, Mỹ ngày 5/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Tướng Gustave Perna – phụ trách triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 – cho biết đợt tiêm chủng 2,9 triệu liều vaccine đầu tiên ở Mỹ sẽ diễn ra trong tháng 12, bắt đầu với việc tiêm cho các nhân viên y tế sớm nhất từ 14/12 và những người cao tuổi tại các viện dưỡng lão vào cuối tuần tới.

Vaccine COVID-19 của Pfizer đã được các cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho đối tượng từ 16 tuổi trở lên vào ngày 11/12 trong bối cảnh đại dịch đang gia tăng ở nước này, với hàng nghìn ca tử vong mỗi ngày, và các đơn vị chăm sóc đặc biệt trên toàn quốc đã hoạt động gần hết công suất. Theo Tướng Perna, vaccine COVID-19 của Pfizer và BioNTech sẽ được chuyển đến 145 địa điểm trên khắp đất nước Mỹ từ 14/12. Số còn lại trong 636 địa điểm phân phối do các tiểu bang và vùng lãnh thổ ở Mỹ lựa chọn sẽ nhận được vaccine vào ngày 15/12 và 16/12. Cứ sau mỗi tuần, Pfizer sẽ cung cấp nhiều liều vaccine có sẵn hơn để phân phối và sử dụng.

Pfizer là loại vaccine COVID-19 đầu tiên được cấp phép tại Mỹ, Anh, Canada và ba quốc gia khác.

Số ca mắc trung bình hằng ngày tại Canada tăng nhanh

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Vancouver, British Columbia, Canada ngày 24/11. Ảnh: THX/TTXVN

Tính đến 6h sáng 14/12 (giờ Việt Nam), Canada xác nhận tổng cộng 459.026 ca mắc và 13.409 ca không qua khỏi.

Cơ quan Y tế công cộng Canada thông báo số ca mắc trung bình của quốc gia Bắc Mỹ này trong 7 ngày qua lên tới 6.543 ca/ngày. Số người mắc bệnh thể nặng tiếp tục tăng trên cả nước. Số liệu thống kê cho thấy trong 7 ngày gần đây nhất, trung bình mỗi ngày có 2.900 người mắc COVID-19 được điều trị tại các bệnh viện, trong đó 565 người cần điều trị, chăm sóc đặc biệt.

Trong khi đó, Bộ Y tế Canada cảnh báo những người dị ứng với bất cứ thành phần nào của vaccine ngừa COVID-19, do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế, không nên tiêm phòng loại vaccine này.

Trước đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo 249.000 liều vaccine của Pfizer/BioNTech sẽ được vận chuyển đến nước này vào cuối tháng 12/2020 để bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng đại trà. Vaccine của Pfizer/BioNTech là một trong 4 ứng cử viên vaccine mà Bộ Y tế Canada đang đánh giá hiệu quả. Ba ứng cử viên còn lại là 3 vaccine của các hãng Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.

Brazil công bố kế hoạch quốc gia về tiêm phòng vaccine COVID-19

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một tình nguyện viên tại Porto Alegre, Brazil, ngày 8/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Brazil đã công bố kế hoạch quốc gia về tiêm chủng vaccine COVID-19 với mục tiêu giai đoạn đầu là tiêm cho 51 triệu người, tức 25% dân số nước này, trong nửa đầu năm 2021.

Trong một văn bản trình Tòa án Tối cao, Bộ Y tế cho biết 108 triệu liều vaccine sẽ có sẵn tại Brazil và ưu tiên cho những nhóm dễ bị tổn thương gồm các nhân viên y tế, người cao tuổi và các cộng đồng bản địa. Theo kế hoạch, khoảng 148 triệu người trong tổng số 212 triệu dân, tức 70% dân số Brazil, cần được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và mỗi người sẽ cần tiêm 2 mũi vaccine. Kế hoạch hiện nay chỉ đạt gần 30% mục tiêu trên. Trong khi đó, bản kế hoạch của Chính phủ Brazil không đề cập đến thời điểm bắt đầu triển khai chương trình tiêm phòng cho người dân cũng như không nêu rõ các nguồn cung vaccine. Hiện Chính phủ Brazil có kế hoạch dành 20 tỷ reai (4 tỷ USD) trong ngân sách để mua vaccine ngừa COVID-19.

Peru nối lại các chuyến bay thương mại tới châu Âu

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Lima, Peru. Ảnh: AFP/TTXVN

Peru cho phép các hãng hàng không quốc tế nối lại các chuyến bay thương mại tới châu Âu để kích hoạt lại nền kinh tế sau thời gian dài đóng cửa vì COVID-19.

Bộ Giao thông và Truyền thông Peru xác nhận cho phép các hãng hàng không quốc tế nối lại các chuyến bay thương mại tới châu Âu. Các chuyến bay khứ hồi kết nối thủ đô Lima và 5 thành phố tại châu Âu, bao gồm Madrid và Barcelona (Tây Ban Nha), Amsterdam (Hà Lan), Paris (Pháp) và London (Anh), sẽ được khôi phục kể từ ngày 15/12 tới.

Biện pháp trên là một phần trong quá trình kích hoạt lại nền kinh tế nước này sau thời gian dài đóng cửa chống dịch COVID-19, khiến hàng triệu người Peru rơi vào cảnh thất nghiệp.

Việc khởi động lại các chuyến bay quốc tế tại Peru đã bắt đầu vào tháng 10/2020 với các chuyến bay thẳng tới các thành phố tại khu vực như Guayaquil và Quito (Ecuador); La Paz và Santa Cruz (Bolivia); Bogotá, Cali và Medellín (Colombia); Panama; Asuncion (Paraguay); Montevideo (Uruguay) và Santiago (Chile).

Tháng trước, Bộ Giao thông và Truyền thông Peru cũng đã “bật đèn xanh” cho các chuyến bay thẳng đến Cuba, Jamaica, El Salvador, Brazil, Argentina, Mexico, Mỹ và Canada.

Theo quy định từ Bộ Y tế Peru, du khách xuất nhập cảnh sẽ phải tuân thủ chặt chẽ quy trình an toàn dịch tễ, trong đó phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong thời gian 72 giờ.

Châu Âu

Đức chính thức phong tỏa toàn phần từ ngày 16/12

Chú thích ảnh
Người dân di chuyển trên đường phố tại Berlin, Đức ngày 27/11. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 13/12, chính phủ liên bang và chính quyền các bang ở Đức đã nhất trí áp đặt phong tỏa toàn phần từ ngày 16/12 tới. Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến cùng ngày giữa Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến 16 bang của Đức bàn biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Với quyết định trên, tất cả các cửa hàng, ngoại trừ các cửa hàng bán thực phẩm phục vụ nhu cầu tối thiểu hằng ngày, đều sẽ bị đóng cửa bắt đầu từ ngày 16/12 cho tới ít nhất ngày 10/1/2021. Quy định áp dụng ngoại lệ với các phiên chợ hằng tuần, với người tiếp thị, giao và nhận hàng, cửa hàng thực phẩm chuyên về sức khỏe y tế và hiệu thuốc. Quyết định này được cho sẽ tác động nhiều tới cuộc sống của người dân, đặc biệt trong dịp lễ Giáng sinh truyền thống và đón Năm mới.

Việc áp dụng phong tỏa nêu trên được đưa ra trong bối cảnh số ca lây nhiễm và tử vong do COVID-19 ở Đức không có dấu hiệu thuyên giảm, mặc dù các biện pháp phong tỏa cục bộ đã có hiệu lực từ đầu tháng 11 vừa qua.

Trong 24 giờ qua, cả nước Đức ghi nhận 17.891 ca mắc mới COVID-19 và 235 ca tử vong. Trước đó, trong ngày 11/12, nước Đức đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ đầu dịch, với 29.875 ca, trong đó có 598 ca không qua khỏi.

Italy triển khai tiêm vaccine vào tháng 1/2021

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho biết Italy sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 vào tháng 1/2021.

Bộ trưởng Speranza nêu rõ, từ tháng 1 đến tháng 3/2021, Italy sẽ có khoảng 10 triệu liều vaccine để tiêm cho người dân, và trọng tâm của chiến dịch tiêm chủng sẽ rơi vào cuối mùa Xuân 2021. Hai công ty đầu tiên dự kiến sẽ được các cơ quan quản lý “bật đèn xanh” và sẽ cung cấp vaccine cho Italy là Pfizer-BioNTech và Moderna. Ông Speranza cũng nhấn mạnh an toàn vẫn là tiêu chí hàng đầu cho việc cấp phép vaccine của quốc gia này. Dự kiến, trong quý đầu tiên của năm 2021, Pfizer-BioNTech và Moderna sẽ cung cấp cho Italy theo hợp đồng lần lượt là 8.749.000 và 1.346.000 liều. Chính phủ Italy cũng đã lên kế hoạch đặt hàng với tổng số 202.573.000 liều vaccine để cung cấp cho người dân.

Ủy viên về tình trạng khẩn cấp Domenico Arcuri cho biết, trong đợt tiêm chủng đầu tiên vào tháng 1, sẽ có 1.874.323 người được tiêm chủng. Đây là những đối tượng được ưu tiên do tính chất công việc có nguy cơ lây nhiễm cao, bao gồm nhân viên y tế, những người làm công tác xã hội, nhân viên và những người trong các viện dưỡng lão.

Tính tới nay, Italy đã ghi nhận trên 1,8 triệu ca mắc COVID-19 và trên 64.500 ca tử vong. Italy là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất ở châu Âu.

Châu Á

Khả năng Hàn Quốc thực hiện giãn cách xã hội mức cao nhất

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 13/12 kêu gọi dốc toàn lực để hạn chế COVID-19 lây lan ở nước này, tuyên bố cuộc chiến chống dịch bệnh của Hàn Quốc đang ở “giai đoạn then chốt” trước khi quyết định liệu có nâng mức giãn cách xã hội lên mức cao nhất hay không.

Trong cuộc họp liên ngành để ứng phó với dịch bệnh COVID-19 tại trụ sở Trung tâm Đối phó Thảm họa và An toàn ở thủ đô Seoul, Tổng thống Moon nhấn mạnh “Không thể lùi bước được nữa. Đây là thời điểm then chốt khi (chính phủ) đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh bằng cách huy động tất cả các nguồn lực và sức mạnh của bộ máy hành chính”.

Tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc được đưa ra sau khi Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết trong số 1.030 ca bệnh thông báo sáng 13/12, có 1.002 ca lây nhiễm trong cộng đồng – mức cao nhất kể từ khi Hàn Quốc phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên hồi tháng 1/2020.

Hiện các cơ quan y tế Hàn Quốc đã nâng cấp độ giãn cách xã hội lên mức 2,5 trong thang bậc 5 cấp hồi đầu tuần này (mức 3 là cao nhất), song vẫn không làm chậm tình trạng lây nhiễm.

Người đứng đầu đảng Dân chủ cầm quyền Hàn Quốc ngày 13/12 cam kết nỗ lực để bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Hàn Quốc trước tháng 3/2021.

Hạ Nghị sĩ Lee Nak-yon đã đưa ra phát biểu trên trong cuộc họp báo đánh dấu 100 ngày ông nắm quyền lãnh đạo đảng. Ông cho biết sẽ cố gắng hết sức để thúc đẩy việc sử dụng các loại thuốc và vaccine ngừa COVID-19 càng nhiều càng tốt trong khi vẫn đảm bảo an toàn và sự hiệu quả.

Ông cũng nhấn mạnh đảng cầm quyền và Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo đủ giường bệnh trong các cơ sở y tế, bao gồm các phòng khám tạm thời, trung tâm điều trị nội trú và các phòng chăm sóc đặc biệt.

Nhiều công ty Nhật Bản không tổ chức tiệc tất niên và Năm mới 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 12/12. Ảnh: THX/TTXVN

Do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều công ty và doanh nghiệp Nhật Bản đã quyết định không tổ chức tiệc tất niên và Năm mới nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên.

Theo kết quả một cuộc khảo sát do Tokyo Shoko Research công bố ngày 13/12, có 87,8% trong 10.059 công ty, doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ không tổ chức các buổi tiệc tất niên “bonenkai” và tiệc Năm mới “shinnenkai”, vốn là những sự kiện đặc biệt trong văn hóa công sở Nhật Bản, thường được tổ chức trong tháng 12  và tháng 1 hằng năm.

Đây là kết quả cuộc khảo sát trực tuyến được Tokyo Shoko Research thực hiện từ ngày 9-16/11, thời điểm nhiều địa phương Nhật Bản vẫn chưa ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày tăng cao như thời gian gần đây. Tháng 12/2020, Nhật Bản có ngày ghi nhận tới hơn 3.000 ca mắc mới.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp, công ty không tổ chức sự kiện cuối năm ở những địa phương đông dân cư, cao hơn. Hokkaido, Osaka và Tokyo là những địa phương có hơn 90% các công ty và doanh nghiệp được khảo sát không tổ chức các sự kiện này, trong khi đó, chỉ 65-68% các công ty và doanh nghiệp tại các tỉnh Akita và Saga, nơi số ca nhiễm trong ngày ở mức 1 chữ số, quyết định không tổ chức sự kiện.

Ấn Độ có gần 10 triệu ca bệnh

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế Ấn Độ, tổng số ca mắc tại quốc gia Nam Á đã lên tới trên 9,88 triệu ca sau khi có thêm 27.336 ca mắc trong 24 giờ qua.

Số ca tử vong tại Ấn Độ tăng thêm 338 ca lên 143.393 ca. Delhi là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất trên cả nước.

Thùy Dương/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *