(kontumtv.vn) – Thủ tướng Đức và TT Pháp đều cho rằng, việc nước Anh xin hạn thêm Brexit là hoàn toàn khả thi, nhưng với thời gian lâu hơn phía Anh mong muốn.

Trong ngày thứ Ba, 9/4, nữ Thủ tướng Anh đã lần lượt đến Berlin và Paris để thảo luận với các nhà lãnh đạo Đức và Pháp về việc nước Anh xin gia hạn tiếp Brexit đến ngày 30/6.

Kết thúc các cuộc gặp, dù các bên không đưa ra thông báo chính thức nhưng báo chí Đức và Pháp đều dẫn các nguồn tin nội bộ cho biết cả Thủ tướng Đức, Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều không phản đối việc nước Anh xin gia hạn Brexit đến ngày 30/6.

Thông tin này được bà Angela Merkel gián tiếp khẳng định khi trước đó Thủ tướng Đức đã tuyên bố với báo chí rằng, EU không muốn đẩy nước Anh vào một sự ra đi trong hỗn loạn và việc duy trì một quan hệ tốt với Vương quốc Anh sẽ mang lại lợi ích cho khối này.

duc, phap bat den xanh cho hoan brexit, nhung voi thoi han lau hon hinh 1
Cờ EU (phía trên) và cờ Anh (phía dưới) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở thủ đô London ngày 28/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, tối ngày 8/4, bà Merkel từng nhận định, “có khả năng việc hoãn Brexit sẽ kéo dài đến đầu năm 2020”. Điều này phù hợp với nội dung lá thư mà Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk gửi đến lãnh đạo 27 nước thành viên EU hôm 9/4 trong đó nêu kịch bản Brexit sẽ tạm hoãn tối đa 1 năm.

Theo giải thích của ông Tusk, phía châu Âu muốn một sự gia hạn dài hơn đề nghị từ phía Anh là do phía châu Âu không tin rằng Hạ viện Anh sẽ có thể phê chuẩn một phương án nào về Brexit trước cuối tháng 6/2019.

Tuy nhiên, trong tối ngày 9/4, một bản dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh bất thường EU diễn ra trong ngày 10/4, đã được tiết lộ cho báo chí tại Brussels, trong đó nêu rõ điều kiện để nước Anh gia hạn Brexit dài đến cuối năm 2019 hoặc đầu 2020 là nước Anh phải tạo điều kiện thuận lợi cũng như không được phép có bất cứ động thái nào tổn hại đến các mục tiêu chung của Liên minh châu Âu.

 Đây được xem là điều kiện do một nhóm nước do Pháp đứng đầu đặt ra bởi các nước này lo ngại việc tạm hoãn Brexit trong một thời gian dài, đồng nghĩa với việc trên lý thuyết Vương quốc Anh vẫn có quyền bỏ phiếu phủ quyết nhiều chính sách quan trọng của EU./.

Quang Dũng/VOV-Paris

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *