(kontumtv.vn) – Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 465.000 ca bệnh COVID-19 và trên 10.100 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 172 triệu ca, trong đó trên 3,7 triệu ca tử vong.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị ở ngoại ô Lima, Peru, ngày 22/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (134.105 ca), Brazil (94.509 ca) và Argentina (35.017 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (2.899 ca), Brazil (2.394 ca) và Argentina (587 ca).

Như vậy, 2 trong số 3 quốc gia ghi nhận ca mắc và tử vong hàng ngày cao nhất thế giới đều nằm ở Nam Mỹ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ quan ngại về tình hình dịch COVIDD-19 tại khu vực này, cảnh báo các đợt bùng phát dịch đang diễn biến xấu đi.

Ông Michael Ryan, Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp thuộc WHO, lưu ý rằng trong số 10 quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới vào tuần trước thì có 8 nước tập trung ở châu Mỹ. Phát biểu với báo giới, quan chức WHO nhấn mạnh: “Tình hình dịch tại Nam Mỹ thời điểm này rất đáng quan ngại”. Ông nêu rõ khu vực này đã ở trong tình cảnh thực sự khó khăn mới chỉ vài tháng trước đây, hiện nay tình hình lại đang bắt đầu diễn biến xấu đi.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Brasilia, Brazil, ngày 15/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông Ryan, tình trạng lây lan dịch bệnh tại Nam Mỹ đang căng thẳng, lây nhiễm trong cộng đồng diễn ra trên diện rộng trong khi hệ thống y tế quá tải, tỷ lệ tử vong cao.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Peru ngày 1/6 công bố số ca tử vong do COVID-19 ở nước này là 180.764 ca, cao gấp đôi con số thống kê chính thức 69.342 ca trước đó, sau khi các chuyên gia phát hiện có nhiều trường hợp tử vong chưa được thống kê. Như vậy, Peru trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 tính trung bình trên đầu người cao nhất thế giới. Trong khi đó, Brazil đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong do COVID-19, sau Mỹ.

Ông Ryan nêu rõ tỷ lệ xét nghiệm có kết quả dương tính với COVID-19 tại nhiều nước Nam Mỹ vẫn ở mức “cao đáng kể”, trong đó Paraguay là 37%, Argentina là 33% và Colombia là 30%.

WHO đánh giá chỉ có một dòng biến thể Ấn Độ đáng lo ngại

WHO cho biết trong số 3 dòng phụ của biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ – biến thể B.1.617,  chỉ có một dòng được phân loại ở mức “biến thể đáng lo ngại”.

WHO phân chia biến thể B.1.617 thành 3 dòng gồm B.1.617.1 (còn gọi là Kappa); B.1.617.2 (Delta) và B.1.617.3. Tháng trước, cơ quan này tuyên bố tất cả 3 dòng phụ của B.1.617 đều là “biến thể đáng quan ngại”.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân tử vong do COVID-19 tới nhà xác ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 24/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật định kỳ hằng tuần về tình hình dịch COVID-19, WHO khẳng định các nguy cơ lớn hơn đối với sức khỏe cộng đồng rõ ràng có liên quan đến dòng biến thể Delta, trong khi tốc độ lây lan của hai dòng còn lại thấp hơn. WHO nhấn mạnh Delta đang tiếp tục lây lan nhanh chóng và ngày càng có nhiều quốc gia báo cáo các đợt bùng phát liên quan đến dòng biến thể này. Báo cáo cũng cho biết ưu tiên hàng đầu hiện nay của WHO là tiến hành nghiên cứu sâu hơn về tác động của dòng biến thể Delta.

Theo dữ liệu của WHO công bố hôm 26/5, biến thể B.1.617 từ Ấn Độ khi đó đã được chính thức ghi nhận xuất hiện tại 53 vùng lãnh thổ trên thế giới. WHO nhấn mạnh biến thể B.1.617 đã gia tăng tốc độ lây lan, trong khi các chuyên gia y tế đang xác định mức độ nguy hiểm và nguy cơ lây nhiễm biến thể này.

Ấn Độ hủy kỳ thi lớp 12 vì COVID-19

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 15/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Ấn Độ thông báo do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nước này sẽ không tổ chức kỳ thi lớp 12 trong năm nay.

Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ cho hay Thủ tướng Narendra Modi đã đưa ra quyết định trên tại cuộc họp với một số bộ trưởng chủ chốt ngày 1/6. Theo Thủ tướng Modi, quyết định này được đưa ra vì lợi ích của học sinh, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến lịch học và việc thi cử gây áp lực đối với học sinh cũng như nhà trường.

Theo Văn phòng Thủ tướng, Hội đồng giáo dục trung học (CBSE) sẽ tổng hợp kết quả học tập của học sinh lớp 12.

Tháng 4 vừa qua, Ấn Độ đã quyết định hủy kỳ thi lớp 10, theo kế hoạch diễn ra từ ngày 4/5 đến 14/6, đồng thời hoãn kỳ thi lớp 12.

Malaysia ghi nhận số ca tử vong theo ngày lần đầu vượt ngưỡng 100 ca

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Kuala Lumpur, Malaysia, trong thời gian áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19, ngày 1/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng với sự gia tăng trở lại về số ca mắc mới, ngày 2/6, Malaysia lần đầu ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 vượt con số 100 ca/ngày, cụ thể 126 ca, tăng 28,5% so với ngày 29/5 – thời điểm ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát (98 ca).

Theo Bộ Y tế Malaysia, ngày 2/6, nước này có 7.703 ca mắc COVID-19 mới. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca nhiễm mới trên 7.000 ca/ngày. Số ca nhiễm mới trong 2 ngày qua tăng tới 8,5%. Bang Selangor vẫn là địa phương tập trung số ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất trên cả nước với 2.728 ca, tiếp đó là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur với 701 ca và bang Sarawak với 588 ca. Tới nay, Malaysia có tổng cộng 587.165 ca mắc COVID-19, bao gồm 2.993 ca tử vong, chiếm 0,51% và 82.274 ca vẫn đang dương tính với virus SARS-CoV-2, chiếm 14,01%.

Campuchia ghi nhận số ca mắc tăng trở lại

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 31/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Campuchia ngày 2/6 thông báo số ca mắc COVID-19 mới ở nước này, luôn giữ ở mức tăng trên dưới 500 ca/ngày trong những tuần gần đây, đã tăng trở lại thêm 750 ca trong 24 giờ qua.

Theo thông cáo của bộ trên, trong tổng số 750 ca mắc mới có 34 ca nhập cảnh và 716 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia kể từ đầu mùa dịch đến nay lên 31.460 ca, trong đó có 24.042 người khỏi bệnh và 230 ca tử vong (sau khi có thêm 10 ca tử vong mới).

Campuchia cũng phát hiện nhiều ca nhiễm ở bên ngoài thủ đô Phnom Penh thuộc các tỉnh Banteay Meanchey, Kampong Cham, Kampong Chhnang, Takeo, Prey Veng và Svay Rieng. Dịch COVID-19 đã xuất hiện tại tất cả 25 tỉnh, thành của Campuchia.

Trung Quốc ghi nhận 10 ca lây nhiễm trong cộng đồng

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một điểm tiêm chủng ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 2/6, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết nước này ghi nhận tổng cộng 24 ca mắc mới COVID-19. Trong số ca mắc mới này, có 14 ca nhập cảnh và 10 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Quảng Đông.

Trong số 10 ca mắc mới ở tỉnh Quảng Đông có 7 ca được phát hiện ở thành phố Quảng Châu và 3 ca ở thành phố Phật Sơn. Thành phố Quảng Châu, “tâm chấn” của đợt bùng phát dịch COVID-19 cục bộ mới nhất ở Trung Quốc lần này, đã ghi nhận tổng cộng 41 ca mắc trên địa bàn từ ngày 21/5 đến ngày 1/6.

Tính đến ngày 2/6, Trung Quốc có tổng cộng 91.146 ca mắc COVID-19, trong khi số trường hợp không qua khỏi vẫn là 4.636 ca.

Australia: Thành phố Melbourne gia hạn phong tỏa thêm một tuần

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Melbourne, Australia, trong thời gian phong tỏa phòng dịch COVID-19, ngày 28/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 2/6, chính quyền thành phố Melbourne, bang Victoria thông báo gia hạn lệnh phong tỏa tại thành phố lớn thứ hai này của Australia thêm 7 ngày trong nỗ lực chặn đứng một ổ dịch với hàng trăm ca mắc COVID-19 tại đây.

5 triệu cư dân Melbourne lẽ ra sẽ hết thời hạn tuân thủ lệnh phong tỏa kéo dài 7 ngày trước 12h đêm 3/6, song một lần nữa họ nhận được yêu cầu tiếp tục ở nhà do nhiều quan ngại về tình hình lây lan COVID-19. Theo đó, tất cả người dân thành phố này chỉ được phép ra khỏi nhà trong 5 trường hợp gồm mua thức ăn và vật dụng thiết yếu, đi làm, khám bệnh, tập thể dục tối đa 2 giờ mỗi ngày và đi tiêm chủng. Tuy nhiên, các học sinh trung học phổ thông chuẩn bị thi cuối kỳ sẽ được phép trở lại học trên lớp, trong khi một số lao động ngoài trời cũng có thể nối lại công việc của họ.

Cũng theo thông báo, lệnh yêu cầu ở nhà dự kiến sẽ được dỡ bỏ đối với người dân bang Victoria sinh sống bên ngoài thành phố Melbourne, song một loạt biện pháp hạn chế khác vẫn tiếp tục được duy trì, đơn cử như quy định giới hạn số lượng người tới dự đám cưới hoặc đám tang.

Quyền Thủ hiến bang Victoria, James Merlino nêu rõ quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh ghi nhận nhiều bệnh nhân tại ổ dịch ở Melbourne nhiễm biến chủng có khả năng lây lan mạnh hơn so với các chủng virus mà giới chức y tế sở tại từng ghi nhận trước đây.

Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan y tế bang Victoria, ông Brett Sutton, cho biết việc gia hạn hầu hết các biện pháp hạn chế là nhằm chặn đứng chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay.

Kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, thành phố Melbourne đã 4 lần thực hiện lệnh phong tỏa. Đợt bùng phát dịch lần này tại đây được cho là xuất phát từ việc một du khách trở lại Australia đã nhiễm biến thể Kappa (B.1.617.1) có nguồn gốc từ Ấn Độ. Các cơ quan chức năng đã xác định hàng nghìn người tiếp xúc gần và lập danh sách những địa điểm có liên quan tới 60 ca được xác định mắc COVID-19, và cho tới nay số ca mắc đã lên đến 350 ca.

Ba Lan tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế         

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Minsk Mazowiecki, Ba Lan, ngày 5/5/2021. Ảnh: PAP/TTXVN

Bộ Y tế Ba Lan thông báo nước này sẽ cho phép tăng số lượng người tham dự các sự kiện lớn kể từ ngày 6/6, chẳng hạn như cho phép tối đa 150 khách tham dự, thay vì con số 50 khách hiện nay.

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Y tế Adam Niedzielski nêu rõ những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ được miễn tuân thủ các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh này.

Các quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Ba Lan đang tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn COVID-19 tại thời điểm số ca mắc mới của nước này đang giảm.

Bộ trưởng Adam Niedzielski cũng cho biết Ba Lan đã trở thành một trong những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cấp giấy chứng nhận tiêm phòng COVID-19 cho công dân của mình sử dụng trong hệ thống của EU từ ngày 1/6.

Sau khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm, Ba Lan đã chính thức kết nối với hệ thống xác nhận chứng chỉ tiêm phòng COVID-19 của EU. Giấy chứng nhận có sẵn trong một ứng dụng đặc biệt hoặc ở dạng giấy và có mã QR được tạo cho mỗi công dân. Hệ thống công nghệ thông tin sẽ xác nhận một người đã được tiêm chủng vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc là người đã khỏi bệnh COVID-19.

Algeria cho phép nối lại một số chuyến bay quốc tế

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên phát khẩu trang phòng dịch COVID-19 cho người dân tại Algiers, Algeria. Ảnh: AFP/TTXVN

Algeria đã mở lại một phần biên giới nước này sau hơn 1 năm đóng cửa do đại dịch COVID-19, theo đó cho phép nối lại một số chuyến bay quốc tế.

Chiều 1/6, một chuyến bay của hãng hàng không Air Algeria chở gần 300 hành khách khởi hành từ sân bay Paris-Orly của Pháp đã hạ cánh xuống thủ đô Algiers. Sau khi tới Algiers, tất cả hành khách được đưa đến các khách sạn để thực hiện cách ly. Trước đó cùng ngày, máy bay trên đã chở khoảng 60 hành khách đến Paris.

Từ ngày 17/3/2020 Algeria đóng cừa biên giới trên bộ và trên biển cũng như đình chỉ các chuyến bay thương mại nhằm ngăn chặn dịch COVID-19.  Tuy nhiên, tuần trước, Chính phủ Algeria thông báo từ ngày 1/6 bắt đầu tiếp nhận các chuyến bay đến từ Pháp, Tây Ban Nha, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ. Những du khách đến từ những nước này khi nhập cảnh Algeria  phải thực hiện cách ly 5 ngày tại các khách

Bộ Y tế Algeria cho biết nước này đã ghi nhận tổng cộng gần 130.000 ca mắc COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát, trong đó gần 3.500 ca tử vong. Chính phủ Algeria đã áp đặt giới nghiêm tại 19 trong tổng số 8 tỉnh của nước này. Hiện tại biên giới trên bộ và trên biển của Algeria vẫn đóng.

Thùy Dương/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *