Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil ngày 29/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (114.020 ca), Brazil (65.471 ca) và Colombia (28.971 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới cũng là Ấn Độ (2.671 ca), Brazil (1.563 ca) và Colombia (532 ca).

Như vậy, số ca mắc và tử vong hàng ngày ở Ấn Độ tiếp tục xu hướng giảm nhưng vẫn cao nhất thế giới. Một số bang ở Ấn Độ đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa. Tới nay, nước này ghi nhận tổng cộng 28,8 triệu ca mắc và 346.772 ca tử vong.

Trong khi đó, Brazil và Colombia liên tục nằm trong nhóm ba quốc gia có số ca mắc và tử vong hàng ngày cao nhất thế giới. Diễn biến COVID-19 tại Brazil và Colombia cũng phản ánh tình hình đáng lo ngại ở khu vực Nam Mỹ, nơi đang trở thành điểm nóng dịch bệnh toàn cầu. Tới nay, Nam Mỹ đã có trên 29,5 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 913.800 ca tử vong.

Một số bang ở Ấn Độ bắt đầu nới lỏng phong tỏa 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ, ngày 4/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Một số bang của Ấn Độ đang nới lỏng các biện pháp phong tỏa trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 giảm.

Cụ thể, tại vùng thủ đô New Delhi, từ ngày 7/6, các cửa hàng sẽ được mở cửa luân phiên hằng ngày, theo đó các cửa hàng ở số chẵn sẽ mở cửa một ngày và cửa hàng số lẻ mở cửa ngày tiếp theo. Các văn phòng tư nhân cũng sẽ được phép hoạt động với một nửa số nhân viên làm việc.

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, Thủ hiến New Delhi, Arvind Kejriwal cho biết tình hình dịch bệnh ở New Delhi đang dần trở nên khả quan hơn và chính quyền bang sẽ tích trữ 420 tấn ô xy. Theo ông Kejriwal, chính quyền New Delhi trong tương lai sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn để sẵn sàng ứng phó với 37.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Số ca nhiễm mới hằng ngày cao kỷ lục ở vùng thủ đô New Delhi được ghi nhận vào ngày 20/4 với 28.395 ca.

Tại bang miền Bắc Uttar Pradesh đông dân nhất Ấn Độ, lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn có hiệu lực ở 55 trong tổng số 75 vùng của bang này. Theo người phát ngôn chính quyền bang Uttar Pradesh, những vùng có số ca nhiễm mới dưới 600 ca đã được phép mở cửa song với những biện pháp hạn chế, trong khi những thành phố có trên 600 ca bệnh sẽ bị phong tỏa cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Tại bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ, chính quyền địa phương thông báo từ ngày 7/6 sẽ cho phép các trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, nhà hàng và văn phòng mở cửa thường xuyên ở những vùng có tỉ lệ lây nhiễm dưới 5%.

Tại bang Gujarat cũng ở miền Tây Ấn Độ, toàn bộ các văn phòng chính phủ và tư nhân từ ngày 7/6 sẽ được phép hoạt động với toàn bộ nhân viên được đi làm, so với mức một nửa số nhân viên hiện nay. Chính quyền bang Gujarat cũng nới lỏng hạn chế đối với các hoạt động thương mại, cho phép các cửa hàng ở 36 thành phố được hoạt động lâu hơn.

Còn ở bang Odisha, miền Đông Ấn Độ, lệnh phong tỏa đã được nới lỏng ở 3 khu vực do số ca nhiễm giảm, trong khi bang Tamil Nadu ở miền Nam hiện cho phép các cửa hàng bán lẻ tạp phẩm mở cửa phần lớn thời gian trong ngày và cho phép các văn phòng hoạt động với 30% công suất.

Trung Quốc ghi nhận 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 5/6, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã công bố báo cáo tình hình dịch bệnh nước này, theo đó Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 24 ca mắc mới COVID-19. Trong số ca mắc mới này có 13 ca nhập cảnh và 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Quảng Đông.

Trong số các ca nhập cảnh có 5 trường hợp được ghi nhận ở tỉnh Quảng Đông, 3 trường hợp ở Phúc Kiến, 2 trường hợp ở Bắc Kinh, và Thượng Hải, Tứ Xuyên và Vân Nam mỗi nơi ghi nhận 1 trường hợp.

Tính tới ngày 6/6, Tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Trung Quốc đại lục hiện là 91.218 người, trong đó có 4.636 người đã tử vong.

Tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, tính tới cuối ngày 5/6, vùng lãnh thổ này đã ghi nhận 11.852 ca mắc, trong đó có 210 ca tử vong. Macao xác nhận 51 ca mắc. Còn số ca mắc tại Đài Loan hiện là 10.956 ca, trong đó 225 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Campuchia tiếp tục diễn biến gây lo ngại

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch COVID-19 tại Campuchia tiếp tục diễn biến gây lo ngại. Bộ Y tế Campuchia ngày 5/6 thông cáo có thêm 538 ca nhiễm mới ở nước này trong 24 giờ qua, bao gồm 509 ca lây nhiễm cộng đồng và 29 ca nhập cảnh, và có thêm 10 ca tử vong.

Như vậy tính đến nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 33.613 ca mắc COVID-19, trong đó 26.078 bệnh nhân đã hồi phục và 252 ca tử vong.

Trước đó, Bộ Y tế Campuchia ra thông báo phát hiện biến thể B.1.617 của virus SARS-CoV-2 ở nước này dựa trên kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Campuchia đối với 3 trường hợp nhập cảnh từ Thái Lan. Bộ đã chỉ đạo khẩn tới bệnh viện các tỉnh tăng cường công tác phòng chống dịch, thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế đảm bảo an toàn, cách ly tuyệt đối bệnh nhân COVID-19, tăng cường công tác truy vết, kể cả những trường hợp nghi nhiễm, địa điểm lây nhiễm.

Mông Cổ ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất

Bộ Y tế Mông Cổ cho biết nước này ghi nhận 1.393 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 63.978 ca.

Theo bộ trên, trong số các ca mắc mới chỉ có 2 ca nhập cảnh, còn lại là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Mông Cổ cũng có thêm 6 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 321 ca.

Cuối tháng 2 vừa qua, Mông Cổ đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 trên toàn quốc, với mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 60% dân số trong tổng số 3,3 triệu dân ở nước này. Cho đến nay, hơn 1.488.800 người Mông Cổ đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Nga sẽ sớm triển khai “du lịch vaccine”

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga, ngày 26/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết sáng kiến “du lịch vaccine” có thể sẽ được triển khai ở Nga trong vòng một hoặc hai tháng tới.

Phát biểu với báo giới bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg (SPIEF 2021), ông Peskov cho biết sáng kiến “du lịch vaccine” sẽ được thực hiện nhanh chóng, “do nhu cầu tiêm vaccine rất lớn”.

Trước đó cùng ngày, tại phiên toàn thể SPIEF, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị chính phủ Nga giải quyết vấn đề tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 có mất phí tại Nga cho công dân nước ngoài vào cuối tháng 6.

Cũng tại diễn đàn, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev lưu ý rằng, vào tháng 7, Nga có thể mở cửa cho “du lịch vaccine”. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết việc phát triển “du lịch vaccine” ở LB Nga có triển vọng tốt. Ông nêu rõ người nước ngoài làm việc tại Nga sẽ được tiêm chủng vaccine Sputnik Light của Nga.

Cục trưởng Cục Du lịch Liên bang Nga Zarina Doguzova cũng dự đoán việc tiêm phòng cho người nước ngoài ở Nga sẽ giúp khởi động lại hoạt động du lịch trong nước.

Từ ngày 18/1, Nga đã tiến hành chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn và miễn phí cho người dân. Cho đến nay, đã có 4 loại vaccine COVID-19 được đăng ký tại Nga, gồm Sputnik V, EpiVacCorona, KoviVak và Sputnik Light.

Serbia và Argentina bắt đầu sản xuất vaccine Sputnik V của Nga

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 Sputnik V của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Serbia Aleksandr Vucic đã tham gia lễ khởi động hoạt động sản xuất vaccine Spunik V ngừa COVID-19 của Nga tại Serbia. Như vậy, sau Belarus, Serbia trở thành quốc gia châu Âu thứ hai sản xuất vaccine Sputnik V của Nga.

Lễ khởi động sản xuất vaccine Spunik V giai đoạn đầu tại được tổ chức theo hình thức trực tuyến với hai đầu cầu Moskva và Belgrade. Bà Vera Stoilkovic, Giám đốc Viện Virus, vaccine và huyết thanh Torlak ở Belgrade, đơn vị sản xuất vaccine Sputnik V, cho biết Serbia không chỉ là một trong những quốc gia đầu tiên sử dụng vaccine này mà còn là quốc gia đầu tiên ở châu Âu sản xuất chế phẩm này.

Trong khi đó, Tổng thống Vucic đã gửi lời cảm ơn tới nước Nga cũng như Tổng thống Putin, nhấn mạnh việc khởi động sản xuất vaccine Sputnik V ở Serbia là một vinh dự lớn đối với ông.

Về phần mình, Tổng thống Putin cho biết vaccine của Nga đã được công nhận là an toàn và hiệu quả nhất với hiệu quả phòng bệnh lên tới hơn 96%. Theo các cơ quan quản lý của Nga, chưa có trường hợp tử vong nào do tiêm vaccine được ghi nhận.

Cũng trong ngày 4/6, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez thông báo nước này sẽ chính thức khởi động việc sản xuất vaccine Sputnik V trong những ngày tới tại một nhà máy trong nước.

Thùy Dương/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *