(kontumtv.vn) – Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 15/8 đã thề sẽ ngăn chặn chiến tranh bằng mọi giá nhưng câu hỏi đặt ra là Seoul sẽ làm điều đó bằng cách nào.

“Sẽ không có chiến tranh lặp lại trên bán đảo Triều Tiên”. Đó là tuyên bố mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, một người xuất thân từ miền Bắc bán đảo Triều Tiên, đưa ra hôm qua (15/8) trong diễn văn kỷ niệm Ngày Quang Phục, hay còn gọi là Ngày Giải phóng Quốc gia Triều Tiên (15/8/1945, khi còn là nhất thể).

han quoc dung truoc nhiem vu giu the dien cho my va trieu tien hinh 1
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 15/8 khẳng định không thể áp dụng giải pháp quân sự trên bán đảo Triều Tiên nếu thiếu sự đồng thuận của Hàn Quốc.. (Ảnh: Getty Images)

Ngày Quang Phục đánh dấu sự kiện Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh năm 1945, nhờ đó bán đảo Triều Tiên thoát khỏi ách thuộc địa. Nó không chỉ nhắc nhở về lịch sử mà Hàn Quốc và Triều Tiên cùng chia sẻ mà còn cho thấy Seoul có một vị thế đặc biệt trong việc mang lại một giải pháp hòa bình cho bế tắc hiện nay, khi cả nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy cuộc “khẩu chiến” giữa 2 bên đi quá xa.

Cơ hội cho Hàn Quốc lên tiếng

Trong một động thái thể hiện khao khát đối thoại, Hàn Quốc đã mời đại diện chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tham dự lễ kỷ niệm Ngày Quang Phục nhưng Triều Tiên từ chối vì phản đối kế hoạch tập trận chung Mỹ – Hàn có tên “Người bảo vệ tự do Ulchi” (Ulchi-Freedom Guardian), khai mạc vào ngày 21/8.

Thông thường, Triều Tiên cũng đã phản đối rất mạnh mẽ với những cuộc tập trận như thế. Năm ngoái, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5 ngay sau khi cuộc tập trận chung UFG giữa Mỹ và Hàn Quốc khai mạc.

Nhưng nay, động thái đó gần như không là gì so với lời đe dọa của Triều Tiên rằng sẽ tấn công đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Dù Triều Tiên đã tuyên bố hoãn kế hoạch tấn công Guam, Bình Nhưỡng vẫn cho thấy kế hoạch tấn công là có thật và tiếp tục tăng cường răn đe Mỹ – Hàn trước thềm cuộc tập trận UFG.

Trong bối cảnh cả nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều tự dồn mình vào thế khó có thể bỏ qua sỹ diện mà xuống thang trước, thì Hàn Quốc là nước uy nhất hội tụ đủ uy tín, đòn bẩy và động lực để dẫn đầu một nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Thế nhưng, Hàn Quốc lại đang bị giằng xé giữa phương án đối kháng và đối thoại.

Người Hàn đã thay đổi cách nhìn với Triều Tiên

Quan điểm của người Hàn Quốc về an ninh quốc gia đã thay đổi khi khủng hoảng với Triều Tiên leo thang.

Thăm dò dư luận của Viện nghiên cứu Kinh tế – Xã hội Hankyoreh về 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Moon Jae-in cho thấy ngày càng nhiều người Hàn Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Triều Tiên cũng như việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Nếu như khi ông Moon Jae-in mới nhậm chức, có tới 62,6% người được hỏi ủng hộ đối thoại và hợp tác với Triều Tiên trong khi chỉ có 33,7% tán thành các biện pháp trừng phạt, thì con số này hiện nay lần lượt là 44,5% và 49,8%.

Tương tự, nếu thăm dò hồi tháng 5 của Hankyoreh cho thấy chỉ có 39,9% người được hỏi chấp nhận triển khai THAAD thì nay con số đó là 60,8%

Điều đó cho thấy sự đảo chiều trong quan điểm của người Hàn Quốc đối với Triều Tiên. Nhưng nếu tính đến những sai số trong thăm dò dư luận thì có thể nói xã hội Hàn Quốc đang chia đôi, nửa ủng hộ chính sách mềm mỏng, nửa muốn cứng rắn hơn với Triều Tiên.

Theo thăm dò dư luận này, chính quyền mới tại Hàn Quốc bị cho là “xử lý kém” các vấn đề an ninh quốc gia khi không tạo được cơ hội thúc đẩy cách tiếp cận vừa đối thoại vừa tạo áp lực như Tổng thống Moon Jae-in hứa hẹn.

Ông Moon Jae-in nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 5/2017 với lời hứa sẽ hàn gắn mối quan hệ với Triều Tiên sau hơn một thập kỷ cầm quyền của phe bảo thủ. Tháng trước, ông đã tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un “bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu” dưới những hoàn cảnh thích hợp.

Là người quen thuộc với “Chính sách ánh dương” thân thiện với Triều Tiên trong giai đoạn 1998 – 2008, Tổng thống Moon Jae-in đã “lấp đầy” đội ngũ an ninh quốc gia của ông bằng những nhân vật chủ chốt thời kỳ đó, bổ nhiệm họ làm Thủ tướng, người đứng đầu cơ quan tình báo và Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc.

Đến lúc Hàn Quốc “cứng rắn” với… Mỹ?

Một trong những cố vấn của ông Moon Jae-in hồi đầu tuần này chỉ trích những phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Triều Tiên, cho rằng điều này “rất bất thường”.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mỹ Lindsey Graham cho biết, Tổng thống Donald Trump đã nói với ông rằng “nếu có hàng nghìn người phải chết thì họ sẽ chết ở đó”. Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng khiến dư luận Hàn Quốc lo ngại rằng Washington sẵn sàng để đồng minh ở Đông Bắc Á chịu tổn hại để bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ.

Không có nhiều phương án trong tay, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi Mỹ đối thoại trực tiếp với Triều Tiên để giải quyết những khác biệt.

“Đối thoại là cực kỳ khẩn thiết lúc này để ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí của họ thêm nữa”, Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc và đối ngoại và an ninh cho biết. “Nhưng Triều Tiên cho rằng Hàn Quốc bất lực và sẽ không đàm phán với chúng tôi. Họ muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ”.

“Tổng thống Moon Jae-in đã nói với Tổng thống Donald Trump rằng không bao giờ nên xem xét phương án quân sự nhưng chúng tôi không thể làm được gì nhiều khi 2 nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn [của Mỹ và Triều Tiên – ND] đang xung đột”, ông Lee Su-hoon, người giữ chức trưởng nhóm cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc cho tới tháng 7 vừa qua, nhận định.

“Đã đến lúc Hàn Quốc có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn”, chuyên gia viện nghiên cứu Brookings Katharine H.S. Moon nhận định, đồng thời gợi ý chính phủ Hàn Quốc hoãn cuộc tập trận UFG với Mỹ năm nay.

Theo bà, với việc Mỹ và Hàn Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận lớn hồi tháng 3 và tháng 4 năm nay, với sự tham gia của khoảng 320.000 binh sỹ, gấp hơn 6 lần so với UFG, thì cuộc tập trận sắp tới chẳng còn nhiều ý nghĩa hay quá cần thiết.

Trong khi đó, nếu đình chỉ động thái này, Hàn Quốc sẽ có cơ hội theo đuổi đối thoại quân sự liên Triều trong khi thiết lập lại các kênh thông tin, bao gồm đường dây nóng mà 2 nước cắt đứt đầu năm ngoái.

Với việc hoãn tập trận làm đòn bẩy, Hàn Quốc sẽ được nâng lên làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên thay vì tiếp tục là “tay sai” của Washington như cái cách mà Bình Nhưỡng đang nhìn nhận về Seoul.

“Cơ hội là quá lớn để không thể không thử”, bà Katharine H.S. Moon nhận định, đồng thời tin chắc rằng điều này sẽ cải thiện rất nhiều triển vọng đàm phán giữa 3 bên nhằm xoa dịu tình hình./.

 

Diệu Hương/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *