(kontumtv.vn) – Mỹ và phương Tây tiếp tục gia tăng đòn trừng phạt kinh tế lên nền kinh tế Nga để dồn ép Tổng thống Putin. Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt không chỉ khiến Nga phải “chịu trận” mà Mỹ và châu Âu cũng sẽ phải “hứng đòn”.

“Rút máu” tài chính

Ngày 28/7, Tòa án Trọng tài quốc tế ở Hague đã phán quyết chính phủ Nga phải trả 50 tỷ đôla thiệt hại cho các cổ đông của công ty Yukos, ít hơn một nửa so với số tiền 114 tỷ USD theo đơn kiện của các nguyên đơn. Đây là khoản tiền bồi thường thương mại lớn nhất trong lịch sử cho đến hiện nay.

Từ giờ đến tháng 1/2015, Nga sẽ phải trả toàn bộ số tiền bồi thường 50 tỷ USD, cộng thêm 65 triệu USD cho chi phí pháp lý và trọng tài nếu không sẽ bị tính lãi; và công ty Rosneft – nơi tiếp nhận các tài sản Yukos trước đây – có nguy cơ bị kiện.

Tòa án này cũng cáo buộc giới chức Nga, dưới thời Tổng thống Putin, đã thao túng hệ thống luật pháp để chiếm đoạt tài sản của Yukos, khiến tỷ phú Mikhail Khodorkovsky – chủ tịch hội đồng kiêm giám đốc quản trị phải ngồi tù.

lệnh-trừng-phạt, cấm-vận, Nga, Mỹ, phương-Tây, Ukraina, tỷ-phú, kinh-tế, danh-sách-đen, hiệu-ứng, quan-hệ, năng-lượng, khí-đốt
Nga sẽ phải trả toàn bộ số tiền bồi thường 50 tỷ USD, cộng thêm 65 triệu USD cho chi phí pháp lý và trọng tài từ nay đến 1/2015 khiến người đứng đầu nước Nga đứng ngồi không yên (ảnh CNN)

Phán quyết trên là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Nga đang trên bờ vực khủng hoảng sau lệnh cấm vận liên tiếp của Mỹ và phương Tây. Phán quyết này sẽ ảnh hưởng lớn lên nền kinh tế Nga trong dài hạn và là cơ sở để các công ty xếp hạng quốc tế đánh giá lại nền kinh tế của Nga.

Khoản 50 tỷ USD tương ứng khoảng 2,5% tổng sản lượng kinh tế hàng năm của Nga hay 57% của Quỹ Dự trữ quốc gia. Trong lúc đó, chỉ số chứng khoán RTS và IRTS của Nga cũng giảm trung bình 3%. Còn cổ phiếu của Rosneft giảm 2,6% ngay sau khi có phán quyết…

Theo số liệu thống kê của Bloomberg, chỉ trong tuần qua, từ ngày 24/7, các nhà đầu tư đã rút 12,3 triệu USD ra khỏi quỹ Market Vectors, còn tính gộp cả tháng 7 là 90,8 triệu USD – cao nhất từ tháng hai tới nay. Rút tiền khỏi ETF là một cách để Mỹ và phương Tây siết chặt nền kinh tế trị giá 2 nghìn tỷ USD của Nga.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, GDP của Nga chỉ tăng 0,2% trong năm nay, ít hơn một nửa so dự báo 0,5% của chính phủ sau khi đạt mức tăng trưởng 1,3% vào năm 2013.

Dựa vào các số liệu Ngân hàng Trung ương Nga cung cấp, trong 6 tháng đầu năm, dòng vốn rút khỏi các tài sản của Nga đã tăng lên 74,6 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 61 tỷ USD của cả năm 2013. Bộ Kinh tế Nga dự đoán, lượng vốn tháo chạy khỏi Nga sẽ tăng lên gần 100 tỷ USD trong năm 2014.

Bên cạnh những biện pháp trừng phạt, các nhà đầu tư rút vốn rút ồ ạt cộng thêm món nợ 50 tỷ USD khiến nền kinh tế Nga càng ngày càng khó khăn hơn. Nhiều người đặt câu hỏi: liệu “con thuyền” nước Nga, dưới sự chèo lái của tổng thống Putin, sẽ làm gì vượt qua được giai đoạn khó khăn này?

Những “nỗi lo” của EU

Theo ông Adam Slater, chuyên gia kinh tế của Anh, Nga hiện là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới. Nếu Mỹ và phương Tây tiếp tục có những biện pháp cấm vận Nga sẽ khiến nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu bị thiếu hụt và giá dầu có thể tăng cao trên 200 USD mỗi thùng. Các quốc gia EU hiện đang tiêu thụ 84% lượng dầu và 76% khí đốt tự nhiên của Nga. Một phần tư các quốc gia thuộc EU phụ thuộc và dầu và khí đốt từ Nga.

lệnh-trừng-phạt, cấm-vận, Nga, Mỹ, phương-Tây, Ukraina, tỷ-phú, kinh-tế, danh-sách-đen, hiệu-ứng, quan-hệ, năng-lượng, khí-đốt
Nhiều người nghi ngờ tính thực tiễn của các biện pháp trừng phạt về kinh tế mà Mỹ và EU áp đặt lên Nga và rủi ro mà EU sẽ phải gánh chịu (ảnh europarl)

Như đã đoán trước những diễn biến bất lợi từ những cấm vận, từ đầu năm nay Nga đã có bước đi “đón đầu” bằng cách kí những hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ lớn với Trung Quốc và bắt tay kinh tế với Triều Tiên.

Trong khi đó, các quan chức EU đang xem xét “cấm” Nga liên hệ với các tổ chức vay nợ châu Âu và ngược lại, cấm cá nhân, tổ chức EU mua các khoản nợ mới từ các ngân hàng lớn nhất của Nga.

Theo Bloomberg News, việc này sẽ hạn chế việc tiếp cận thị trường vốn, tăng chi phí huy động vốn, hạn chế khả năng tài trợ của các tổ chức tài chính của Nga cho nền kinh tế của đất nước. Theo Financial Times, hiện có khoảng 7,5 triệu Euro trong tổng số 15,8 triệu Euro được phát hành bởi các tổ chức tài chính Nga có nguồn gốc từ các thị trường châu Âu.

Rõ ràng, “xử phạt” Nga đã được các nước EU thông qua nhưng một cách miễn cưỡng vì nhiều nước châu Âu đang dần phục hồi nền kinh tế sau thời kì “thắt lưng buộc bụng”. Thêm vào đó, Nga là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU và có ảnh hưởng lớn lên nền kinh tế của Đức, Pháp hay Ý…

Chẳng hạn, giá trị xuất khẩu từ Đức sang Nga đạt 38 tỷ Euro (51 tỷ USD) trong năm 2013 và nhập khẩu hơn 30% lượng dầu lửa và khí đốt từ Nga. Hà Lan cũng phụ thuộc nặng vào năng lượng Nga và một số nước thậm chí còn dựa 100% vào nguồn cung khí đốt của Nga. Pháp đang có một hợp đồng quân sự trị giá 1,6 tỷ USD và cung cấp 2 tàu chở trực thăng cho Nga trong những năm tới.

Các công ty bị “cấm giao thương” như Công ty tài chính và năng lượng quốc doanh Nga Gazprombank, Vnesheconombank (VEB), Rosneft, và Novatek, Almaz-Antey và Tập đoàn Kalashnikov… đều là những đối tác lâu dài của nhiều công ty ở châu Âu.

Bộ trưởng Tài chính Nga, ông Sergey Storchak, đã từng tuyên bố Nga sẽ chuẩn bị “biện pháp đối phó nghiêm trọng” nếu các đòn trừng phạt mới được áp đặt.

Chính vì thế, nhiều người cũng nghi ngờ tính thực tiễn của các biện pháp trừng phạt về kinh tế mà Mỹ và EU áp đặt lên Nga và đặt ra nhiều câu hỏi về rủi ro mà EU sẽ phải gánh chịu. Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu (AEB) còn lo ngại, những đòn trừng phạt trên dễ gây ra hiệu ứng “boomerang” lên chính nền kinh tế của khối này.

Nhị Anh/Vietnmanet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *