(kontumtv.vn) – Vụ bê bối chính trị dẫn đến cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump của Hạ viện Mỹ cho thấy Washington cần xem xét lại chính sách hỗ trợ Ukraine.

Ukraine đang trở thành tâm điểm trong vụ bê bối chính trị nghiêm trọng nhất nước Mỹ kể từ sau vụ bê bối tình ái của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton với cô thực tập sinh Monica Lewinsky tại Nhà Trắng cách đây 20 năm. Những nghi vấn liên quan đến cuộc điện đàm của Tổng thống Trump với Tổng thống mới đắc cử của Ukraine Zelensky, với cáo buộc ông Trump gây sức ép buộc Ukraine tiến hành điều tra đối thủ của mình là Joe Biden đã thúc đẩy Chủ tịch Hạ viện Pelosi tiến hành cuộc điều tra luận tội chính thức với Tổng thống. Việc công bố đơn tố giác, trong đó nêu chi tiết cáo buộc chính quyền Tổng thống Trump hạn chế quyền tiếp cận nội dung cuộc điện đàm nhằm che đậy nội dung của nó, dường như “đổ thêm dầu vào đám cháy luận tội” của Nhà Trắng.

trump_vkiy
Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN.

Theo một bình luận trên tờ National Interest, tại Mỹ, việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ một thế lực nước ngoài chống lại một đối thủ chính trị trong nước không chỉ được coi là “sự lạm dụng quyền lực nghiêm trọng” của bất kỳ chính trị gia nào mà còn gây mất niềm tin của công chúng, đặc biệt trong trường hợp Tổng thống là người phạm tội. Tuy vậy, phía sau luồng dư luận chi phối những tranh cãi mới nhất ở Nhà Trắng bộc lộ một sự thật rằng, chính sách hỗ trợ an ninh của Mỹ dành cho Ukraine cần được đánh giá lại, bất luận nó có liên quan đến cuộc điện đàm hay không. Chuyên gia Ted Galen Carpenter thuộc Viện nghiên cứu Cato tại Washington nhận định: “Đã đến lúc toàn bộ chính sách của Mỹ về Ukraine nên được đánh giá lại một cách toàn diện”.

Hỗ trợ an ninh của Mỹ có thực sự giúp ích cho Ukraine?

Sẽ không nhà một lãnh đạo nào của Ukraine quay lưng lại với Mỹ nếu Washington đề nghị bán cho họ tên lửa chống tăng Javelin. Cựu Tổng thống Ukraine Poroshenko đã dành nhiều năm yêu cầu Washington bán cho họ vũ khí này dưới thời chính quyền Tổng thống Obama trước khi ông nhận được lô tên lửa Javelin đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Trump được cho là đã liên kết thương vụ mua bán tên lửa Javenlin với cuộc điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Đối với các chính trị gia Ukraine, nhận viện trợ an ninh của Mỹ không chỉ giúp nước này nâng cao năng lực quốc phòng, nhằm bình ổn cuộc xung đột đang diễn ra tại khu vực miền đông, mà còn là cách thức nuôi dưỡng và củng cố quan hệ lâu dài với Washington.

Tuy vậy sự hỗ trợ của Mỹ dành cho chính phủ Ukraine khó có thể cạnh tranh với sự hỗ trợ mà Nga dành cho phe đối lập ở Ukraine. Bởi Ukraine là vấn đề địa chính trị mang tính sống còn với Moscow nên quốc gia này sẽ luôn sẵn sàng hơn Washington trong việc đầu tư và chấp nhận rủi ro. Đối với người Mỹ, Ukraine vẫn là một nước bên ngoài Châu Âu với nền kinh tế kém phát triển và một hệ thống chính trị mà họ cho là tồn tại nhiều vấn nạn tham nhũng. Với người Nga, Ukraine từng là “viên ngọc quý” của Liên Xô và hiện tại là nước láng giềng lớn ở phía tây có phần lớn dân số nói tiếng Nga. Hai bên có chung tuyến hàng hải trên Biển Đen. Washington vẫn có thể sống tốt với một Ukraine thân Nga. Nhưng Moscow chắc chắn sẽ cảm thấy không thoải mái với một Ukraine thân thiết với phương Tây. Thẳng thắn mà nói, vài trăm tên lửa chống tăng cùng những thùng đạn gắn mác “Sản xuất từ Mỹ” không giúp ích nhiều trong bối cảnh thực tế địa chính trị như vậy.

Những người ủng hộ viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine lập luận rằng các đợt chuyển giao vũ khí sẽ cho phép Ukraine tự vệ tốt hơn khi đối phó với phe ly khai ở miền đông. Năng lực quân sự tốt hơn sẽ cho phép quân đội chính phủ cân bằng trước những lợi thế mà phe đối lập có được và khiến nỗ lực mở rộng lãnh thổ của phe này trở nên khó khăn hơn.

Nhưng hiện giờ cả quân chính phủ và phe đối lập đạt được rất ít tiến bộ trên chiến trường. Vẫn có những cuộc tấn công bằng đạn pháo và súng trường dọc theo chiến tuyến kéo dài 300 km phân tách các lực lượng của cả hai phía. Lệnh ngừng bắn bị vi phạm gần như hàng ngày. Có một sự hiểu biết khắt khe ở cả hai phía rằng, sự xâm phạm từ bên này sẽ dẫn đến hành động xâm phạm đáp trả ở bên kia.

Mỹ đừng quên nhân tố Nga

Nga và Ukraine đã tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 4 năm qua tại Donbass song song với các nỗ lực của Đức và Pháp giúp củng cố thỏa thuận hòa bình Minsk. Chiến lược của tân Tổng thống Zelensky tập trung vào việc giải phóng người Ukraine ra khỏi các nhà tù của Nga và tìm cách đạt được thỏa thuận hòa bình trong thời gian nhanh nhất có thể. Việc rút nhân sự ra khỏi thị trấn Stanytsia Luhanska ở khu vực miền đông hồi tháng 6/2019 và cuộc trao đổi tù nhân giữa Nga với Ukraine vào tháng 9/2019 đã mở ra cánh cửa hẹp làm sống lại thỏa thuận Minsk vốn bị bế tắc suốt thời gian dài. Chính phủ Kiev sẵn sàng điều phối lại lực lượng trên tiền tuyến nếu phe đối lập của động thái tương tự nhằm chuẩn bị cho một cuộc họp theo định dạng Normandy (với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Ukraine, Đức) tại Pháp vào tháng 11/2019.

Cuộc họp này có thể không mang lại kết quả nếu Ukraine và Nga không đạt được thỏa hiệp về cách thức thực hiện thỏa thuận Minsk, sau đó các nỗ lực ngoại giao có thể nhanh chóng bị “chết yểu”.

Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Trump không sai khi ông đặt câu hỏi về khoản viện trợ trị giá hàng trăm triệu USD mà Washington đã cung cấp cho Ukraine kể từ khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014. Có nhiều vấn đề lớn hơn về địa chính trị cần phải được xem xét, trong đó phải xét đến cả yếu tố Nga. Thật không may, các nhân tố chính trị ở nước Mỹ đã tác động đến việc ra quyết định của ông Trump.

Bước đi khôn ngoan của ông Zelensky

Kể từ khi vụ bê bối chính trị nổ ra, Tổng thống Zelensky đã cố gắng hết sức để đưa ông và Ukraine tách biệt khỏi “trò chơi chính trị” của Washington. Phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, ông Zelensky nói: “Tôi không muốn bị kéo vào cuộc bầu cử dân chủ của Mỹ”. Những nỗ lực của Zelensky nhằm tránh xa những rắc rối chính trị ở Mỹ không chỉ phù hợp với mong muốn hàng triệu người dân Ukraine mà còn là bước đi khôn ngoan của cá nhân ông.

Trong lịch sử, Ukraine nhiều lần phải chứng kiến mức độ tin tưởng và mức tín nhiệm cực kỳ thấp đối với chính phủ, một cái “dớp” mà ông Zelensky luôn muốn phá vỡ kể từ khi lên nắm quyền. Theo cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 8 của Tổ chức Dân chủ Sáng kiến Ukraine, 70% người dân tin tưởng vào vị Tổng thống mới đắc cử này. Cuộc chiến giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Mỹ liên quan đến những nghi vấn xoay quanh cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Zelensky đe dọa gây tổn hại đến niềm tin của người dân Ukraine đối với chính quyền. Để duy trì sự ủng hộ của người dân, ông Zelensky cần phải tránh xa vấn đề gây tranh cãi này và tập trung thực hiện những cải cách trong nước như ông đã cam kết./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *