Được mệnh danh là một “Napoleon Đỏ”, ông nổi bật với tư cách là tư lệnh của đội quân các du kích đi dép lốp và kéo từng khẩu pháo qua núi cao vực sâu vào bao vây rồi nghiền nát quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954. Chiến thắng dường như không thể đạt được này, hiện vẫn được nghiên cứu tại các trường quân sự, đã dẫn tới không chỉ nền độc lập của Việt Nam mà còn đẩy nhanh sự sup đổ của chủ nghĩa thực dân trên khắp cõi Đông Dương và nhiều nơi khác.
Ông Võ Nguyên Giáp sau đó tiến lên đánh đổ chế độ ngụy ở miền Nam Việt Nam (do người Mỹ dựng lên và hậu thuẫn) vào tháng 4/1975, thống nhất đất nước đã bị chia cắt làm 2 miền từ năm 1954.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Bộ Phủ vào tháng 9/1945 ngay sau Cách mạng tháng Tám (ảnh: AP) |
“Không có cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc nào lại ác liệt và gây nhiều thương vong như cuộc chiến này,” ông Giáp nói với hãng tin AP vào năm 2005 trong 1 phỏng vấn với truyền thông nước ngoài vào đêm trước lễ kỷ niệm thứ 30 Đại thắng 30/4.
“Nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu bởi vì đối với Việt Nam, không có gì quý hơn độc lập tự do,” AP dẫn lời ông Võ Nguyên Giáp trích dẫn lại câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tướng Giáp vẫn rất sắc sảo và am tường các vấn đề chính trị và thời sự cho tới khi ông nhập viện. Bước qua tuổi 90, ông vẫn tiếp các lãnh đạo thế giới, những người chụp ảnh cùng ông và nhận các cuốn sách của ông Giáp cùng thủ bút của vị tướng này khi họ tới thăm nhà riêng của ông tại Hà Nội.
Sinh năm 1911 ở tỉnh Quảng Bình, ông Giáp tham gia hoạt động chính trị vào những năm 1920 và tham gia làm báo trước khi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông bị tù một thời gian ngắn vào năm 1930 do lãnh đạo các cuộc biểu tình chống Pháp.
Năm 1944, Võ Nguyên Giáp theo lời kêu gọi của Hồ Chí Minh đã tổ chức và lãnh đạo các lực lượng du kích chống lực lượng Nhật chiếm đóng trong Thế chiến 2. Sau khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh 1 năm sau đó, lực lượng Việt Minh tiếp tục đấu tranh giành độc lập từ tay Pháp.
Tướng Giáp chưa bao giờ được đào tạo quân sự bài bản. Ông thường đùa mình đã tốt nghiệp học viện quân sự “bụi rậm”.
Tướng Giáp năm 1984 (ảnh: Getty Images) |
Tại chiến trường Điện Biên Phủ, đội quân Việt Minh của ông đã gây bất ngờ cho lực lượng Pháp tinh nhuệ bằng cách bao vây họ. Đào hàng trăm kilômét hào, quân Việt Nam đã kéo được trọng pháo qua núi sâu đèo cao rồi từ từ khép chặt vòng vây trong trận đánh dữ dội 55 ngày kết thúc bằng việc người Pháp đầu hàng vào ngày 7/5/1954.
“Nếu một dân tộc quyết tâm đứng lên, thì họ sẽ rất mạnh,” Võ Nguyên Giáp phát biểu với các nhà báo nước ngoài năm 2004 trước lễ kỷ niệm thứ 50 chiến dịch lịch sử này. “Chúng tôi rất tự hào rằng Việt Nam là nước thuộc địa đầu tiên đã đứng dậy được và tự mình giành lại độc lập.”
Đây là sự kiện cuối cùng dẫn tới sự rút lui của người Pháp và Hiệp định Paris tạm thời chia tách Việt Nam làm 2 miền.
Vị tướng Việt Nam đã rút kinh nghiệm từ chiến thắng Điện Biên Phủ để sáng tạo ra Đường mòn Hồ Chí Minh, một mạng lưới bí mật trong rừng rậm uốn lượn qua cả các nước láng giềng Lào và Campuchia để tăng viện quân cho mặt trận phía nam.
Lực lượng của tướng Giáp lại giành chiến thắng, lần này là trước quân Mỹ với vũ khí tối tân và máy bay ném bom chiến lược B-52.
“Chúng tôi phải lấy nhỏ địch lớn, lấy vũ khí lạc hậu đánh bại vũ khí hiện đại,” ông Giáp nói. “Rốt cuộc, chính nhân tố con người đã quyết định chiến thắng.”
Tướng Giáp tiếp Fidel Castro |
Sử gia Stanlay Karnow, từng phỏng vấn Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội vào năm 1990, đã trích dẫn lời ông như thế này: “Chúng tôi không đủ mạnh để đẩy nửa triệu quân Mỹ ra khỏi nước chúng tôi, nhưng đó không phải là mục tiêu của chúng tôi. Ý định của chúng tôi là đập tan ý chí của chính phủ Mỹ muốn tiếp tục cuộc chiến tranh”.
“Với chiến thắng 30/4, nô lệ đã trở thành những người tự do,” Tướng Giáp nói. “Thật không thể tin được”.
Sau chiến tranh và trải qua một số chức vụ, ông Giáp nghỉ hưu ở Hà Nội, viết hồi ký và dự các buổi lễ quốc gia, thường mặc quân phục với cầu vai gắn sao vàng.
Ông tổ chức các buổi họp báo, đọc các chú thích viết tay, và thỉnh thoảng trả lời các câu hỏi bằng tiếng Pháp, trong các buổi lễ kỷ niệm các sự kiện thời chiến tranh. Ông mời các nhà báo nước ngoài đến nhà gặp gỡ các vị khách nổi tiếng và thường hôn lên hai má của 1 nữ phóng viên AP làm việc lâu năm ở Hà Nội.
Võ Nguyên Giáp cập nhật tin tức thế giới và đã đưa ra lời khuyên về cuộc chiến của người Mỹ ở Iraq hồi năm 2004. Ông nói với các phóng viên rằng, “bất cứ lực lượng nào muốn áp đặt ý chí của mình lên các dân tộc khác đều nhất định thất bại”.
Tướng Giáp đã tiếp rất nhiều quan chức nước ngoài, bao gồm người bạn người đồng chí Fidel Castro của Cuba. Năm 2003, cặp đôi này ngồi chuyện trò trong nhà ông Giáp và cùng cười vang bên dưới bức chân dung của lãnh tụ Vladimir Lenin.
Cựu thù của đại tướng Giáp, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, đến thăm ông vào năm 1995. Ông McNamara hỏi về một chương gây tranh cãi trong Chiến tranh Việt Nam, đó là sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964 trong đó tàu khu trục Mỹ giả vờ bắn vào tàu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – đây là cái cớ để Quốc hội Mỹ leo thang cuộc chiến tại Việt Nam.
Trong chuyến thăm nói trên, ông McNamara hỏi tướng Giáp điều gì đã xảy ra vào đêm đó (năm 1964). Tướng Giáp trả lời: “Tuyệt đối không có gì cả”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, người rất hâm mộ Tướng Giáp cùng nghệ thuật quân sự của ông (ảnh Reuters chụp năm 2006) |
Tướng Giáp kỷ niệm sinh nhật thứ 100 vào năm 2011. Đã rất yếu và khó nói, nhưng ông vẫn ký 1 bức thiệp cảm ơn các đồng chí đã gửi lời chúc sinh nhật tới ông. Và tại thời điểm đó, ông vẫn tiếp tục được cập nhật tin tức về tình hình quốc tế và trong nước, Đại tá Nguyễn Huyên – thư ký riêng của ông Giáp trong 35 năm cho hay.
Cuối đời, ông Võ Nguyên Giáp khuyến khích mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ – 2 nước bắt đầu bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995 và đã trở thành đối tác thương mại gần gũi của nhau.
Năm 2000, Tướng Giáp nói: “Chúng tôi có thể gác lại quá khứ… Nhưng chúng tôi không thể quên hoàn toàn quá khứ được.”/.
Trung Hiếu/VOV online
Theo AP