(kontumtv.vn) – Quan hệ với Nga và Trung Quốc là rất quan trọng và dù chưa chính thức nắm quyền, ông Donald Trump cũng đã có chính kiến riêng của mình.

LTS: Trong Bài 2: Nhân sự của ông Trump: Lão luyện kinh tế, am tường quân sự, VOV đã đề cập đến cách lựa chọn và trọng dụng nhân tài bất kể những trở ngại có thể gặp phải của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Bài viết cuối cùng trong loạt bài này sẽ trình bày về mối quan hệ Mỹ-Trung và Mỹ-Nga theo quan điểm của ông Donald Trump cũng như từ cách ông Trump lựa chọn nhân sự của mình và từ các tuyên bố mới nhất của người sẽ trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Có thể thấy, ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của ông Trump là cải thiện quan hệ với Nga để giải quyết những vấn đề then chốt tại Trung Đông và cứng rắn hơn với Trung Quốc trong cả vấn đề kinh tế và chính trị- một sự khác biệt rất đáng chú ý so với chính quyền của ông Obama.

donald trump va tam giac chien luoc my nga trung quoc hinh 1
Ngay từ khi vận động tranh cử, ông Trump đã có chiến lược rõ ràng về chính sách ngoại giao với Nga và Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Xích lại gần Nga vì lợi ích tại Trung Đông và Bắc Phi

Không phải đợi đến khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump mới dành “những lời có cánh” cho Nga và Tổng thống Vladimir Putin. Trước đó, trong các cuộc vận động tranh cử của mình, ông Trump cũng đã hết lời khen ngợi ông Putin là “nhà lãnh đạo cứng rắn” đang “điều hành nước Nga một cách tuyệt vời”.

Không phải ngẫu nhiên, ông Trump “phá lệ” so với các Tổng thống tiền nhiệm của mình để bày tỏ thiện cảm với Nga. 3 đời Tổng thống Mỹ trước là Bill Clinton, George Bush (con) và Barack Obama đều có chung một cách tiếp cận là cứng rắn và không khoan nhượng với Nga và ông Putin.

Tuy nhiên, những gì họ nhận được chỉ là “sự bất hợp tác” của Nga trong những vấn đề then chốt tại Trung Đông như ở Afghanistan, Syria, Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những Tổng thống Mỹ này không chịu chấp nhận một sự thật rằng, không có “cái gật đầu của Nga”, những “điểm nóng” tại Trung Đông và Bắc Phi này gần như không thể giải quyết nổi bởi lợi ích và các mối quan hệ của Nga tại khu vực là đan xen và cực kỳ phức tạp.

Để thể hiện thiện chí của mình với Nga, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chấp nhận “gạt bỏ” tướng David Petraeus- một người được ca ngợi là có “hiểu biết về ngoại giao còn hơn cả những nhà ngoại giao kỳ cựu”- và chọn CEO của Exxon Mobil Rex Tillerson- người có mối quan hệ cực kỳ thân thiết với Nga- làm Ngoại trưởng.

Sự lựa chọn này của ông Trump được cho là “một mũi tên trúng 3 đích” khi vừa giúp Mỹ tăng cường hợp tác với Nga trên mặt trận kinh tế, vừa giúp Nga-Mỹ dễ dàng có được tiếng nói chung hơn trong các vấn đề quốc tế trong khi Mỹ vẫn có thể duy trì được ưu thế nhất định đối với Nga.

Điều này là bởi ông Tillerson là một doanh nhân kỳ cựu không xa lạ gì với các cuộc đàm phán “cân não” và lại hiểu rất rõ các quan chức hàng đầu của Nga, nhất là ông Putin- người luôn chào đón ông Tillerson trong rất nhiều lần họ gặp nhau tại Moscow, nơi ông Tillerson có mối quan hệ làm ăn chặt chẽ với các lãnh đạo ngành năng lượng của Nga.

Như vậy, có thể thấy rõ rằng, ông Donald Trump thành tâm muốn cải thiện quan hệ với Nga qua đó giành lấy “chiếc chìa khóa” mở toang những cảnh cửa “mới chỉ dần hé mở” tại Trung Đông. Trong đó, đáng kể nhất là sự hợp tác Nga-Mỹ trong cuộc chiến chống IS ở Syria cũng như việc kéo đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần hơn với Mỹ sau những “giằn dỗi” gần đây.

Cứng rắn với Trung Quốc trong cả kinh tế và chính trị

Trái với sự “mềm mỏng” đối với Nga, ông Donald Trump không ngại công khai sự đối đầu của mình đối với Trung Quốc. Ngay trong quá trình vận động tranh cử, tỷ phú Mỹ đã chỉ trích gay gắt Trung Quốc là “lũng đoạn tiền tệ” và “hưởng lợi từ nền kinh tế Mỹ”.

Sau khi đắc cử, thái độ đối lập với Trung Quốc càng thể hiện rõ rệt khi ông Trump dù đã lựa chọn Thống đốc Iowa Branstad- một người rất thân thiết với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình- làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nhưng vẫn không quên lựa chọn các tướng lĩnh có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, điển hình là tướng James Mattis vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng.

Không những thế, ông Trump còn “tiến trước một bước” khi có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào ngày 2/12- cuộc điện đàm đầu tiên giữa một Tổng thống đắc cử của Mỹ với một nhà lãnh đạo Đài Loan kể từ năm 1979, thời điểm Tổng thống Mỹ Jimmy Carter chính thức công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc và gọi đó là chính sách “Một Trung Quốc”.

Trước phản ứng của Trung Quốc về cuộc điện đàm này, ông Trump nhấn mạnh, Bắc Kinh không có quyền quyết định xem ông có được điện đàm với lãnh đạo Đài Loan hay không: “Tôi không muốn Trung Quốc chỉ bảo cho tôi rằng, tôi phải gọi cho ai.

Cuộc đối thoại giữa tôi và lãnh đạo Đài Loan là rất ngắn gọn và tốt đẹp. Tại sao lại có chuyện một nước khác có thể nói với tôi rằng, tôi không thể gọi cho một ai đó?”. Ông Trump khẳng định: “Tôi nghĩ đó là một hành động thiếu tôn trọng và tôi cũng sẽ không chấp thuận yêu cầu của họ”.

Tổng thống đắc cử Mỹ cũng không ngại chỉ trích Trung Quốc rằng: “Trung Quốc cũng đã xây dựng trái phép những thành lũy lớn ở giữa Biển Đông mà lẽ ra họ không được làm như vậy. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không giúp gì nhiều cho Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. Trung Quốc hoàn toàn có thể giải quyết được việc này nhưng họ đã không làm như vậy”.

Có thể thấy, với chiến lược xích lại gần hơn với Nga và tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, ông Trump đang muốn làm lệch đi “thế chân vạc” Nga-Mỹ-Trung hiện nay theo hướng có lợi cho Mỹ. Sự ủng hộ của Nga tại Trung Đông sẽ giúp Mỹ “rảnh tay” hơn đối phó với Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh nước này đang ngày càng tỏ ra “hiếu chiến” hơn ở Biển Đông khiến nhiều đồng minh của Mỹ “đứng ngồi không yên”.

Hiện vẫn chưa rõ liệu chiến lược này có phát huy tác dụng hay không nhưng có thể thấy ông Trump đã có những tính toán rõ ràng của mình và những tính toán này đều khá phức tạp với nhiều phương án khác nhau.

Là một doanh nhân thành đạt, ông Trump hiểu rất rõ việc phải có phương án dự phòng cho những rủi ro của mình và chấp nhận rủi ro để có kết quả tốt nhất. Như vậy, có thể thấy rằng, năm 2017 sẽ là một năm đầy biến động và tam giác quan hệ Nga-Mỹ-Trung sẽ liên tục xoay vần./.

Trần Khánh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *